Kể từ đầu tháng 7 đến nay, giá nhiều loại thuốc ngoại nhập trên địa bàn TPHCM đã ào ào tăng từ 5-10%. Điều đáng nói, lâu nay việc tăng giá thuốc thường được các hãng dược đổ cho giá ngoại tệ, xăng dầu tăng…; tuy nhiên, lần này không có nguyên nhân kể trên mà giá thuốc vẫn tăng vù vù.
Thuốc đặc trị tăng giá
Tại nhà thuốc LC trên đường Hai Bà Trưng, quận 3, cầm trên tay toa thuốc mà mình vẫn uống thường xuyên nhưng trước đó chỉ phải trả 320.000 đồng thì hôm nay lại có giá 411.000 đồng, bà P.L hỏi người bán có tính lộn không. Nhân viên này giải thích, thuốc tăng giá gần cả tháng rồi. Ngay cả nhân viên của nhà thuốc này cũng sợ khi thấy thuốc tăng giá. “Thông thường, những người bị bệnh do thời tiết thì không ai thắc mắc giá, vì lâu lâu mới mua một lần. Nhưng đối với những người bị bệnh mạn tính, dùng thường xuyên thì thuốc tăng giá là họ biết ngay”.
Thuốc ngoại lại tăng giá, người bệnh lại “oằn vai”. Ảnh: Võ Tuấn
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động tại các điểm phân phối thuốc và kể cả các nhà thuốc bán lẻ, giá thuốc của các Cty đồng loạt tăng từ 5-9%, gồm các loại thuốc như: Concor, Neurobion, Ostram, Glucophage (Cty Merck); Vastarel Mr, Coversyl, Conversyl Plus, Diamicron Mr… (Cty Servier); Efferalgan các loại, Upsa C… (Cty Upsa); Telfast, Calcium Corbiere, Sorbitol… (Cty Sanofi); Pharmaton, Bisolvon, Phosphalugel (Cty Boehringer); Herbesser, Lipanthyl, Duphalac, Serc…
Điển hình thuốc Phosphalugel trị đau dạ dày trước đó có giá 91.500 đồng/hộp, thì nay đã là 99.000 đồng/hộp. Daflon 500mg của Pháp tăng từ 164.000đ lên 180.000đ/hộp… Theo các trình dược viên, sau một tháng giá thuốc được ổn định thì một số hãng dược đã bất ngờ cho tăng giá… một cách âm thầm.
Khó kiểm soát
Về nguyên nhân thuốc nhập ngoại tăng giá, các chuyên gia trong lĩnh vực dược đều cho rằng, thuốc ngoại tăng gồm nhiều yếu tố bên cạnh tỉ giá ngoại tệ, thuốc độc quyền, hoa hồng cho bác sĩ, chi phí quảng cáo. Chính lỗ hổng từ việc BS vừa khám bệnh, vừa kê toa bán thuốc cũng góp phần đẩy giá thuốc ngoại tăng lên. Thậm chí, nhiều loại vitamin ngoại nhập cũng được các BS kê vào toa tràn lan khiến chi phí khám – chữa bệnh của người bệnh đội lên nhiều lần.
Trước đó, tại một cuộc họp với Ủy ban các Vấn đề xã hội Quốc hội tổ chức ở TPHCM, PGS-TS Lê Văn Truyền – chuyên gia cao cấp dược học – cho rằng, việc quản lý giá thuốc là biện pháp cần, nhưng chưa đủ và Nhà nước cũng khó có đủ nguồn lực để kiểm soát gần 20.000 dược phẩm đang lưu hành trên thị trường hiện nay, trong đó 50% là thuốc nước ngoài. Vì thế, cơ quan quản lý giá thuốc tại VN không nhất thiết phải kiểm soát giá tràn lan.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên có một chiến lược truyền thông ưu tiên khuyến khích các BS kê các loại thuốc nội, thuốc phiên bản để giảm chi phí cho người bệnh. Trên thực tế, thuốc phiên bản tiết kiệm cho cộng đồng mỗi năm hàng tỉ USD; nhưng hiện nay, nhiều BS tại các BV vẫn chưa có thói quen kê đơn cho bệnh nhân sử dụng loại thuốc này. Người bệnh có thể tiết kiệm được 40% – 60% chi phí khi sử dụng một loại thuốc generic, thay vì sử dụng biệt dược. Giá thành của thuốc generic thấp hơn nhiều lần so với thuốc phát minh, do thuốc này bỏ qua chi phí và thời gian đòi hỏi để chứng tỏ hiệu quả của thuốc – thông qua các thử nghiệm lâm sàng.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, các DN dược cần phải chứng minh thuốc sản xuất trong nước tương đương về chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là tương đương về tác dụng điều trị so với thuốc ngoại nhập. Có vậy, BS mới tin mà kê đơn! Về quản lý vĩ mô, nếu hoạt chất nào trong nước sản xuất được thuốc, thậm chí sản xuất được nhiều rồi thì nên hạn chế những thuốc ngoại nhập có hoạt chất tương tự.
Theo Võ Tuấn
Lao Động
Bình luận (0)