Phụ huynh mua cháo dinh dưỡng tại tiệm cháo Tin Tồ trên đường Huỳnh Tấn Phát, Nhà Bè (ảnh chụp sáng 24-6) |
Trong số 30 mẫu cháo dinh dưỡng (DD) không nhãn mác được xét nghiệm thì có 26 mẫu nhiễm E. Coli, Coliforms, Cl. Perfringens, B. Cereus. Đó là kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, Bộ Y tế. Mặc dù vậy, các tiệm bán cháo DD vẫn nườm nượp “thượng đế”…
Cha mẹ “mê” cháo DD…
Đánh vào nhu cầu và tâm lý của phụ huynh, những năm gần đây các tiệm cháo DD mọc lên như nấm.
Chị Loan (bán cháo DD ở gần cổng Bệnh viện Nhi đồng 1) thừa nhận: “Trước đây, tôi bán đồ ăn sáng cho người lớn, nhưng nhiều người bán quá nên tôi chuyển qua bán cháo DD cho trẻ em. Mỗi ngày nấu một nồi cháo trắng, mua thực phẩm như cá, tôm, thịt, rau củ quả… về xay. Có người mua thì múc cháo vào nồi, tùy theo món mà múc thực phẩm chế vào nấu sôi, thế là được một chén cháo. Với cháo thịt heo, gà thì bán 10 ngàn đồng/chén, cháo cua, bò thì bán 15 ngàn đồng/chén. Bán đồ ăn cho trẻ em lợi nhuận cao hơn nhiều so với người lớn”.
Chị Loan còn cho biết, tất cả rau củ quả, cá, thịt, tôm, cua… đều được mua ngoài chợ, và mua buổi chiều cho rẻ.
Khoảng 6 giờ sáng, tiệm bán cháo DD Tin Tồ trên đường Huỳnh Tấn Phát (H.Nhà Bè) đã bắt đầu lác đác người tới mua. Cao điểm từ 7 đến 8 giờ sáng, cửa tiệm mở bán đến 6-7 giờ tối. Khoảng 8 giờ sáng ngày 23-6, tôi ghé tiệm cháo Tin Tồ, tiệm rất nhỏ nhưng có cả chục người đứng chờ mua cháo. Tôi hỏi một chị đứng gần: “Chủ nhật mà cũng phải đi mua cháo hả chị? Sao không nấu cho bé ăn?”. Chị trả lời: “Quen rồi, thứ bảy, chủ nhật hay thứ hai cũng vậy thôi. Mua ở đây, một ngày con mình có thể ăn được 3 món cháo/ 3 bữa, chứ tự nấu thì chỉ ăn được một món thôi. Trẻ con đứa nào cũng biếng ăn, vậy mà bắt nó cả ngày chỉ ăn một món làm sao nó chịu. Đi mua tiện đủ đường, mẹ không mất thời gian đi chợ, nấu nướng, con thì được đổi món liên tục”. Khi tôi hỏi: “Cho bé ăn cháo DD thường xuyên như vậy, chị không ngại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm sao?”, chị hồn nhiên trả lời: “Con người ta ăn được thì con mình cũng ăn được. Tôi cho bé ăn cháo DD cũng ba bốn tháng nay rồi mà có thấy gì đâu”.
…Con suy DD
Mặc dù đã 16 tháng tuổi nhưng bé Phương Nghi – con gái chị Phương Thu (Q.Phú Nhuận) chỉ nặng 9kg, bằng cân nặng của trẻ 12 tháng tuổi. Bé cũng rất hay bệnh, nhất là các bệnh về đường tiêu hóa. Cứ sau mỗi đợt bệnh là Phương Nghi lại sụt 0,5-1kg.
Mới đây, chị Phương Thu đưa con đi khám bệnh tại Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, các BS cho biết bé Phương Nghi bị suy DD. Nếu tình trạng này không được cải thiện thì khả năng sau này bé bị thấp còi là rất lớn.
Chị Phương Thu tỏ ra ngạc nhiên: “Con tôi ăn cũng được lắm, mỗi ngày bé đều ăn 3 chén cháo đầy”. Khi được hỏi cháo gì, chị trả lời: “Cháo DD. Kế bên nhà có tiệm cháo DD, ngày 3 bận tôi qua đó mua. Ở đó có đủ loại cháo, từ cháo cá, cháo thịt heo, thịt bò, đến cháo gà, cháo tim, cháo ếch, cháo lươn, cháo cua… Ở nhà mình làm gì mà nấu được nhiều loại cháo như vậy. Và điều quan trọng là con tôi rất thích ăn cháo DD, cháo tôi nấu bé ăn ít lắm”.
Không chỉ chị Phương Thu mà nhiều bà mẹ khác cũng có thói quen mua cháo DD cho con ăn thay vì tự nấu. Chị Bảo Vân (Q.Gò Vấp) cho biết: “Khi bé Bảo Giang được 6 tháng, tôi bắt đầu cho ăn bột ăn dặm. Sau đó, tôi nấu cháo rồi xay nhuyễn nhưng lần nào cho bé ăn cũng như cực hình. Tôi thường xuyên đổi món, hôm cho ăn cháo tôm, hôm cháo thịt heo, cháo tim, cháo cua, cháo thịt bò, cháo cá thu, cháo trứng… Lỉnh kỉnh cả 2 tiếng đồng hồ mới nấu xong nồi cháo cho con nhưng nó chẳng chịu ăn, ép mãi cũng chỉ được nửa chén con. Một hôm, kẹt công chuyện không nấu cháo được, tôi ra chợ mua một bịch cháo DD về cho bé ăn. Không biết có phải lạ miệng hay không mà bé ăn rất ngon và ăn hết một chén đầy. Tôi thử vài lần, lần nào bé cũng ăn hết. Từ đó tôi quyết định cho con ăn cháo DD…”.
Sau gần 2 năm “trung thành” với cháo DD, hậu quả là bé Bảo Giang bị suy DD – 3 tuổi mà chỉ nặng hơn 11kg.
BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết: “Rất nhiều bà mẹ đưa con đến khám suy DD tại trung tâm đã thừa nhận thường xuyên cho con ăn cháo DD. Vì lợi nhuận, có thể người bán cháo DD sử dụng lại nguồn tôm, cua, cá, thịt, rau… đã sơ chế còn dư của ngày hôm trước. Mặt khác, bao bì đựng cũng có thể bị thôi nhiễm trong cháo DD. Điều này ảnh hưởng không nhỏ sức khỏe trẻ em…”.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)