Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Vô tư rước bệnh từ đồ uống vỉa hè

Tạp Chí Giáo Dục

Thời tiết nắng nóng của mùa hè là điều kiện cho vi khuẩn, các loại dịch bệnh tiêu chảy cấp, dịch tả sinh sôi, phát triển. Trong lúc đó, các quán giải khát vỉa hè vẫn được bày bán nước tràn lan, không có sự quản lý chặt chẽ, trở thành nơi tiềm ẩn các vụ ngộ độc thực phẩm. Nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe từ giải khát vỉa hè là rất lớn. 

“Không đếm hết vi khuẩn gây bệnh”
“Mía đá sạch” là biển quảng cáo được nhiều quán cóc vỉa hè giới thiệu với khách hàng khi mùa hè tới. Nhưng mức độ sạch bẩn của loại nước giải khát này khó lòng mà đo được. Quy trình chế biến rất mất vệ sinh như: máy ép nước không được cọ rửa sau mỗi lần sử dụng, ruồi bâu, cốc chén rửa qua loa và cả đá dùng cho nước mía cũng phần nhiều từ nước bẩn. Thêm vào đó, người bán hàng không rửa tay, vừa cầm tiền, vừa cầm các vật dụng khác và ép nước mía đưa cho khách.
Đã từ lâu, đồ uống tại các quán cóc ven đường đã trở thành một loại “đặc sản” bình dân dành cho giới trẻ do tính đa dạng và tiện dụng của nó. Các quán giải khát vỉa hè luôn nằm sát đường giao thông, nơi có các phương tiện qua lại thường xuyên. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, bụi đường không chỉ gây bệnh hô hấp, mà còn có rất nhiều nha bào vi khuẩn và trứng giun. Nếu bụi bắt nguồn từ cống rãnh khô bốc lên thì trứng giun sẽ càng nhiều. Trong khi đó, hầu hết các loại nguyên liệu để chế biến đồ uống vỉa hè đều không được che đậy. Ví dụ như với mía, sau khi cạo vỏ, mía được xếp vào thùng và để “tơ hơ”. Bụi đường ngấm vào rất mất vệ sinh.
Bên cạnh đó, nước uống vỉa hè cũng thường sử dụng đá cây thay cho đã viên tinh khiết. Quy trình làm đá phần lớn không đảm bảo yêu cầu. Nước (hầu hết là nước giếng khoan) được phun qua giàn mưa trong không trung để khử sắt rồi đi xuống bể (có trường hợp không được xử lý qua bể lọc). Lượng canxi và magie trong nước cao hơn mức cho phép (nước cứng), khi làm đá, các chất hóa học dư thừa này còn nguyên. Uống quá nhiều nước cứng gây ra vấn đề cặn thận, sỏi thận và ảnh hưởng đến sức khỏe. 
Hiểm họa ung thư từ nước uống không an toàn
Nguy cơ nhiễm bệnh từ nước uống vỉa hè là rất lớn. Nhưng vì khả năng tiến triển thành bệnh nhiều khi lại không diễn ra ngay lập tức nên người dân có tâm lý chủ quan. 
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2013, cả nước xảy ra 64 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.485 người ngộ độc, trong đó có 15 người đã tử vong. Riêng trong tháng 6, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 21 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 375 người ngộ độc, trong đó có 329 người phải nhập viện. Cũng theo thống kê của Chương trình phòng chống ung thư quốc gia, 35%- 40% bệnh ung thư có nguyên nhân do dùng thực phẩm hoặc đồ uống không an toàn.
Một khảo sát gần đây nhất của Bộ Y tế cho biết có gần 80% bàn tay người bán hàng trên vỉa hè bị nhiễm khuẩn Ecoli. Thực tế cho thấy, đã có nhiều ca bệnh do ngộ độc từ  thức uống đường phố, không được cấp cứu kịp thời đã dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, các loại nước uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm dụng các loại hóa chất, đường hóa học, phẩm màu độc hại… đang là mối lo ngại lớn của người tiêu dùng. Đây chính là mầm mống của căn bệnh ung thư nếu người dân sử dụng lâu dài. “Tỷ lệ ung thư tiêu hóa tại Việt Nam hiện đang cao nhất khu vực và đang tiếp tục gia tăng ngày một nhiều hơn. Đã đến lúc người tiêu dùng cần “ăn có trách nhiệm, uống có ý thức để đảm bảo sức khỏe không chỉ của bản thân mà còn giúp nâng cao chất lượng giống nòi”- một chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo.
Theo TNO

 

Bình luận (0)