Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Mô hình làm bóng đá nuôi bóng đá của CLB Arsenal: Các đội bóng của Việt Nam có làm được không?

Tạp Chí Giáo Dục

Rất nhiều đội bóng ở Việt Nam đủ điều kiện để thực hiện theo mô hình làm bóng đá nuôi bóng đá như cách CLB Arsenal đang áp dụng cho CLB HA.GL. Tuy nhiên, họ phải làm như thế nào?

Tân GĐĐH CLB lừng danh Arsenal, ông Ivan Gazidis vừa có chuyến thăm học viện HA.GL-Arsenal JMG. Theo ông Ivan Gazidis, học viện này là mô hình lý tưởng và ngày càng tiếp cận trình độ của CLB Arsenal. Theo quan điểm của ông Ivan Gazidis, cách làm của Arsenal là cung cấp cầu thủ cho chính đội bóng mình và đem bán thu về lợi nhuận. Ông Ivan Gazidis cũng tiết lộ, riêng mùa giải 2008-2009 vừa qua, tổng doanh thu của CLB Arsenal là 350 triệu USD. Đầu mùa bóng 2009-2010, Arsenal vừa bán cho Man City hai cầu thủ Toure và Adebayor với tổng giá trị 41 triệu bảng… Hiện nay trị giá của CLB Arsenal xếp thứ 3 thế giới, chỉ sau Real Madrid và M.U. Bóng đá tại Arsenal có thể tự nuôi sống được chính bản thân đội bóng, không lệ thuộc vào túi tiền của các ông chủ hay các tập đoàn kinh tế.

Những cầu thủ trẻ này sẽ giúp HA.GL có nguồn thu lớn sau khi hoàn thành khóa học

Nếu xét theo quan điểm của ông Ivan Gazidis thì hiện ở Việt Nam có không ít những đội bóng ở những địa phương với nguồn cầu thủ trẻ dồi dào và khả năng tài chính đủ sức làm theo kiểu HA.GL – Arsenal JMG. Đến lúc đó, trường hợp cầu thủ trẻ sớm bỏ đi trong khi địa phương đào tạo không thu được lợi nhuận tương xứng sẽ giảm đáng kể.

Đào tạo để… cho không

Sông Lam Nghệ An là lò đào tạo nổi tiếng trong cả nước. Thế nhưng do chưa có được một cơ chế hoạt động thật sự độc lập, lò đào tạo xứ Nghệ thường xuyên phải chứng kiến cảnh cầu thủ ra đi mà không thu được lợi nhuận tương xứng. Trước mùa giải 2008, thủ thành Dương Hồng Sơn bất ngờ chia tay đội để đến với T&T Hà Nội với số tiền lót tay lên đến 3 tỉ đồng. Tương tự Hồng Sơn, ngay sau V-League 2008 đến lượt Công Vinh rời bỏ xứ Nghệ sang T&T Hà Nội với giá 8 tỉ đồng, Minh Đức chọn XM.Hải Phòng với giá 2 tỉ đồng trong lúc Quốc Vượng dù chưa mãn án treo giò về chơi cho Thể Công với khoản lót tay 300 triệu đồng.

Tương tự SLNA, đội bóng phố biển K.Khánh Hòa cuối mùa giải 2008 cũng tức anh ách mà không làm gì được khi 4 cầu thủ Trọng Bình, Tấn Điền, Hữu Chương, Đức Hùng về V.Ninh Bình với những khoản lót tay tiền tỉ. Để rồi sau đó lãnh đạo đội bóng này không khỏi phàn nàn trên báo chí rằng họ mất công về tận từng xã, phường chọn lọc từng cầu thủ, đào tạo ngần ấy năm trời rồi cuối cùng bị đội khác “nẫng” mất.

CS. Đồng Tháp cũng không khá hơn khi cuối mùa 2008 cùng một lúc 5 cầu thủ ra đi khi hết hạn hợp đồng. Thanh Bình, Quý Sửu, Việt Cường, Văn Pho về HA.GL với những khoản lót tay tiền tỉ. CS. Đồng Tháp phải dùng đến cả hạ sách không xin phép miễn nghĩa vụ quân sự nhằm giữ lại cầu thủ.

Những vụ “mất tiền đau” như vậy hứa hẹn vẫn sẽ còn tiếp diễn trong làng bóng đá Việt Nam, nếu các địa phương vẫn còn giữ cơ chế đào tạo mang tính bao cấp như hiện nay.

Theo ông Ivan Gazidis để có thể làm giàu đội bóng bằng việc nuôi và bán những cầu thủ “gà son” như Arsenal, các đội bóng cần hai điều kiện: một là học viện đào tạo bóng đá trẻ và hai là một sân vận động đạt chuẩn. Hai điều kiện này hoàn toàn nằm trong tầm tay của nhiều đội bóng có tiềm lực tài chính mạnh ở Việt Nam như B.Bình Dương, V.Ninh Bình hay SHB. Đà Nẵng… Nhiều địa phương ở Việt Nam hiện nay lại có sẵn nguồn cầu thủ trẻ tài năng rất dồi dào như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Nghệ An, Đồng Tháp…HA.GL không có được nguồn nhân lực dồi dào nhưng vẫn có thể mở được học viện chất lượng dựa trên việc tìm kiếm tài năng khắp toàn quốc. Vậy những địa phuơng như trên có lợi thế hơn hẳn HA.GL về nguồn nhân lực hoàn toàn có thể tiếp bước học viện HA.GL Arsenal JMG.

…Nhưng phải có thời gian

Khi trao đổi vấn đề này với những lãnh đạo các đội bóng, đa phần đều ủng hộ chiến lược này và cho rằng nó sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho đội bóng. Tuy nhiên, tất cả đều thừa nhận xu thế bóng đá Việt Nam trong thời điểm hiện tại vẫn phải dùng tiền để chiêu mộ cầu thủ làm mạnh đội bóng. Đặc biệt cần phải có thời gian và gỡ bỏ những vướng mắc về mặt cơ chế mới có thể làm bóng đá từ gốc.

Chủ tịch CLB K.Khánh Hòa Lê Tiến Anh cho rằng môi trường bóng đá Việt Nam hiện nay vẫn còn nặng tính bao cấp và còn rất nhiều yếu tố chưa chuyên nghiệp. Việc xây dựng một đội bóng theo mô hình Arsenal hiện tại là rất khó thực hiện với bất cứ đội bóng nào. Ông nói: “Trên lý thuyết, việc xây dựng mô hình bóng đá kiểu Arsenal là tối ưu và đội bóng nào cũng muốn làm. Tuy nhiên, thực tiễn bóng đá Việt Nam hiện tại chưa thể thực hiện vì còn rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là sự khác biệt về tư duy làm bóng đá. Nói thẳng ra ở Việt Nam hiện nay có nhiều doanh nghiệp làm bóng đá chỉ vì mục đích đánh bóng thương hiệu. Khi đã hoàn thành được mục đích của mình thì “nhả” đội bóng ra hoặc khi làm ăn thua lỗ thì cũng đầu tư kém đi, khiến đội bóng đi xuống vì thiếu “bầu sữa”. Tư duy là cái đầu tiên phải thay đổi nếu muốn tạo những sự đột phá cho những CLB bóng đá ở Việt Nam. Hoặc giả sử như khi mở một học viện, những điều kiện kèm theo cũng phải được nâng cấp một cách tối đa. Lấy ví dụ là HLV, ngay cả nhiều đội bóng trong nước còn phải đi thuê HLV nước ngoài vì không thể tìm được HLV nội giỏi, thì việc mở học viện đương nhiên cũng rất khó khăn trong việc tìm thầy. HA.GL liên kết được với Arsenal là nhờ uy tín của một doanh nghiệp lớn. Làm được điều đó đối với những CLB khác rõ ràng không phải dễ”.

Giám đốc điều hành CLB SLNA Hồ Văn Chiêm tỏ ra rất hào hứng với chiến lược này. Ông Chiêm cho rằng SLNA sẽ sớm đi theo con đường của HA.GL: “Sắp tới chúng tôi sẽ thành lập công ty cổ phần bóng đá. Khi đó cơ chế mới quản lý mới sẽ được thiết lập một cách thông thoáng hơn. Về không gian để mở học viện thì không phải lo. Chúng tôi có thể được chấp thuận toàn quyền sử dụng một khu đất rộng rãi. Vấn đề bây giờ là cần phải có thêm tài chính. Ngoài sự hỗ trợ từ ngân hàng Bắc Á, chúng tôi sẽ kêu gọi thêm nguồn tài chính từ các doanh nghiệp khác. Khi đó, việc xây dựng mô hình bóng đá theo kiểu Arsenal chẳng còn khó khăn. Tôi nhấn mạnh về tài chính bởi đây vẫn là yếu tố tiên quyết. Vì để có thể lo được dinh dưỡng cho học viên theo tiêu chuẩn của HA.GL-Arsenal JMG hiện nay là cả một vấn đề. Nhưng dù thế nào đi nữa thì mục tiêu của chúng tôi là tiến lên mô hình này trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm tới”.

Anh Tuấn (theo thanhnien)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)