Trong bữa ăn ngày Tết cần tăng cường rau củ quả. Ảnh: I.T |
Tết là dịp để mọi người sum họp, thăm viếng lẫn nhau và đi du lịch. Theo đó việc ăn uống có nhiều sự thay đổi so với ngày thường. Hậu quả là người mập thì càng mập, người ốm lại càng ốm…
Những thói quen “chết người”
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu – Trưởng khoa Dinh dưỡng bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Trước đây do điều kiện kinh tế còn khó khăn, chỉ những ngày Tết người dân mới được ăn ngon. Nhưng nay kinh tế đã khá hơn nên với nhiều gia đình bữa ăn ngày nào cũng thịnh soạn như ngày Tết. Tuy vậy, thói quen tích trữ thực phẩm trong ngày Tết vẫn không thay đổi. Có không ít gia đình, mua thực phẩm thật nhiều, ăn đến rằm mà vẫn chưa hết. Thực phẩm để càng lâu (dù là trong tủ lạnh) càng mất chất, thậm chí còn có nguy cơ bị nhiễm khuẩn gây ra các bệnh về đường tiêu hóa…”.
Ngoài thói quen trữ nhiều thực phẩm, phần lớn các gia đình còn có thói quen ăn nhiều món ăn trong một bữa. Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi bữa ăn nên có 4 nhóm thực phẩm là bột đường (cơm, bánh mì, phở, bún…), đạm (thịt, cá, trứng…), chất béo (dầu, mỡ, bơ…) và vitamin (rau -củ – quả). Và phải cân bằng giữa các nhóm thực phẩm. Tuy nhiên, trong ngày Tết, các bữa ăn lại thiên về nhóm bột đường, nhóm đạm và chất béo mà thiếu đi nhóm vitamin. Nhìn vào bữa ăn ngày Tết, chúng ta dễ dàng bắt gặp nào là bánh chưng, nào là cơm, nào là xôi, thậm chí có cả bún, miến, bánh mì. Bên cạnh đó là thịt bò xào, thịt heo nấu đông hay kho tàu, thịt gà, tôm, cua, mực, cá… Còn món rau – củ – quả thì rất ít.
“Cơ thể chỉ cần một tỷ lệ chất bột đường, chất đạm và chất béo nhất định, nếu ăn quá nhiều sẽ dẫn đến béo phì”, bác sĩ Thu Hậu nhấn mạnh.
Ngày Tết, người dân cũng đi chơi nhiều hơn. Vì vậy mà các bữa ăn thường không đúng giờ giấc. Việc ăn uống không đúng giờ giấc cũng gây nhiều bất lợi cho sức khỏe.
“Ăn nhiều đồ ngọt, ăn vặt sẽ khiến cho những người kén ăn càng chán ăn cơm hơn. Hậu quả là đã ốm lại càng ốm”, bác sĩ Thu Hậu cho biết.
Tăng cường ăn rau – củ – quả
Để không tăng hay sụt cân, để tránh bị mệt mỏi, trong những ngày Tết người dân nên chọn các món ăn vừa phải, không quá nhiều. Phải xoay vòng để thưởng thức nhiều món. Nên hạn chế chiên xào và các loại thực phẩm chế biến sẵn. Nên tăng phần thủy hải sản thay vì thịt… Đặc biệt cần tăng cường ăn rau – củ – quả bằng cách chọn những món ăn có nhiều rau. Ví dụ cá hấp cuốn rau, salad, lẩu mắm, lẩu hải sản, gỏi… Trước và sau bữa ăn, thay vì ăn bánh mứt nhiều thì nên ăn trái cây. Cần hạn chế rượu bia, nước ngọt, nên chọn nước trái cây không đường hay nước lọc.
“Tuyệt đối không bỏ bữa. Với người già và trẻ em nếu bất đắc dĩ không thể ăn đúng bữa thì có thể uống sữa thay thế. Ăn đủ no, không ăn cố”, bác sĩ Thu Hậu khuyến cáo.
Nhằm khắc phục những sai lầm “chết người”, chúng ta không nên trữ quá nhiều thực phẩm. Chỉ nên trữ thực phẩm vừa đủ dùng trong 3 – 4 ngày thay vì là 10 – 15 ngày. Khi mua thực phẩm nên chọn loại có nguồn gốc rõ ràng, có tem đảm bảo chất lượng, tận dụng nguồn thực phẩm tươi sống – nhất là cho trẻ em. Bảo quản thực phẩm bằng cách trữ lạnh, thực phẩm được bảo quản ở nhiệt độ càng lạnh thì càng ngăn được hoạt động phá hoại của vi khuẩn và làm chậm quá trình thay đổi về mặt hóa học. Vì vậy khi mua thực phẩm về cần làm lạnh nhanh để tránh hư hại.
“Vi khuẩn có thể ồ ạt hoạt động trở lại ngay khi nhiệt độ tăng lên. Vì vậy cần chia thực phẩm thành nhiều gói nhỏ để dùng hết sau khi rã đông. Không tái đông thực phẩm vì tái đông làm cho quá trình hư hại tăng lên gấp nhiều…”, bác sĩ Thu Hậu khẳng định.
Thùy Linh
Bình luận (0)