Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Căn bệnh không chừa một ai

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

BS đang tư vấn cho một bệnh nhân viêm da dị ứng bị biến chứng. Ảnh: M.N

Mùa hè, thời tiết mưa nắng thất thường làm nảy sinh rất nhiều chứng bệnh, trong đó viêm da dị ứng là căn bệnh phổ biến và hầu như ai cũng có nguy cơ mắc phải.
Theo BS. Nguyễn Thị Diễm Thu (Bệnh viện Da liễu TP.HCM) thì những ngày qua, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện khám do viêm da dị ứng tăng đáng kể. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này như sử dụng mỹ phẩm, chất tẩy rửa, vệ sinh kém, sự thay đổi thời tiết, ăn hải sản, thịt bò…
Khổ sở với bệnh
Có mặt tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM sáng ngày 24-6, chúng tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân ngồi chờ khám và tái khám bệnh viêm da dị ứng. Anh Công Thọ (30 tuổi – quận 8 – TP.HCM) cho hay: “Cứ thời tiết nóng bức là hay bị nổi những nốt sẩn đỏ khắp người. Tôi có đi khám thì được BS chẩn đoán là bị viêm da cơ địa dị ứng. Nhưng điều trị được một thời gian thì nó lại tái phát. Tôi rất khổ sở với căn bệnh này”.
Bạn Hạnh M. – sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng – chia sẻ: “Em bị viêm da dị ứng ở mặt đã gần hai năm nay. Mới đầu là do ăn đồ biển bị dị ứng. Sau đó, em ra tiệm thuốc tây thì được dược sĩ cho thuốc bôi có thành phần Corticoid, em bôi thấy hết. Nhưng gần đây, không hiểu sao em không ăn đồ biển mà cũng bị. Mặt em sần nhiều lắm, lại ngứa nữa nên rất mặc cảm mỗi khi tiếp xúc với mọi người”.
Chị Nguyệt Anh đưa con trai 2 tuổi đi tái khám cũng cho biết: “Con trai tôi thường bị dị ứng da toàn thân, nổi mẩn đỏ từng dề rất ngứa. Đi khám BS nói là cháu bị viêm da dị ứng do thời tiết. Tôi đang cố gắng đưa cháu đi điều trị để dứt hẳn căn bệnh này vì mỗi lần thấy con ngứa, gãi, khóc, tôi rất đau lòng”.
BS. Nguyễn Thị Diễm Thu phân tích, viêm da dị ứng là tình trạng dị ứng biểu hiện trên da, gây viêm da và ngứa, đây là một bệnh mãn tính, kéo dài, hay tái phát trong cuộc sống, bệnh có thể xảy ra ở da bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng phổ biến nhất là ở vùng mặt và tay chân, bệnh có xu hướng bùng phát từng đợt theo chu kỳ, sau đó giảm dần.
Giai đoạn đầu của bệnh thường rất ngứa, nhất là về đêm, làm cho người bệnh bị mất ngủ, gãi nhiều có thể làm cho da bị trầy xước, nhiễm trùng. Giai đoạn mãn tính thường biểu hiện với các đám sẩn đỏ, bong vảy, rối loạn sắc tố da. Tuy nhiên, vấn đề tổn thương da phụ thuộc vào tuổi tác của bệnh nhân và mức độ bệnh.
Cần điều trị đúng quy định
Theo BS. Diễm Thu, viêm da dị ứng sẽ gây khó chịu, nhiều biến chứng nếu điều trị và dùng thuốc không đúng quy định. Việc điều trị viêm da dị ứng còn nhiều khó khăn do người bệnh hay chủ quan, xem thường. Để điều trị bệnh nhanh khỏi, trước hết cần phải xác định và loại bỏ nguyên nhân để tránh tiếp xúc với nó cũng như kiêng các thức ăn làm cho bệnh trầm trọng hơn.
Có thể dùng Glucocorticoid theo chỉ định của BS, cụ thể bôi 2 lần mỗi ngày trong giai đoạn cấp. Sau khi bệnh đã được kiểm soát, có thể bôi cách ngày hoặc hai lần mỗi tuần tại nơi tổn thương để ngăn ngừa bệnh tái phát. Tác dụng phụ của Glucocorticoid tùy thuộc vào cường độ tác dụng và thời gian sử dụng thuốc, thường gặp nhất là rạn da, nổi trứng cá, giãn mạch… Những loại Glucocorticoid có tác dụng mạnh chỉ nên dùng trong thời gian ngắn, không được dùng ở mặt và những vùng da mỏng. Ngoài ra, có thể dùng thuốc Glucocorticoid đường uống hoặc tiêm. Với loại thuốc này, dù cải thiện tốt các triệu chứng lâm sàng nhưng ít khi được sử dụng do bệnh thường tái phát mạnh hơn sau khi ngưng thuốc.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể dùng thuốc uống kháng Histamin với mục đích giảm ngứa. Do ngứa thường tăng lên về đêm nên có thể sử dụng các loại thuốc kháng Histamin này có tác dụng an thần vào tối trước khi đi ngủ.
Thu Hiền

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)