Làm việc theo dây chuyền, gõ bàn phím máy tính hay điện thoại, lướt smartphone thường xuyên… Những hoạt động này lặp đi lặp lại nhiều lần, kéo dài từ năm này sang năm khác sẽ dẫn đến tình trạng viêm bao gân gập (còn gọi là bệnh “ngón tay cò súng”) khiến bệnh nhân đau đớn ở khớp ngón tay, thậm chí ở thể nặng rất khó co duỗi hoặc bị biến dạng khớp liên đốt gây khó khăn trong sinh hoạt và công việc.
Bệnh “ngón tay cò súng” vừa gây đau đớn, vừa gây khó khăn cho người bệnh trong sinh hoạt và công việc |
Khổ sở vì “ngón tay cò súng”
Làm việc văn phòng gần 30 năm, thì có đến 20 năm gõ bàn phím máy tính, 14 năm sử dụng điện thoại di động và chat facebook mỗi ngày, nên bà Huỳnh Thị Kim Liên (nhân viên kế toán ngân hàng Agribank) bị viêm bao gân gập (còn gọi là bệnh “ngón tay cò súng”). Triệu chứng đau nhức ở ngón tay cái, ngón trỏ và ngón giữa xuất hiện hơn 1 năm nay. Mỗi khi cơn đau đến, các ngón tay của bà Liên có khi cứng đơ rất khó co duỗi, phải dùng tay còn lại để kéo “ngón tay cò súng” ra, những lúc như vậy gây ra âm thanh rộp rộp rất đáng sợ. Những cơn đau ngón tay khiến bà Liên không thể đánh máy, có khi làm rớt muỗng ăn, muốn vặn nắp bình xăng khi đổ xăng cũng không được. Sau hai tháng bị đau, bà Liên có đi chụp X quang ở phòng khám tư nhân và được bác sĩ chẩn đoán bị viêm khớp, uống thuốc theo toa mà vẫn bị tái lại nhiều lần. Sau 8 tháng can thiệp không khả quan, bác sĩ phòng mạch khuyên nên vào bệnh viện phẫu thuật khiến bà rất lo lắng. Theo lời mách nước của người quen, bà đã đến khám ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thành phố và được bác sĩ kết luận là bị bệnh “ngón tay cò súng”.
Bác sĩ Vũ Xuân Thành cho biết, hiện có các liệu pháp điều trị bệnh “ngón tay cò súng” không phẫu thuật. Trong trường hợp các triệu chứng không trở nặng, người bệnh nên để cho tay và các ngón tay nghỉ ngơi giúp chúng phục hồi. Bên cạnh đó có thể dùng thuốc giảm đau không kê toa, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS) hoặc acetaminophen. Nếu các triệu chứng trở nặng, bác sĩ sẽ đề nghị tiêm thuốc corticosteroid (thuốc chống viêm) để giảm sưng. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là tạm thời khi người bệnh đang có các bệnh trạng như tiểu đường và viêm khớp. |
Với đặc thù của việc biên tập và quản trị nội dung website cho một công ty hoa tươi, anh Nguyễn Hoàng (35 tuổi) hàng ngày phải tiếp xúc với máy tính, điện thoại để kịp đăng tải nội dung cho website, viết nội dung mô tả sản phẩm mẫu hoa tươi liên tục, trực tiếp trả lời thắc mắc của khách hàng qua trang thông tin cũng như facebook… Do đó, công việc không chỉ giới hạn trong 8 tiếng làm việc ở công ty, mà kể cả thời gian về nhà vào buổi tối, bất kể lúc nào có khách hỏi là Hoàng cũng phải để ý để đáp ứng kịp thời. Đó là lý do lúc nào người nhân viên này cũng phải khư khư ôm máy tính, smartphone, chỉ trừ lúc đi ngủ. Sau hơn 10 năm làm việc liên tục, gần 6 tháng nay bàn tay Hoàng thỉnh thoảng xuất hiện những cơn đau nhức ở các khớp ngón tay. Mức độ đau cũng tăng dần từ lúc sáng sớm, đến trưa và chiều tối thì càng đau hơn khiến công việc của anh bị gián đoạn. Vì chưa có thời gian đến bệnh viện, nên Hoàng mua thuốc ở tiệm thuốc tây uống tạm, nhưng lúc có thuốc thì thấy đỡ, hết uống thuốc lại thấy đau.
Sau 18 năm làm công nhân cho dây chuyền lắp ráp linh kiện điện tử ở một khu chế xuất tại quận 7, mấy tháng nay hai ngón tay cái và hai ngón trỏ của chị Đinh Thị Kiều (43 tuổi) rất khó co duỗi, trong đó ngón cái của bàn tay phải bị gập, sưng tấy biến dạng gây đau nhức liên miên. Hai ngày nay vì đau quá nên chị Kiều xin nghỉ làm, nhưng chưa biết đi khám ở đâu để được hưởng bảo hiểm khi điều trị. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Hiếu (Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Nhân dân Gia Định), trường hợp ngón tay bị biến dạng gập ở khớp liên đốt có nhiều nguyên nhân gây ra như viêm khớp, đứt gân duỗi vô căn, “ngón tay cò súng”… Nếu trong trường hợp bị “ngón tay cò súng” thì dấu hiệu thường bắt đầu bằng triệu chứng đau trước. Một thời gian sau mới có dấu hiệu cò súng và biến dạng (nắm chặt bàn tay lại rồi mở ra, “ngón tay cò súng” sẽ không mở ra được mà phải dùng tay kia kéo ra). Để có chẩn đoán chính xác, chị Kiều nên đến đăng ký khám tại khoa chấn thương chỉnh hình của các bệnh viện. Trong trường hợp này vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế nếu đi đúng tuyến.
Cách điều trị không cần phẫu thuật
Để giúp cộng đồng hiểu đúng về khái niệm “ngón tay cò súng”, bác sĩ Vũ Xuân Thành (Khoa chi trên – Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM) lưu ý, trong một khớp khỏe mạnh, gân hoạt động như một dải băng gắn liền với xương và cơ ở cả hai bên. Cùng với các cơ, gân hỗ trợ chuyển động của các xương trong bàn tay và cánh tay khi uốn cong và duỗi thẳng. Thông thường, gân có khả năng trượt qua các mô che phủ nhờ màng bôi trơn xung quanh khớp (bao hoạt dịch). Khi dây chằng trong ngón tay hoặc ngón cái bị viêm và sưng, tình trạng “ngón tay cò súng” sẽ xuất hiện. Nếu điều này xảy ra trong một thời gian dài, nó sẽ tạo ra sẹo hoặc vỏ dày, ngăn chặn gân chuyển động dễ dàng và tạo ra âm thanh lạ trong các khớp.
Theo bác sĩ Thành, hiện có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tật “ngón tay cò súng”. Đó là những người ở độ tuổi từ 40 đến 60, thường xuyên thực hiện các hoạt động làm căng bàn tay, chẳng hạn như gõ hoặc sử dụng các dụng cụ có liên quan. Ngoài ra, một số biến chứng do bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, gout cũng là nguyên nhân gây nguy cơ bị “ngón tay cò súng” cao hơn. |
Theo bác sĩ Thành, hiện có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tật “ngón tay cò súng”. Đó là những người ở độ tuổi từ 40 đến 60, thường xuyên thực hiện các hoạt động làm căng bàn tay, chẳng hạn như gõ hoặc sử dụng các dụng cụ có liên quan. Ngoài ra, một số biến chứng do bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, gout cũng là nguyên nhân gây nguy cơ bị “ngón tay cò súng” cao hơn.
Trong nhiều trường hợp, tập thể dục cho bàn tay và ngón tay là cách điều trị tốt nhất và phòng ngừa bệnh “ngón tay cò súng”. Các bài luyện tập sẽ kèm theo liệu pháp nóng và lạnh, đeo nẹp hoặc đơn giản là chỉ cần tập thể dục để tăng cường cho độ dẻo dai của cơ và gân. Ngoài ra, biện pháp nắn chỉnh xương khớp hay vật lý trị liệu cũng được xem là phương pháp thay thế tuyệt vời. Phương pháp nắn chỉnh xương khớp với các cách điều trị có khả năng phục hồi tật “ngón tay cò súng” được gọi là kỹ thuật giải phóng hoạt động (ART) và kỹ thuật Graston. Các nghiên cứu về nắn chỉnh xương khớp cho thấy các phương pháp điều trị này rất hiệu quả cho tật “ngón tay cò súng”. Nắn xương khớp giúp bệnh nhân giảm đau hiệu quả hơn mà không cần sử dụng các thủ thuật xâm lấn. Do đó, bệnh nhân nên đến các phòng khám chuyên khoa vật lý trị liệu để được tư vấn và có biện pháp xử lý tận gốc tật “ngón tay cò súng”.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)