Anh công nhân leo cột điện chẳng may trượt chân, bên dưới là một cây xà beng cắm thẳng đứng.
Theo thống kê từ khoa Khám bệnh (Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) cho hay, tai nạn lao động (TNLĐ) chiếm khoảng 7% tổng số trường hợp tai nạn vào bệnh viện Việt Đức. Vì là tai nạn xảy ra trong khi lao động nên 35% số này rơi vào độ tuổi từ 20 đến 29 tuổi- độ tuổi có sức cống hiến cao- và 80% trong số đó là thu nhập chính cho gia đình. Như vậy không những TNLĐ cướp đi sinh mạng và tiền của một số người, mà còn cướp đi khả năng lao động cống hiến và khả năng nuôi dưỡng gia đình của họ
Anh công nhân leo cột điện này không may rơi trúng thanh xà beng dựng thẳng đứng (Ảnh tư liệu Bệnh viện Việt Đức)
Trong các ngành nghề dễ bị TNLĐ thì công nhân và lao động tự do chiếm đến 58% bởi những đối tượng này phải làm trong môi trường có tiếng ồn lớn, có nhiệt độ cao hoặc làm ở độ cao có nắng và gió những người lao động tự do lại phải làm tạp vụ, những việc nguy hiểm như khai thác đá, chuyển gạch, xi măng lên cao…
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNLĐ được đánh giá đầu bảng là ngã cao gây chấn thương sọ, chấn thương cột sống, gãy xương, vỡ tạng… có thể ngã vào vật nhọn như cọc tre, rào sắt nhọn. Đã có công nhân leo cột điện ngã bị xà beng cắm dưới đống cát đâm xuyên qua ngực.
Đứng sau ngã là nguyên nhân tai nạn do máy móc gây nên, đáng chú ý là máy cưa, máy dập, máy cắt và gần đây nhất là máy nghiền đất. Bệnh viện Việt Đức từng cấp cứu 4 trường hợp bị máy nghiền đất cuốn chân hoặc vào tay vào máy, cả 4 trường hợp này người nhà đều phải chuyển cả người liền với máy đến bệnh viện, sau khi cắt cụt chi ngay tại chỗ các bác sĩ mới có thể lấy được người ra khỏi máy.
Qua thực tế nhiều năm cấp cứu những ca bị TNLĐ, các bác sỹ bệnh viện Việt Đức nhận thấy có quá nửa số nạn nhân phải làm việc ở nơi không có nội quy bảo đảm an toàn lao động. Ngoài ra có tới 85% nạn nhân không hề được tập huấn về an toàn lao động hoặc cách sơ cấp cứu khi xảy ra TNLĐ. Phần lớn những nạn nhân khi được các bác sỹ hỏi, đều trả lời rằng họ không được phát hoặc không sử dụng thiết bị an toàn trong khi làm việc.
1 trường hợp bị máy nghiền đất cuốn chân, người nhà phải chuyển cả người và máy đến bệnh viện. (Ảnh tư liệu Bệnh viện Việt Đức)
Còn theo cục An toàn lao động (Bộ LĐ,TB&XH) thì nguyên nhân gây TNLĐ chủ yếu là do người sử dụng lao động vi phạm các quy định về an toàn lao động: lắp đặt sử dụng máy thiết bị thiếu an toàn; không huấn luyện đầy đủ cho người lao động, không xây dựng và tổ chức thực hiện quy trình vận hành, biện pháp làm việc an toàn (chiếm trên 47% tổng số vụ tai nạn lao động chết người); do người lao động không có ý thức chấp hành đúng các quy định về an toàn lao động (chiếm 35,5% tổng số vụ TNLĐ chết người). Ngoài ra TNLĐ xảy ra còn do tâm lý người lao động, vi khí hậu, thiên tai…
Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động đồng chỉ ra: TNLĐ xảy ra nhiều nhất là ở ngành khai thác đá và khoáng sản, sau đó tới ngành xây dựng, chế biến thực phẩm-nông-lâm sản, ngành cơ khí-luyện kim, thấp nhất là ngành sản xuất dệt-may và hàng tiêu dùng. Tại các ngành khai thác – khoáng sản và xây dựng, TNLĐ chủ yếu là do ngã cao, nổ mìn, vật rơi, điện giật, sập hầm; các ngành còn lại tỷ lệ TNLĐ do điện giật gây ra là cao hơn cả.
Ngoài nguyên nhân chính do sự bất cẩn của người lao động, sự thiếu may mắn; còn phải kể đến chế tài trong việc xử phạt chủ doanh nghiệp, cơ sở khi để xảy ra tai TNLĐ. Được biết mức phạt hành chính hiện nay chỉ dừng ở con số vài chục triệu đồng, không đủ “sức nặng” để răn đe, nên hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vẫn “nhởn nhơ”, không hề để ý đến chuyện tập huấn về an toàn lao động cho người lao động. Trong khi đó lực lượng thanh tra chuyên trách về lĩnh vực này còn rất mỏng, không thể “ôm” hết địa bàn. Nên có lẽ, TNLĐ vẫn sẽ còn là câu chuyện…dài tập.
An Huy (ANTĐ)
Bình luận (0)