Theo GĐ Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, bà Đoàn Thị Lam Luyến, Google đồng ý đưa ra thoả thuận là trả tiền số hoá cho các chủ sở hữu (gồm các tác giả và NXB) là 60USD/tác phẩm và 63% doanh thu từ những lần sử dụng sau này.
Dự án Google Books cho phép người dùng Internet tìm và đọc sách một cách thoải mái. Chỉ cần một cú nhấp chuột vào Google Books là có thể tìm thấy hàng ngàn tác phẩm của các nhà văn Việt Nam đã được số hóa. Có điều, việc công bố tác phẩm trên mạng thư viện khổng lồ này lại chưa được sự đồng ý của các tác giả. Thậm chí, hầu hết các nhà văn Việt Nam có tác phẩm trên Google cũng không biết tác phẩm của mình ở đó. Vì thế, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (TTQTGVHVN) đang xúc tiến vụ kiện tập thể để đòi bản quyền cho các nhà văn Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Đoàn Thị Lam Luyến (ảnh bên) xung quanh vấn đề này:
Thưa bà, có bao nhiêu tác phẩm và tác giả Việt Nam đã bị Google vi phạm bản quyền?
Bà Đoàn Thị Lam Luyến: Dựa vào Liên đoàn quốc tế các tổ chức quản lý tập thể về quyền sao chép (IFRRO), chúng tôi đã tiến hành điều tra từ cách đây 3 tháng và phát hiện được danh sách Google số hóa khoảng 4.400 tác phẩm của hơn 400 tác giả Việt Nam mà không xin phép.
Làm thế nào để nhận biết được tác phẩm đã được số hóa trên Google, thưa bà?
Đây là một việc khó. Google có đưa ra bản tiêu chí về tác phẩm được số hóa dài khoảng 50-60 trang, nhưng không dễ hiểu. Chúng tôi cũng phải có một văn phòng đặc biệt với các chuyên gia giỏi về công nghệ tin học để “nhận dạng”. Google chỉ trả tiền tác quyền khi tác phẩm đã được số hóa, nhưng không phải cứ có tác phẩm trên Google là đã được số hóa.
Google vi phạm bản quyền chỉ với các tác giả ở Việt Nam hay cũng có nhiều nước khác bị xâm phạm?
Có khoảng hơn 100 nước có tác giả bị Google xâm phạm bản quyền. Vì thế, từ cách đây vài tháng, nhiều thành viên thuộc Liên đoàn quốc tế các tổ chức quản lý tập thể về quyền sao chép (IFRRO) đã khiếu nại Google vi phạm bản quyền của tác giả, NXB và các chủ sở hữu tác quyền Hoa Kỳ khác đối với sách và bài viết bằng cách số hóa chúng, tạo một cơ sở dữ liệu sách điện tử và hiển thị các đoạn trích ngắn mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền.
TTQTGVHVN thuộc Hội Nhà văn Việt Nam cũng là thành viên của IFRRO, nên đã tham gia vào vụ kiện tập thể này. Chúng tôi có khoảng 1.000 hội viên với hàng ngàn tác phẩm đang trôi nổi trên Google nên phải lên tiếng đòi quyền lợi cho các chủ sở hữu.
Là đại diện cho các chủ sở hữu của Việt Nam kiện Google, bà có thể cho biết công việc này tiến hành đến đâu rồi?
Sau khi có danh sách các tác phẩm Google đã số hóa, chúng tôi đã gửi thư mời ủy thác quyền đến các tác giả để thông báo về vụ kiện và đề nghị họ ủy thác quyền cho TTQTGVHVN – đại diện tham gia vào các hoạt động của nhóm “Thỏa thuận thu xếp”. Toàn bộ chi phí trong quá trình hoạt động với tư cách thành viên nhóm sẽ do chúng tôi chịu trách nhiệm chi trả.
Trong số các tác phẩm đã được TTQTGVHVN phát hiện Google vi phạm, sẽ có tác giả không đồng ý ủy thác, thì Trung tâm giải quyết thế nào?
Chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục các chủ sở hữu, còn nếu họ không đồng ý thì đành chịu và thả nổi. Khi tham gia vụ này, chúng tôi phải nộp cho Google một danh sách và ghi rõ tác phẩm nào do NXB ủy thác và tác phẩm nào do tác giả ủy thác. Không thể xảy ra trường hợp tác giả không ủy thác mà chúng tôi vẫn đòi được quyền tài sản cho họ, vì phía Google rất chặt chẽ về văn bản ủy thác.
Cách thức tiến hành đòi bản quyền của TTQTGVHVN ra sao, thưa bà?
TTQTGVHVN là thành viên của IFRRO nên đã được hướng dẫn từ chiến thuật đến phương pháp ứng phó với Google. Chúng tôi cũng tham khảo ý kiến của các nhà tư vấn quốc tế và sẽ tham gia vào nhóm “thỏa thuận thu xếp” để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu quyền.
Nếu theo phương thức thỏa thuận, Google sẽ trả tiền bản quyền cho các tác phẩm ở Việt Nam như thế nào?
Thông qua Cơ quan đăng ký bản quyền sách mà cuộc thu xếp đã thiết lập, Google đồng ý đưa ra thoả thuận là trả tiền số hoá cho các chủ sở hữu (gồm các tác giả và NXB) là 60 USD/tác phẩm và 63% doanh thu từ những lần sử dụng sau này.
Ý kiến của bà trước vấn đề này?
60USD cũng là một số tiền không nhỏ với người Việt Nam. Nếu thu xếp ổn thỏa, chủ sở hữu của Việt Nam sẽ có khoản tiền về số hoá chừng 4 – 5 tỷ đồng, chưa kể 63% số tiền bản quyền sau này. Ngoài ra, một vấn đề rất quan trọng là thông qua Google, tác phẩm của các tác giả Việt Nam sẽ có cơ hội quảng bá rộng rãi.
Trong trường hợp Google không cho phép các trang web của Việt Nam sử dụng các tác phẩm Google đã trả tiền tác quyền, chúng tôi phải tính toán cụ thể và bàn bạc kỹ với các chủ sở hữu quyền. Dự kiến, kết quả cuộc đàm phán sẽ có vào giữa năm 2010.
Danh sách hơn 4.000 tác phẩm Google vi phạm và sẽ trả tác quyền đang được các tác giả quan tâm. TTQTGVHVN có dự định công bố?
Trong tháng 7 này, TTQTGVHVN sẽ đưa danh sách các phẩm đã được Google số hóa do Trung tâm điều tra và phát hiện lên trang web http://vlcc.org.vn/.
Xin cám ơn bà!
Theo Thanh Hằng CAND
Bình luận (0)