Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại diễn đàn Mekong Connect 2023 với chủ đề: “Nền kinh tế xanh và bền vững của Việt Nam” vừa diễn ra tại TP.HCM. Diễn đàn nhằm cụ thể chương trình hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong nhiệm vụ phát triển kinh tế hướng đến nền kinh tế xanh và bền vững.
Các đại biểu tham quan các triển lãm sản phẩm xanh, sạch trong khuôn khổ diễn đàn
Thiếu nhân lực để thực hiện kinh tế xanh
Xu hướng tiêu dùng xanh đang ngày càng rõ hơn, người tiêu dùng đang chủ động tìm kiếm các sản phẩm xanh từ nhà sản xuất xanh. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đầu đàn đã tiên phong hướng đến năng lượng xanh để phát triển bền vững.
Theo ông Trần Anh Tuấn – Giám đốc Phát triển thị trường Tập đoàn Điện Quang, thực hiện mục tiêu kinh tế xanh, hiện các tập đoàn lớn bắt đầu quan tâm tới năng lượng tái tạo. Chứng chỉ năng lượng tái tạo đang được một số thị trường bắt buộc thực hiện đối với những đơn vị cung cấp sản phẩm. Giải pháp để thực hiện chuyển đổi là dựa vào sức gió, mặt trời, nhiệt thạch, biogas, hydro.
Vấn đề đặt ra là hiện mỗi ngành có đặc thù riêng, mỗi doanh nghiệp có xuất phát điểm riêng nên việc chuyển đổi không giống nhau và có những khó khăn nhất định.
Chẳng hạn với ngành xây dựng, ông Đinh Hồng Kỳ – Viện trưởng Viện ESG và Phát triển bền vững – cho biết, ngành xây dựng triển khai mô hình ESG để tiến tới Net-Zero nhưng các cơ quan chưa có quy định về trung hòa Carbon. Nếu doanh nghiệp thực hiện kinh tế xanh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, một doanh nghiệp muốn cải tạo lại phải mất 70% chi phí, do đó cần ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về Net-Zero để doanh nghiệp có sự chuẩn bị nguồn lực và phát triển, tham gia vững trong nền kinh tế tuần hoàn.
Ông Đỗ Hòa – Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa Quản trị – chia sẻ, ĐBSCL là vùng nguyên liệu, tuy nhiên hiện nay năng lực nghiên cứu nhằm mục tiêu cải tiến và đổi mới cho doanh nghiệp (năng lực R&D) rất thấp. Việc tuyển người làm nghiên cứu rất khó, doanh nghiệp của các tỉnh phải đến TP.HCM tìm người, thậm chí tranh giành nhau.
Để tối ưu hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Việt nói riêng thì tính liên kết hết sức quan trọng. Đây là vấn đề TP.HCM có thể làm được, tức là có thể cung cấp nhân lực và năng lực nghiên cứu cho ĐBSCL, thậm chí cả miền Đông Nam bộ.
“Trước mắt TP.HCM có giải pháp liên kết các trường đại học, viện để cung cấp dịch vụ R&D cho ĐBSCL phục vụ phát triển. Ngược lại, ĐBSCL cung cấp các sản phẩm cho TP.HCM như một trung tâm thương mại xuất khẩu sản phẩm đi các vùng khác và thế giới”, ông Hòa nói.
Ông Richard Rastall – Trưởng ban Nông thực phẩm SNV Việt Nam – cho biết, các doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm đến ĐBSCL và mong có sự hỗ trợ triển khai thực thi quy hoạch vùng này. Việc chuyển đổi mô hình, hình thái sản xuất sẽ có người hưởng lợi cũng như người bị ảnh hưởng, do đó cần nguồn lực tài chính lớn để thực hiện. Mặt khác, cần khuyến khích đổi mới sáng tạo ở khu vực tư nhân, hướng tới mô hình sản xuất xanh, sạch hơn, làm theo tiêu chuẩn nhằm phát huy giá trị tài nguyên có thể giúp bán được sản phẩm dễ hơn, giá tốt hơn.
TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL không thể tách rời
Ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn – cho rằng, những thành tựu kinh tế mà TP.HCM đạt được thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của ĐBSCL. Ngược lại, hiệu ứng lan tỏa từ sự phát triển của TP.HCM ra cả vùng là không thể phủ nhận.
“Với thế mạnh có hàng loạt trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu, các cơ quan ngoại giao, tham tán thương mại, các tổ chức quốc tế, TP.HCM phải là nơi dẫn dắt tăng trưởng xanh và kinh tế xanh”, ông Hoan nhấn mạnh.
TP.HCM đã và đang có nhiều nỗ lực trong công cuộc tăng trưởng xanh. TP xác định, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền phát triển bền vững và cần có sự chia sẻ lẫn nhau, chia sẻ từ quốc gia đi trước, chuyên gia có kinh nghiệm và sự chủ động, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết, TP.HCM xác định sự phát triển của TP luôn gắn liền với sự phát triển của các địa phương; trong đó xây dựng chuỗi cung ứng xanh, chuỗi cung ứng bền vững từ nuôi, trồng, thu hoạch, lưu trữ, sơ chế, chế biến, sản xuất đến tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP và các tỉnh, thành. Trong đó, TP.HCM và vùng ĐBSCL có sự gắn kết hết sức mật thiết và quan trọng, có tác động qua lại về mọi mặt. Sự phát triển của TP.HCM không thể tách rời mà phải kết nối chặt chẽ với sự phát triển của từng địa phương trong vùng.
Theo ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, mặc dù tiềm năng của ĐBSCL và TP.HCM rất lớn nhưng việc phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn vẫn còn mới mẻ đối với các địa phương. Vì vậy, đòi hỏi sự kiên trì nỗ lực giữa các địa phương với các bộ ngành.
“Cần xây dựng khung chương trình hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, liên kết phát triển hạ tầng xanh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế xanh, xúc tiến – quảng bá thương mại sản phẩm và lĩnh vực liên quan kinh tế xanh trên quy mô toàn vùng. Liên vùng là cách nâng cao năng lực sở, ngành; hình thành các cơ chế và chính sách phát triển công nghệ thích ứng giữa các địa phương trong vùng và liên vùng. Trong đó, xây dựng mục tiêu, định hướng, tập trung giảm thiểu chất thải, khí thải, tái sử dụng, tái chế chất thải, tận dụng mọi nguồn tài nguyên phát triển kinh tế xét cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng. TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong trục xoay này”, ông Trường nói.
Ông Nguyễn Trúc Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre – thông tin, bản thỏa thuận Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đến năm 2025 đã được ký kết; trong đó có 6 lĩnh vực hợp tác trọng tâm được ký kết chung và 4 nội dung cụ thể hợp tác song phương giữa TP.HCM và tỉnh Bến Tre. Hiện các sở, ngành của Bến Tre đang tập trung phối hợp với các sở, ngành của TP.HCM để triển khai thực hiện, đạt được một số kết quả bước đầu trên các lĩnh vực như: kết nối doanh nghiệp, xúc tiến mời gọi đầu tư; kết nối giao thương, kết nối cung – cầu; kết nối, phát triển tuyến điểm du lịch; khoa học và công nghệ; y tế… Những hoạt động cụ thể đã minh chứng rõ sự quyết tâm rất lớn của Bến Tre nói riêng và các địa phương trong vùng nói chung đối với vấn đề liên kết, hợp tác vùng; đồng thời kỳ vọng sẽ xây dựng được tư duy mới, tầm nhìn mới và cách tiếp cận mới từ góc độ chung của toàn xã hội, giảm dần tư duy cục bộ địa phương để hướng tới mục tiêu lớn hơn, xa hơn cho cả khu vực và cả nước…
Phú Cát
Bình luận (0)