Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

ĐTVN: Đôi công – không thể, phản công – không xong?

Tạp Chí Giáo Dục

1.Thông thường, trước mỗi giải đấu chính thức, các đội tuyển quốc gia tìm chọn đối thủ tương đồng lối đá với các đội trong bảng đấu để giao hữu, kiểm tra lần cuối mọi kết quả sau quá trình tập huấn hoặc tập trung.
Không phải ngẫu nhiên mà trước VCK EURO 2012, đội Italia lại chọn gặp đội Nga để thi đấu giao hữu. Đơn giản, Italia sẽ găp Tây Ban Nha là đội chú tâm chơi bóng ngắn, sệt, nhuyễn gần giống đội Nga; còn đội Nga cũng thử kiểm tra mình trước một đối thủ gần giống Italia là CH Czech và có thể là Ba Lan…

HLV Phan Thanh Hùng hướng dẫn các học trò.

Người Italia lần đó bị người Nga “ăn” 3 bàn không gỡ và nhiều người nghĩ đội Thiên Thanh có nguy cơ bị ra rìa rất cao khi thi đấu chính thức. Cùng thời điểm, đội Đức giao hữu với Thụy Sỹ và cũng bất ngờ thua đậm với tỷ số 3 – 5. Đáng nói nữa là sau giao hữu, người Tây Ban Nha vẫn loại thẳng cánh những cầu thủ thi đấu tốt nhưng ít kinh nghiệm trận mạc, như việc gọi lại Torres và loại Adrian.
Nhìn chung, các “ông lớn” nói trên đều không lấy kết quả giao hữu làm căn cứ chính và họ xuất hiện ở giải chính thức với một bộ mặt hoàn toàn khác. Các đối thủ thường không dễ gì đoán định được đường đi, nước bước của họ.
Dễ thấy là dù thua hay thắng thì xưa nay, đội Tây Ban Nha chắc chắn không chơi giống đội Đức và đội Italia cũng như vây. Nét cơ bản tạo nên thương hiệu của các đội bóng nói trên luôn được tô đậm, bổ sung trên một nền tảng vững chắc và ổn định lâu dài.
2. Liên hệ với bóng đá Việt và các trận giao hữu của đội tuyển Việt Nam, quả cũng có nhiều điều để nói.
Thông thường, ĐTVN được tập trung dài ngày, thi đấu tập huấn và giao hữu khá nhiều, kể cả tham dự giải “tiền” này, “tiền” nọ. Công việc chủ yếu là tìm cho bằng được một bộ khung ưng ý nhất. Các HLV này tung hết các con bài, đặt cầu thủ vào tầm ngắm với độ khắt khe cao nhất, chấm chọn kỹ lưỡng nhất.
Kết quả là chọn đúng nhất nhưng điều đó đồng nghĩa với việc đối thủ cũng tìm ra phương án đối phó một cách hiệu quả nhất. Thời HLV Weigang hay Riedl, người Thái luôn “yêu thích” đội Việt Nam, họ “chọn” Việt Nam ở các trận chung kết bởi chỉ cần bắt chặt Hồng Sơn là mọi chuyện an bài.
Thời đó, ĐTVN khi đá giao hữu là cứ mặc nhiên tung hết lực lượng, hết sức lực. Thứ nữa, khi chọn ra đội hình ưng ý nhất có nghĩa là số dự bị còn lại là loại 2, nên chỉ cần gặp sự cố do thẻ phạt hay chấn thương, y như tử huyệt lộ ra và đối thủ tha hồ khai thác.
Chung kết SEA Games 22 là vị trí hậu vệ trái do Đức Tuấn trấn giữ đã được người Thái dồn lực đục khoét. Kể cả việc tiền đạo số 1, số 2 của đội tuyển vắng mặt, những sự thay thế dành cho Nguyễn Văn Dũng hay Tuấn Thành thời ấy cũng ngay lập tức nhận được kết quả rất tiêu cực.
Đến thời Calisto hay Goezt, các trận giao hữu có thể được tính toán chặt chẽ hơn, không bộc lộ nhiều nhất mà vẫn thu được kết quả tốt nhất. Kết quả mỹ mãn tại AFC Cup 2008 cho thấy, các học trò của Calistor đã học thuộc bài học không cóng chân trước người Thái và trước đó là Singapore.
Đối thủ không dễ gì bắt bài đội tuyển Việt Nam khi trong khung thành thủ môn Hồng Sơn chơi xuất thần kỳ lạ, Minh Phương, Tài Em vừa vững vàng vừa đột biến, Công Vinh, Quang Hải… là những sát thủ lạnh lùng và may mắn.
Nhưng tất cả chỉ có thế. Chỉ một lần đội tuyển Việt Nam tạo được sự bất ngờ và hiệu quả. Đối thủ sau đó lại dễ dàng chia cắt và triệt tiêu sức mạnh tấn công cũng như phòng ngự của chúng ta. Đáng nói hơn, đối thủ bây giờ là người Malaysia, người Indonesia…chứ không chỉ là người Thái hay người Singapore.
Và sau bao nhiêu năm thắng thua, thầy nội, thầy ngoại, liệu ĐTVN đã tạo được nét riêng, thương hiệu riêng và kiên trì phát huy điểm mạnh của mình trong làng bóng đá Đông Nam Á?
Về thể hình và thể lực, ĐTVN sẽ không bì được với các cầu thủ Philippine hoặc Singapor nhập tịch. Về lối chơi, chắc chắn người Thái và người Indo không bao giờ e ngại Việt Nam nên họ sẽ chủ động chơi tấn công.
Trong khi đó, kỹ năng phòng ngự không phải lúc nào cũng là thế mạnh của đội Việt Nam.Chúng ta rõ ràng cũng không giỏi hơn ai về khả năng cầm bóng, các nhân tố có khả năng tạo đột biến hay độc lập tác chiến, bùng nổ để xây dựng lối đá phòng ngự – phản công sắc bén.
Vậy là, đôi công thì không thể, mà phòng ngự – phản công cũng cứ loay hoay quay trở, ít nhất từ thời Weigang cho tới… Phan Thanh Hùng ?
3. Chuẩn bị AFF Cup vào cuối năm nay, người hâm mộ đang rất sốt ruột khi đội tuyển không có sự chuẩn bị chu đáo và chất lượng.
Không hiểu 3 trận đấu giao hữu vừa rồi của đội tuyển nhằm tới mục tiêu gì khi 3 đối thủ hoàn toàn là những người xa lạ, không có bất cứ nét tương đồng nào với đội Thái hay Philippine hay xa hơn là Malaysia và Indonesia? Việc lựa chọn bộ khung ưng ý nhất có lẽ cũng chưa phải lúc này, “nghi binh” người Thái chắc cũng không phải?
Xem ra, chậm trễ trong việc lựa chọn HLV trưởng, rất mông lung trong việc tập trung, tập huấn và nhất là thi đấu giao hữu, ĐTVN có lẽ sẽ vào giải với hành trang “truyền thống” là ý chí và động lực tiền thưởng? Bởi, trước giải, đội tuyển không ra tung hết bài cũng chẳng phải giấu bài, mục tiêu không cụ thể và thực lực thì chưa được kiểm chứng?
Để rồi, chỉ ở tầm vùng trũng thôi mà cũng phấn đấu mãi, hoài, không biết bao giờ mới ra khỏi câu chuyện muôn thuở… ta đá, ta khen nhau này?
Phú Châu (theo vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)