Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cẩn trọng khi chữa nám da

Tạp Chí Giáo Dục

Làn da đẹp của người phụ nữ luôn tạo sự chú ý cho người đối diện (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Duy England

Mặc dù nhiều chuyên gia da liễu trong nước và quốc tế khuyến cáo rằng nám da không thể chữa trị triệt để, nhưng không ít chị em vẫn hao tiền tốn của để mong có được làn da không chút tì vết.

Chưa tìm được căn nguyên
Sau khi sinh con thứ hai, da mặt chị Nguyễn Kim C. (Q.10 – TP.HCM) sạm hẳn đi. Chị dùng nhiều phương pháp trị liệu như lột da mặt, đắp mặt nạ, uống vitamin và thuốc bổ… nhưng tình trạng không cải thiện được là bao. Bỏ ra hơn hai triệu đồng hàng tuần đến thẩm mỹ viện chữa nám bằng ánh sáng, da mặt chị C. cũng có sáng hơn, một số vết nám đã mất đi. Tuy nhiên, một tháng sau khi điều trị, da mặt chị lại nám trở lại như trước. Chị C. rất băn khoăn không biết nơi nào có thể loại trừ hẳn được nám. Giải đáp thắc mắc này, BS Nguyễn Thị Lan (Viện Da liễu Trung ương) cho biết là không thể loại trừ hoàn toàn nám mà chỉ có thể làm mờ bớt đi. Nám da xuất hiện do các tế bào melanin nằm ở lớp màng đáy của biểu bì bị kích thích, sản sinh ra quá nhiều hắc tố. Khi nhiều hắc tố xuất hiện cạnh nhau với tần suất lớn ở lớp biểu bì, chúng gây ra các mảng nám làm sạm da mặt. Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra căn nguyên (cơ chế gốc) gây nám nên việc điều trị chỉ có thể căn cứ vào một số yếu tố tác động gây ra nám để điều chỉnh.
Nám da có thể hình thành do một số tác động của các tia tử ngoại trong ánh nắng, do uống thuốc tránh thai, rối loạn nội tiết hoặc có sự thay đổi về nội tiết (chẳng hạn mang thai và sinh nở); căng thẳng thần kinh hoặc một số bệnh khác trong cơ thể… Tình trạng dị ứng da do mỹ phẩm cũng có thể là yếu tố thuận lợi dẫn đến nám.
Phòng ngừa là tốt nhất
Tại Viện Da liễu Trung ương, nám được điều trị bằng hai phương pháp: đốt laser và dùng thuốc. Các trường hợp nám nhẹ được chỉ định dùng thuốc nhưng phải rất lâu mới có kết quả, và các vết nám cũng không thể mất hẳn, chỉ mờ đi phần nào mà thôi. Phương pháp đốt laser có tác dụng rõ rệt nhưng rất dễ gây tổn thương da. Những người có lớp da mỏng, có tiền sử dị ứng không nên dùng phương pháp này. Theo BS chuyên khoa da liễu Nguyễn Văn Nhàn (Bệnh viện Phương Đông) vì chưa biết rõ nguyên nhân nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Các chuyên khoa da liễu thường điều trị chủ yếu bằng thuốc bôi có chứa chất hydroquinone dưới sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ. Đồng thời có thể tiêm vitamin C (Laroscorbine) liều cao 1g/ngày, tuần 3 lần, mỗi đợt điều trị 2-3 tháng. Tuy thuốc này giảm bớt phần nào sắc độ của vết nám, nhưng phải mất ít nhất một năm mới có kết quả. Không nên tự ý dùng thuốc bôi có chứa corticoid do người khác mách, thuốc này làm da trắng rất nhanh, nhưng sau đó sẽ có những biến chứng như nám nặng hơn, teo da, nhiễm trùng da gây lở loét… mà việc khắc phục hậu quả sẽ rất khó khăn. Nên cẩn thận trong việc ăn uống, có những thức ăn làm sung huyết trên da, do đó sẽ làm các vết nám trở nên trầm trọng hơn. Cần tránh rượu, bia và các gia vị gây nóng. Ăn nhiều rau quả tươi, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, chơi thể thao đều đặn và tránh nắng… Do chưa tìm ra căn nguyên nên cho đến nay, việc điều trị nám chỉ nhằm chữa triệu chứng (nghĩa là loại bỏ, làm mờ các vết sắc tố chứ không tác động được vào cơ chế gây nám). Vì vậy, trước khi tiến hành điều trị, bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ để xác định rõ nguyên nhân gây nám. Chỉ khi biết chính xác yếu tố nào làm da bị nám thì cách điều trị tốt nhất là giảm thiểu tối đa những yếu tố này. Tùy thuộc vào từng loại da, độ nông sâu của vết nám mà có thể giảm thiểu được nhiều hay ít.
Nhật Nam

Bình luận (0)