Tròn sáu tháng sau ngày đất nước thống nhất, đội bóng đá Cảng Sài Gòn được khai sinh (ngày 1-11-1975), bắt đấu từ tên gọi cũ – Thương khẩu Sài Gòn. Sau hơn 33 năm tồn tại, cái tên Cảng Sài Gòn chính thức được thay thế bằng phiên hiệu mới: CLB bóng đá TPHCM – kể từ sáng ngày 22-1-2009.
Logo và màu áo mới của CLB bóng đá TPHCM – Ảnh: Sĩ Huyên |
Trong hơn 33 năm qua, trên bản đồ bóng đá nước nhà, cái tên Cảng Sìa Gòn đã gắn chặt với các tên tuổi lừng danh một thời như: Tam Lang, Thà, Tư Lê, Lưu Kim Hoàng… rồi đến lứa Nguyễn Phúc, Phan Hữu Phát, Nguyễn Văn Mười… được tiếp nối bằng thế hệ giàu thành tích như Chỉnh- Tám- Nại- Tùng- Hòa- Tuấn “nhím” .
Hơn ¼ thế kỷ thăng trầm, lối chơi hào hoa, đẹp mắt và trung thực của Cảng Sài Gòn – đội bóng số một TP.HCM với bốn danh hiệu vô địch quốc gia – đã đi sâu vào tâm khảm người hâm mộ cả nước.
Đỉnh cao và vực sâu
Sau hàng loạt các chiến tích lẫy lừng trên sân cỏ, ngày 22-6-2003, tròn một năm sau lúc đăng quang ngôi vô địch cuối cùng ở V-League 2002, Cảng Sài Gòn… rớt xuống hạng nhất! Một nỗi đau khôn tả của người hâm mộ và người trong cuộc. Sau cú sốc rớt hạng, cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang chính thức nói lời chia tay với đội bóng vốn đã quyện chặt với tên tuổi, tài năng và đức độ của anh.
Thật ra đó là cuộc chia tay khá muộn, bởi theo quy định, 60 là tuổi phải về hưu. Tam Lang nán lại thêm một năm, nhưng cũng không giải quyết được tình thế cho đội bóng. “Con tàu” bóng đá Cảng Sài Gòn bị chìm. Chấp chính khoảng trống để lại của thầy Tam Lang là cậu học trò cưng Đặng Trần Chỉnh – cũng là một gương mặt tài hoa của bóng đá Sài Gòn, được đào tạo chính quy từ sau ngày đất nước thống nhất. Giữ chức HLV trưởng, Chỉnh đã lèo lái đội bóng khá hay và đưa đội trở lại với mái nhà xưa – thăng hạng chuyên nghiệp vào năm 2004.
Suốt từ lúc khai sinh cho đến ngày rớt hạng, Cảng Sài Gòn tồn tại bằng quỹ phúc lợi do công nhân Cảng làm ra. Nghiệt một điều, quỹ phúc lợi nào có dồi dào và không phải bất kỳ công nhân Cảng nào cũng yêu bóng đá. Không ít tiếng xì xào, bực tức từ giới công nhân khi nguồn quỹ ấy cứ luôn hao hụt vì được trích ra để duy trì đội bóng. Tiếng xì xào càng lan rộng khi đội bóng rớt hạng. Đó cũng là lúc bóng đá nước nhà chuyển mình sang cơ chế chuyên nghiệp. Đúng vào lúc “dầu sôi lửa bỏng” như vậy, Thép Miền Nam xuất hiện như một chiếc phao cứu sinh.
Công ty cổ phần bóng đá Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn ra đời, trở thành đơn vị chủ quản của đội bóng đá. Đội bóng đá buộc phải ghép tên. Năm năm góp vốn kinh doanh bóng đá, Thép Miền Nam (nắm giữ 73% cổ phần trong công ty) chịu thiệt nhiều hơn khi góp đến 118 tỷ đồng, trong khi đối tác Cảng Sài Gòn chỉ hùn vốn được không hơn 2,8 tỷ đồng! Sự chênh lệch về việc góp vốn như thế là không thỏa đáng.
Sự chịu đựng của Thép Miền Nam có giới hạn, bởi họ không thể cáng đáng mãi sự cách biệt quá xa về việc góp vốn. Lại họp, lại bàn bạc và quyết định đi đến việc đổi tên đội bóng thêm một lần nữa. Công ty cổ phần ấy vẫn tồn tại, vẫn là đơn vị quản lý đội bóng, nhưng tên gọi mới là CLB bóng đá TPHCM với sự. tài trợ chính của Thép Việt Nam (VN Steel).
Khi thông tin đổi tên xuất hiện rộng rãi, Hội cổ động viên Cảng Sài Gòn phản ứng dữ dội. Có thể sự nóng giận ấy đáng được thông cảm, bởi họ không năm rõ được tiến trình đi lên chuyên nghiệp của một CLB, và càng hông biết được rằng Cảng Sài Gòn đã bất lực hoàn toàn- về mặt kinh phí- trong việc duy trì tên gọi cũ.
Cái tên Cảng Sài Gòn vốn quá thân quen với giới hâm mộ bóng đá nước nhà, chính thức bị xóa sổ. Đó cũng là đội bóng sau cùng của TP.HCM thay đổi phiên hiệu sau nhiều năm âm thầm chịu đựng mọi sóng gió, kể từ khi bóng đá Việt Nam khoác lên người hai chữ chuyên nghiệp.
Tâm sự người trong cuộc
Xuất hiện trong lễ đổi tên Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn là nhiều tên tuổi lão làng, từng gắn bó với Cảng Sài Gòn trong vài thập niên trước. Đó là nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT- Lê Bửu (từng nhiều năm là Giám đốc Sở TDTT TPHCM), Trần Văn On – nguyên Tổng giám đốc CSG, Tam Lang- nguyên là HLV trưởng CSG.
Họ ngồi đó, vẫn tâm tình, trò chuyện cùng mọi người nhưng đôi môi luốn mím chặt còn gương mặt thì không giấu được vẻ buồn bả. Vui sao được khi cái tên từng một thời có liên hệ mật thiết với họ, gắn bó với cuộc đời lẫn sự nghiệp của họ, đang lùi dần vào dĩ vảng.
Hai trong số những người từng gắn bó với Cảng Sài Gòn: nguyên Tổng cục trưởng TDTT-Lê Bửu (trái) và nguyên Tổng giám đốc CSG- Trần Văn On – Ảnh: Sĩ Huyên |
Bằng giọng nói bùi ngùi, HLV trưởng CLB bóng đá TPHCM- Lư Đình Tuấn (cũng là một tài năng xuất sắc của bóng đá TPHCM, trưởng thành từ đội Cảng Sài Gòn) xúc động nói với Tuổi Trẻ Online rằng: "Thuở chập chững vào cấp I, Cảng Sài Gòn là đội bóng thần tượng của tôi. Khi lớn lên, tình cờ tôi được HLV Tam Lang chọn vào tập luyện rồi thi đấu cho Cảng Sài Gòn. Giã từ đời cầu thủ, tôi trở thành HLV thứ năm của đội bóng. Bao thăm trầm, bao kỷ niệm đã gắn chặt với tôi. Cái tên quá đỗi thân thương, nau bổng mất đi, thử hỏi sao không chạnh lòng…”.
Ngừng một thoáng để dằn cơn xúc động, ông Tuấn nói tiếp: "Đổi tên, CLB sẽ mất đi lượng cổ động viên đáng kể. Đó chính là điều đáng lo, nhất là khi CLB đối đầu với các đội đại gia ở V-League, rất cần sự kích thích từ khán đài. Điều tôi mong mỏi nhất với lãnh đạo công ty là gấp rút tìm ra lực lượng cổ động viên cho màu áo mới, khi mà ngày khai mạc giải đã cận kề…”.
Giám đốc cảng Tân Thuận và là Phó chủ tịch HĐQT công ty cổ phần bóng đá Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn-ông Lê Quang Nhật (vốn gắn bó với đội bóng từ chục năm qua) phát biểu với gọng đầy xúc động: "Hãy để lịch sử sang trang, dù biết rằng hàng ngàn trái tim của người hâm mộ đang thổn thức vì mất đi tên gọi thân quen. Chúng tôi thành thật xin lỗi người hâm mộ, giới cổ động viên. Và cũng kỳ vọng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình trong màu áo mới. Bởi dù sao đi nữa thì đó cũng là đội đại biểu duy nhất của bóng đá TP.HCM ở V-League…”.
SĨ HUYÊN (Theo TTO)
Bình luận (0)