Tòa soạnThư đi – tin lại

Cần nhân rộng mô hình “Thanh niên sống đẹp”

Tạp Chí Giáo Dục

Thanh niên giúp đỡ trẻ khuyết tật tại Chùa Diệu Pháp (Đồng Nai) – một lối sống đẹp. Ảnh: K.N
Vừa qua, Hội LHTN TP.HCM đã tuyên dương 6.962 gương “Thanh niên sống đẹp 2010”. Đây là những tấm gương được phát hiện thông qua các chương trình Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ VN, Thanh niên làm theo lời Bác, Thanh niên vượt tiến, Chiến sĩ tình nguyện hoặc các bạn có nhiều hành động đẹp trong cuộc sống đời thường… Tuy nhiên, theo tôi, con số này chỉ mới là đại diện bởi hàng năm, có đến hàng chục ngàn sinh viên – học sinh lăn xả cùng với chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, Hoa phượng đỏ để khẳng định sức trẻ và lối sống tốt đẹp của mình với xã hội. Trong năm 2010, Hội LHTN cũng đã tổ chức 469 lớp và 162 buổi tập huấn kỹ năng thực hành xã hội cho hơn 60 ngàn thanh thiếu nhi, lập 76 đội hình phản ứng nhanh tham gia giải quyết những điểm nóng giao thông… Bên cạnh đó, có rất nhiều bạn trẻ mà hành động của họ tuy nhỏ, nhưng rất đáng trân trọng và noi gương. Một bà lão đi được một đoạn không xa, lớ ngớ tìm cách băng qua đường. Ngay lúc đó, một bạn trẻ khoác trên người chiếc áo xanh thanh niên tình nguyện đạp xe trờ tới: “Bà muốn qua đường phải không, để con giúp cho”. Ánh mắt bà lão rực sáng niềm vui kèm theo đó là lời cảm ơn rối rít… Một chiều mưa tầm tã, hai đứa trẻ rách rưới, co ro ngồi khóc ngon lành dưới mái hiên một căn nhà trên đường Bạch Đằng – quận Bình Thạnh. Thì ra là hai đứa trẻ từ sáng đến giờ đi xin không được đồng nào nên bụng đói cồn cào, không chịu được nữa. Một bạn sinh viên nữ trên đường đi dạy kèm thấy vậy dừng lại dỗ dành, hỏi chuyện rồi lấy 20 ngàn ra cho hai đứa trẻ, sau đó vội vã đạp xe đi không cần lấy một lời cảm ơn. Lần khác, tại Công viên Gia Định (Gò Vấp), một nhóm người tổ chức ăn uống rất tưng bừng. Xong cuộc vui, cả nhóm đứng dậy ra về bỏ lại “bãi chiến trường” trong khi ngay ở đó vài bước chân là một thùng chứa rác. Một thanh niên tình nguyện đến, phút chốc “bãi chiến trường” được dọn sạch trước cặp mắt thán phục của người đi đường.
Theo tôi, “sống đẹp – sống có ích không phải là một cái gì to lớn lắm, nó rất gần gũi với chúng ta, đó không phải là lý lẽ, lời nói suông, phương châm trên giấy, sách vở… mà đó là những việc làm, hành động cụ thể diễn ra hàng ngày trong đời sống của chúng ta. Có thể nói, giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” còn là một dịp để các bạn trẻ gặp gỡ, giao lưu với những bạn đồng trang lứa, biết mở rộng lòng mình chia sẻ, giúp đỡ và lắng nghe các bạn khác đang gặp khó khăn, cần sự cảm thông để làm điểm tựa đi tiếp. Sự tuyên dương cũng một phần thức tỉnh, lôi kéo bộ phận sinh viên học sinh có lối sống thiếu lành mạnh đến với các hoạt động tích cực, không chỉ đối với bản thân họ mà cho mọi người xung quanh… Mong rằng, mô hình này sẽ ngày càng được nhân rộng hơn nữa trong cả nước…
NGUYỄN NGỌC RĂNG
(Trung tâm Công tác xã hội Thành đoàn TP.HCM)

Bình luận (0)