Cũng cảnh quần đùi áo số, cũng thi đấu giải vô địch quốc gia, nhưng giữa các cầu thủ nam và nữ ở nước ta là khoảng cách một trời một vực. Ngoài độ chênh lệch quá lớn về thu nhập, chế độ đãi ngộ, mức sống giữa nam và nữ cầu thủ thì người ta đang tự hỏi bao giờ và làm thế nào để các cô gái đá bóng sẽ sống khá hơn?
CHUYỆN BÊN LỀ QUẢ BÓNG VÀNG VIỆT NAM 2008…
Cũng nghiệp quần đùi-áo số, nhưng thu nhập của các cầu thủ nữ ở nước ta chẳng thấm vào đâu so với đồng nghiệp nam. |
Để chủ nhân của các danh hiệu trong đêm gala Quả bóng Vàng Việt Nam 2008 đẹp hơn, rực rỡ, BTC đã phải kỳ công giúp các ứng viên chọn trang phục, trang điểm (dành ứng viên nữ). Cũng từ việc này, chúng tôi đã không khỏi chạnh lòng cho các nữ cầu thủ…
Với các cầu thủ bóng đá nam, thu nhập của họ đến vài chục triệu đồng mỗi tháng đã là chuyện bình thường. Thu nhập cao, mức sống được nâng lên là lẽ đương nhiên nên chẳng ai bất ngờ với hình ảnh các cầu thủ nam diện những bộ quần áo đắt tiền, xài điện thoại thuộc loại “hot” nhất.
Thế nhưng, với các nữ cầu thủ, những người lẽ ra phải thích chưng diện và mua sắm nhất thì lại dè xẻn đến từng đồng. Vì thế, ngày BTC chọn cho 2 ứng viên của giải thưởng Quả bóng Vàng những chiếc áo dạ hội khá đẹp mắt, nhưng các cô gái vàng của bóng đá nước ta đã tần ngần trước cái giá khoảng 2 triệu đồng/áo, dù là BTC dành tặng. Khi ấy, Đào Thị Miện ngập ngừng: “Có cần mua mua áo mắc như thế không anh?”, khiến chúng tôi, miệng thì trấn an cô đừng lo mà lòng lại thấy thương lắm!
Cũng đêm hôm ấy, sau lễ trao thưởng, đi ăn cùng những người bạn, trong đó có một số cầu thủ nam của một CLB ở phía Nam, nhiều người gần như rơi đũa khi QBV Ngọc Châm và QBB Đào Thị Miện tiết lộ rằng, mức lương họ được nhận chỉ là 800.000 đồng/tháng. Mức này, nếu đem so với các ngành nghề khác, chỉ tương tương với những người công nhân mới học việc.
800.000 đồng/tháng, các cầu thủ nữ có sống thế nào? Câu hỏi ấy đã dằn vặt tất cả những ai có mặt trong buổi tiệc hôm ấy…
…TỚI GIẢI VĐQG NỮ 2009
Ở giải V-League hay hạng Nhất, một đội bóng có thể nhận được 20 tỷ đồng/mùa từ ngân sách tỉnh hay nhà tài trợ, còn ở các đội bóng đá nữ?
Trong 6 đội bóng nữ, có 2 đội tìm được tài trợ (HH.Hà Nội và PP.Hà Nam), 1 đội được bao bọc bởi doanh nghiệp (TKS Việt Nam) và 3 đội còn lại sống dựa hoàn toàn vào ngân sách Nhà nước (Hà Nội, TPHCM và Thái Nguyên).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài TKS Việt Nam có thể trả lương tới 2 triệu đồng/người, tất cả các đội bóng còn lại, cao nhất cũng chỉ là 1 triệu đồng, con số thấp nhất là 200.000 đồng/tháng. Đây là điều dễ hiểu nếu biết rằng, ngân sách dành cho bóng đá nữ là rất hạn chế, trong khi tìm được tài trợ thì số tiền mà các Mạnh Thường Quân chi ra cũng rất ít.
Nếu ở V-League hay hạng Nhất, người ta đã chứng kiến những món tiền thưởng kỷ lục có khi lên tới 1 tỷ đồng (Hoàng Anh Gia Lai thưởng sau trận thắng trên sân Long An mùa trước), “bèo” nhất như QK4 mỗi trận thắng cũng có được vài chục triệu, thì với các cầu thủ nữ, thưởng là từ không hề có trong từ điển, bởi với họ, khoản chi đột xuất này không bao giờ xuất hiện.
Nếu các cầu thủ nam có thể thoải mái chơi bóng vào lúc 17 giờ chiều và có truyền hình trực tiếp thì các cầu thủ nữ đang phải gồng mình vừa chạy vừa chống chọi với cái nắng đầu mùa lúc 15 giờ ở cái sân chẳng khác sân bóng làng tại Thái Nguyên. Rất nhiều ý kiến đá thắc mắc rằng, Austdoor đã trả cho VFF tới 2 tỷ đồng để ghép tên giải, số tiền lớn ấy đủ để các cô gái có thể chơi ở những sân đẹp và giờ đẹp, vậy vì sao giải nữ vẫn bị “đày” lên tít Thái Nguyên?
Không ai tìm ra được câu trả lời, bởi nó cũng khó như câu hỏi, đến khi nào khoảng cách giữa nam và nữ cầu thủ không còn quá diệu vợi như hiện nay?
TƯỜNG KHÔI (theo SGGP)
Bình luận (0)