Từ lâu trong YHCT cũng như trong dân gian đã biết sử dụng một số loại sâu để chữa một số bệnh. Dưới đây là một số loại điển hình:
Tằm chín có tác dụng bồi bổ cơ thể. |
Sâu dâu, là con sâu sống trong thân cây hoặc trong các cành lớn của cây dâu tằm. Sau khi bắt được các con sâu dâu, cho vào các chén nhỏ, trấp lên mặt nồi cơm sôi, vừa cạn. Khi chín, lấy ra cho trẻ nhỏ ăn sẽ trị được nhiều chứng bệnh: ra mồ hôi trộm, ho, viêm mắt, nhiều dử, nhiều nước mắt, viêm mũi, gầy còm… ngày dùng một lần, mỗi lần 1 – 5 con. Dùng nhiều ngày tới khi các triệu chứng thuyên giảm.
Tằm chín
Chọn các con tằm chín, nhúng nhanh vào nước sôi cho chết, gỡ bỏ các tơ vương. Sau đó vớt ra để ráo nước, phơi khô hoặc sấy khô. Trước khi dùng sao vàng cho thơm, tán bột mịn rồi có thể dùng dưới dạng bột, mỗi lần 6 – 10g, ngày 2 lần, uống trước bữa ăn với nước ấm, cũng có thể trộn đều bột tằm chín với mật ong, ăn với lượng như trên.
Trẻ em tùy theo tuổi, bớt liều. Hoặc đem tằm chín tán bột thô, ngâm rượu, 100g bột tằm chín dùng 500ml rượu 30 – 35%. Ngày dùng 1 – 2 lần, mỗi lần 20 – 50ml rượu, trước bữa ăn. Tằm chín chứa nhiều axít amin, có tác dụng bồi bổ. Dùng tốt cho những cơ thể thiếu máu, da xanh gầy, trẻ em chậm lớn, biếng ăn.
Tằm vôi:
Còn gọi là bạch cương tàm, đem rửa qua nước ấm, phơi khô hoặc sấy khô. Trước khi dùng đem sao vàng. Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột. Dùng trị kinh giản, sưng đau cổ họng, trúng phong, mất tiếng, đau đầu, đau răng, trẻ em khóc đêm, xuất huyết não, liệt dương, băng huyết, khí hư bạch đới. Ngày dùng 4 – 8g. Những người huyết hư không phải phong tà thì không dùng.
– Trị viêm amidan cấp: tằm vôi (đã chế) 10g, phèn phi (phèn chua đun cho bay hết nước) 5g, phèn đen (lá cây phèn đen) 5g. tất cả tán bột mịn. Một mặt lấy 5g lá bạc hà, 5g gừng tươi, sắc lấy nước, sau đó lấy 5g bột hỗn hợp tằm vôi nói trên, cho vào nước sắc bạc hà, gừng tươi, trộn đều. Lấy miếng vải mềm, hoặc bông, chấm vào bột này, quệt nhẹ vào họng sẽ nôn ra nhiều đờm, làm cho bệnh thuyên giảm.
Sâu ban miêu:
Còn gọi là manh trùng, ban manh, ban mao (Cantharis vesicatoria). Thực chất là nhiều thứ sâu có cánh cứng, màu xanh lục biếc, dài khoảng 15 – 20mm, ngang 4 – 6mm. Có đầu hình tim, có rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi. Thân có 11 đốt, giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại. Phía trên 2 cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc màu đỏ nhạt; hoặc thân màu vàng với các điểm hay các dải ngang màu đen.
Sâu ban miêu thường sống trên các cây đậu, do đó còn có tên là sâu đậu, hoặc sống trên các cây độc khác như cây cà độc dược. Sau khi bắt được sâu, người ta nhúng vào nước sôi cho sâu chết, sau để ráo nước, phơi khô, ngắt bỏ cánh, bỏ đầu, rút ruột, sao khô, bảo quản trong lọ thủy tinh, đậy kín. Do có độc nên rất ít dùng để uống mà chỉ dùng ngoài với mục đích gây rộp da để gây mụn dẫn độc hay làm thuốc tụ bệnh, trong một số bệnh đặc biệt như phù nặng, không đi tiểu được hoặc viêm thượng bì thận… dùng với liều rất thấp 0,02g/ngày, hoặc dạng cồn ban miêu 10 %, với 6 – 10 giọt/ ngày.
Theo BS.Phạm Xuân Hùng
Sức khỏe & Đời sống
Sức khỏe & Đời sống
Bình luận (0)