Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

So độc, sam chịu tiếng

Tạp Chí Giáo Dục

Sự kiện hai trong ba người ngộ độc trứng sam biển, chết vào cuối tháng 4-2010 vừa qua ở Bến Tre đã làm nhiều người thích món đặc sản này lo lắng.
Trước đó, bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, bệnh viện đa khoa Sài Gòn cũng đã cấp cứu nhiều ca ngộ độc sam biển, chuyển đến từ Cần Giờ, Long An, Vũng Tàu, Đồng Nai,… Nhiều trường hợp do ngộ độc quá nặng, không được sơ cứu kịp thời đã phải bỏ mạng.
So làm, sam chịu
Theo PGS.TS Trần Văn Thế, nguyên cán bộ viện nghiên cứu hải sản, đến nay thế giới đã ghi nhận được có bốn loài sinh vật biển thuộc họ sam. Trong đó xuất hiện phổ biến tại các vùng biển Việt Nam là loài tachypleus tridentatus (còn gọi con sam hay sam đuôi tam giác…) và carcinoscopius rotundicauda (còn gọi con so hay sam lông…).
Sam là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, một số nghiên cứu còn cho thấy trong máu sam có chứa hoạt chất sinh học như: limulus amoebocyte lysate, lectin, tachyplesin I… có tính ứng dụng cao trong bào chế dược và kỹ thuật y khoa.
Trái lại, so là loài cực độc. Trong so có chất tetrodotoxins, là độc tố thần kinh rất mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, làm ngưng thở, dẫn đến tử vong, ngay cả với liều độc thấp (giống như độc tố cá nóc, mực, bạch tuộc, cá bống vân mây…).

Nếu không rành về sam biển, tốt nhất không ăn để tránh ngộ độc, nhất là trẻ em. Ảnh: Phú Trần 
“Các tài liệu của Việt Nam cũng như thế giới chưa từng ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc do ăn sam, trong khi đó đã có nhiều vụ chết người do ăn con so, xảy ra ở một số nước như Campuchia, Malaysia, Thái Lan…”, ông Thế nói.
Cũng theo ông Thế, sam là loài sinh vật cổ đại duy nhất từ 400 triệu năm trước còn tồn tại, có giá trị quan trọng trong nghiên cứu quá trình tiến hoá của sự sống trên trái đất.
“Chúng ta có nhiều sơn hào hải vị để ăn nên nếu có thể thì hãy tránh ăn sam. Vừa bảo đảm an toàn cho chính mình, vừa giúp loài này tránh nguy cơ tận diệt”, ông Thế chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết hầu hết các ca cấp cứu do ăn sam biển khi làm xét nghiệm đều cho kết luận bị ngộ độc tetrodotoxins.
“Điều đó chứng tỏ nhiều bệnh nhi đã ăn nhầm con so, chứ không phải con sam như họ nghĩ”, bác sĩ Tiến cảnh báo.
Giải độc kịp thời có thể cứu sống
Theo TS.BS Nguyễn Kim Sơn, phó giám đốc trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nếu ngộ độc tetrodotoxins, chỉ sau từ 30 phút đến hai giờ sẽ có cảm giác tê môi, đầu lưỡi, đau bụng, vã mồ hôi, giãn đồng tử, tăng tiết đàm nhớt, nôn ói, tụt huyết áp, co giật, liệt hô hấp, hôn mê và có thể tử vong nếu bệnh nhân không được đưa đến bệnh viện kịp thời.
Hiện thế giới chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho ngộ độc tetrodotoxins. “Khi xảy ra ngộ độc nói chung và ngộ độc tetrodotoxins nói riêng, việc xử trí ban đầu ảnh hưởng rất nhiều tới những biến chứng sau này, thậm chí còn cứu được nạn nhân trước lưỡi hái tử thần”, ông Sơn lưu ý.
Theo đó, nếu có dấu hiệu bị ngộ độc, phải ngừng ngay không ăn món đó nữa. Khẩn trương gây nôn cho bệnh nhân để tống hết thức ăn ra ngoài. Có thể gây nôn bằng cách uống đầy nước rồi móc họng, ngoáy vào họng. Lưu ý, chỉ gây nôn khi bệnh nhân tỉnh và không gây nôn nếu là trẻ em, vì dễ bị sặc.
Sau khi gây nôn nên uống một tuýp than hoạt, uống oresol bù điện giải. Nếu bị co giật và ngừng thở, ngừng tim phải cấp cứu khẩn bằng cách hà hơi thổi ngạt và ép tim.
Nếu hôn mê, để bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên phòng chất nôn sặc vào phổi. Sau khi sơ cứu, khẩn trương đưa người bị ngộ độc đến bệnh viện để xử lý tiếp.
Cần mang theo thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc, chất nôn hoặc phân để giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị nhanh hơn, “Tốt hơn cả, nếu không rành về họ nhà sam thì mọi người không nên ăn, đặc biệt là trẻ nhỏ”, ông Sơn khuyến cáo.
Phân biệt con so và con sam
Con so: có chiều dài thân thường không quá 20 – 25 cm (không kể đuôi). Đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn. So thường có kích cỡ và trọng lượng nhỏ hơn sam.
Tuy nhiên cần lưu ý, để trưởng thành, sam cần thời gian khoảng mười năm, do đó rất có thể con so sẽ bị nhầm với con sam còn non. 
Con sam: tiết diện cắt ngang của đuôi sam có hình tam giác, dọc chiều dài đuôi sam thường có các gai đuôi, giống như lưỡi cưa. Sam thường đi theo cặp, con đực hay bám trên lưng con cái.
Tuy nhiên cần lưu ý nếu vào mùa sinh sản (tháng 4 đến tháng 7), không phải chỉ có sam đi theo cặp mà so cũng rất có thể đi cặp với nhau.
Sài Gòn Tiếp Thị

Bình luận (0)