Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Coi áp lực là cơ hội rèn luyện

Tạp Chí Giáo Dục

Trong nghề dạy học, mỗi thời điểm có những áp lực khác nhau. Không áp lực nào giống nhau nhưng điều quan trọng là cách nhìn, cách chấp nhận để có cơ hội cho giáo viên rèn luyện vượt qua thử thách.

Lớp tuổi như chúng tôi, những U.60 đã từng trải qua những áp lực tưởng chừng không vượt qua nổi. Đó là thực trạng nghề giáo những năm tháng bao cấp; tem phiếu một thời mà bây giờ nhớ lại như cổ tích. Thuở ấy, lương nhà giáo trễ ba, bốn tháng là chuyện bình thường. Áp lực không? Quá áp lực là khác. Không có lương, làm sao mua gạo, mua thực phẩm hàng ngày? Nhiều giáo viên ở vùng nông thôn trở thành nhà nông thực thụ. Một buổi đi dạy, một buổi ra ruộng be bờ, làm cỏ… Có nhiều giáo viên trở thành những tấm gương “điển hình tiên tiến” về chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ sẵn có kiến thức, thầy cô đã vận dụng vào thực tế nên nuôi con gì, trồng cây gì đều đạt kết quả cao. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” – chúng tôi biết vậy và cố gắng hết sức mình để vượt qua tất cả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy thiếu thốn về vật chất nhưng cuộc sống tinh thần luôn dư dả. Giờ học luôn đầy ắp niềm vui, đầy ắp tiếng cười sau mỗi câu chuyện dí dỏm. Thời ấy, thầy cô dạy hết mình và học trò cũng học hết mình…

Nghề dạy học ngày nay cũng có nhiều áp lực mà mỗi giáo viên phải nhìn nhận thấu đáo, khoa học mới thấy được hướng đi. Đó là áp lực về đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp; áp lực về thời gian, về thi đua, về chỉ tiêu hàng năm phải đạt… Theo tôi nghĩ những vấn đề nêu trên nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học trong thời kỳ mới. Không phải cấp trên đưa ra để “làm khó” giáo viên mà đưa ra để thầy cô tự soi xét lại năng lực thật sự của mình đã đáp ứng được các yêu cầu chưa? Ví dụ về dạy liên môn chẳng hạn, đó là cả một sự chuẩn bị dài hơi bằng tâm huyết, tài năng mới có được tiết dạy chất lượng.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là các giáo sinh sư phạm sau khi có tấm bằng tốt nghiệp trong tay coi như xong, tự bằng lòng với kiến thức lý thuyết đã học; chỉ cần đi dạy, hết giờ là về. Trên thực tế, rất ít giáo viên chịu khó tìm tòi tài liệu, sáng tạo cách truyền thụ để bài giảng sống động hơn mà cứ theo sách hướng dẫn là xong, khỏi suy nghĩ dài dòng cho thêm mệt.

Do đó, theo tôi, chúng ta phải coi những áp lực trong nghề là cơ hội, là điều kiện để không ngừng tự hoàn thiện mình. Phải mạnh dạn đối mặt với áp lực để san bằng áp lực, không nên thấy khó khăn mà nản lòng, buông xuôi. Không có thành công, trưởng thành nào tự nhiên có được mà phải trải qua bao thử thách khắc nghiệt. Sự lớn lên về nhận thức, sự thành đạt trong nghề dạy học cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

Lê Đức Đồng (Sóc Trăng)

Bình luận (0)