Tòa soạnThư đi – tin lại

Tràn lan thư “rác” dạy kèm

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những quảng cáo dạy kèm “ăn theo” cây xanh trong khu dân cư Nam Sài Gòn 

Tờ rơi dạy kèm không chỉ có ở các ngã tư, trên cây, trụ điện mà gần đây còn được “thả bom” tin nhắn điện thoại di động và bỏ vào thùng thư tại nhà. Điều đáng nói là những địa chỉ dạy kèm ấy lại lấy “mác” của một số trường, trung tâm luyện thi có uy tín một thời nhưng nay đã không còn tồn tại hoặc chỉ là một trung tâm “ảo” nào đó.
“Ăn theo” cây xanh, thùng thư…
Quanh Trường THPT Tân Phong thuộc khu bờ sông Nam Sài Gòn, Q.7 từ lâu đã xuất hiện nhiều tấm biển treo trên cây xanh cũng như “ăn theo” trụ điện và các trụ bảng tên đường nội bộ. Từ xa người ta cứ nghĩ đó là áp phích tuyên truyền, cổ động nhưng lại gần thì đó là biển quảng cáo với thông tin dạy kèm được in trên chất liệu Hi-lex với màu sắc khá bắt mắt. Nhiều phụ huynh khẳng định chủ nhân của những mẫu quảng cáo treo bừa bãi trên thân cây ấy là giáo viên ở một trường THPT thuộc Q.7. Không tin, chúng tôi thử tìm hiểu bằng cách gọi đến số 0908. 671… (được mở ngoặc là của thầy Lâm) thì được thông tin: “Tôi là Lâm giáo viên dạy luyện thi tại Trung tâm Luyện thi ĐH Anpha – thuộc ĐH Sư phạm TP.HCM. Địa chỉ học gần Siêu thị Lotte Mark, đường Nguyễn Hữu Thọ, Q.7”. Người này còn cho biết lịch dạy đã “kẹt” hết và giới thiệu cho giáo viên khác cùng trung tâm… Nhiều mẫu quảng cáo tương tự cũng đã xuất hiện ở các khu dân cư mới, đặc biệt là các khu “nhà giàu” như: Khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh); khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7); khu nhà ở An Khánh, Thảo Điền (Q.2)… “Gần năm nay, hầu như sáng nào mở thùng thư lấy báo, tôi cũng thấy tờ rơi dạy kèm trong đó. Tờ rơi cho vào bao thư, bên trong có đính kèm danh thiếp của người dạy hẳn hoi. Còn không có thùng thư như nhà anh Phan Văn Chí, hàng xóm của tôi thì sau một tuần đi công tác về, rác tờ rơi dạy kèm trắng… cả sân” – Bà Nguyễn Tuyết Lan, khu dân cư Trung Sơn cho biết. Không ít quảng cáo thể hiện nội dung câu từ giật gân câu khách như “Nơi đoàn tụ nhiều giáo viên kinh nghiệm. Đặc biệt luyện thi ĐH khối A, B, C, D và đặc biệt học sinh được học thử miễn phí một tuần…”. Nội dung là vậy, nhưng có đúng như quảng cáo hay không thì có người theo học mới biết!? Điều đáng nói là không ít trung tâm luyện thi nhiều năm kinh nghiệm theo như quảng cáo đã đóng cửa từ rất lâu vì… ế.
Quảng cáo bằng tin nhắn
Sau một thời gian dài các phương tiện truyền thông đại chúng lên án tờ rơi xuống đường, “vây” cổng trường thì nay lại xuất hiện hình thức quảng cáo dạy kèm hiện đại hơn bằng con đường tin nhắn. Chị Nguyễn Thị Thu Anh, ngụ P.5, Q.8 cho biết, trong tháng 2-2012, điện thoại của bà đã nhận 3 tin nhắn từ số điện thoại 01682… Tin nhắn gửi đến vào lúc nghỉ trưa, nửa đêm khiến bà không thể không nổi quạu. Để tìm hiểu có thật là địa chỉ dạy kèm hay không, trong vai một phụ huynh cần giáo viên giỏi dạy kèm cho con, bà gọi đến số điện thoại ấy thì không phải nghi ngờ gì nữa. Điều khiến bà ngỡ ngàng khi biết chủ nhân của thuê bao đó là một giáo viên toán ở trường mà con bà đang theo học. Không riêng gì bà Anh, thuê bao này cũng đã gửi không dưới hai tin nhắn đến mỗi phụ huynh kể từ đầu năm học 2011-2012 đến nay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần chủ nhân của những tờ rơi “ăn theo” trụ điện hoặc xuất hiện ở cổng trường sau mỗi buổi học là sinh viên, nhóm sinh viên… Còn những tờ rơi ghi là “Giáo viên giỏi nhiều năm kinh nghiệm hay giáo viên chuyên toán, chuyên lý”… đến “Giáo viên chuyên dạy luyện thi và bồi dưỡng học sinh giỏi nhiều năm liền” thì khá “kín đáo”. Theo đó, hình thức quảng cáo cũng hiện đại hơn nhờ chiếc điện thoại di động. Khi được hỏi làm thế nào các nhóm gia sư, giáo viên ngoài trường có được số điện thoại cầm tay của phụ huynh, hiệu trưởng của một trường THCS ở Q.4 cho biết: “Giáo viên trong trường có số điện thoại của phụ huynh là chuyện bình thường, đặc biệt là GVCN  khi sự phối hợp giáo dục con em giữa nhà trường và phụ huynh ngày càng được gắn kết. Qua mối quan hệ đồng nghiệp, GV bên ngoài muốn có cũng không khó”. Hình ảnh người thầy sẽ thế nào trong mắt học trò khi họ thả “bom rác” dạy kèm vào điện thoại của phụ huynh cũng như “được” quảng cáo bừa bãi ở khắp nơi như thế?
Bài, ảnh: Trần Anh

Bình luận (0)