Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh nhân tiêu chảy cấp tăng đột biến

Tạp Chí Giáo Dục

Trong vòng 20 ngày qua, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả đã xuất hiện trở lại tại 5 tỉnh, thành phía Bắc

Theo TS Nguyễn Hồng Hà, Viện phó Viện Các bệnh nhiệt đới và Truyền nhiễm quốc gia, trong hai ngày qua, bệnh nhân nhập viện do tiêu chảy cấp đột nhiên tăng vọt, từ 5- 6 bệnh nhân/ngày lên 20- 30 bệnh nhân/ngày. Hiện viện đang điều trị trên 80 bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó có 33 ca qua soi và cấy phân phát hiện dương tính với phẩy khuẩn tả. Đáng lưu ý là có 2 bệnh nhân đang mang thai. Trong sáng 13-5, thêm hàng chục bệnh nhân được đưa vào cấp cứu và điều trị cách ly.
Bệnh nhân phải nằm chung giường điều trị tại Viện Các bệnh nhiệt đới và Truyền nhiễm quốc gia (Hà Nội)
Tương đương đỉnh dịch năm 2008
Mặc dù Viện Các bệnh nhiệt đới và Truyền nhiễm quốc gia đã dành thêm giường bệnh ở các khoa khác cho bệnh nhân tiêu chảy cấp nhưng theo TS Hà, do lượng bệnh nhân tăng quá nhanh nên nhiều trường hợp phải nằm tràn ra hành lang. Các khoa điều trị liên tục tiếp nhận các ca cấp cứu tiêu chảy cấp nguy hiểm, mọi giường bệnh đều phải nằm ghép bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Phúc, Trưởng Khoa Viêm gan, cho biết hiện khoa đã dành 1/4 diện tích cho điều trị bệnh nhân tiêu chảy. Trước tình hình bệnh nhân nhập viện ngày một đông, có lẽ khoa phải dành nốt dãy hành lang còn lại, tức chiếm đến một nửa diện tích. Bác sĩ Phúc nhận định mới đầu vụ dịch mà số lượng người bệnh đã quá lớn, tương đương với đỉnh của dịch năm 2008.

Nguy cơ lan nhanh
TS Hà cho biết bệnh nhân nhập viện nằm rải rác ở hầu hết các quận, huyện của TP Hà Nội, nhưng tập trung nhất là khu vực quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông. Đáng nói là nhiều người chủ quan, bị đi ngoài liên tục vẫn không tới viện, chỉ tới lúc quá nặng, mất nước trầm trọng, chân tay co quắp mới đưa đi cấp cứu nên tình trạng bệnh rất nặng. Hiện có 8 bệnh nhân bị trụy mạch, nhờ được cấp cứu kịp thời mới qua khỏi nguy hiểm nhưng hiện vẫn đang phải nằm ở khoa điều trị tích cực.

Tại Bệnh viện E, bác sĩ Phạm Văn Tùng, Phó Giám đốc bệnh viện, cho biết hiện có 40 bệnh nhân tiêu chảy cấp đang được điều trị, trong đó có 23 bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả.

Qua điều tra dịch tễ, các bệnh nhân có sử dụng một số thực phẩm như: thịt chó, mắm tôm sống, rau sống hoặc sử dụng thức ăn đường phố. Theo TS Hà, trong thời gian dịch bệnh, tốt nhất người dân không nên ăn thức ăn đường phố; cũng không chỉ có thịt chó, rau sống, mắm tôm… mới gây bệnh mà có những người uống trà sữa trân châu, ăn bún cũng bị bệnh. Ông Hà nhận định rất có thể dịch sẽ lan nhanh nếu không cải thiện do thói quen ăn uống mất vệ sinh vẫn phổ biến.

5/6 mẫu thịt chó nhiễm phẩy khuẩn tả
Ngày 13-5, ông Đỗ Lê Huấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết qua điều tra dịch tễ, 50%-70% bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp ở Hà Nội có liên quan tới thịt chó. Trung tâm đã phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương kiểm tra và lấy mẫu thịt chó tại 4 cơ sở giết mổ ở thôn Ỷ La và La Dương, xã Dương Nội, quận Hà Đông. Theo đó, có 5/6 mẫu thịt và phân chó được xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả. Đặc biệt, có 2 mẫu xét nghiệm phát hiện có phẩy khuẩn tả trong hậu môn chó, gây lo ngại về việc phát tán rộng mầm bệnh trong môi trường. Các cơ sở giết mổ tại xã Dương Nội cho biết, nguồn chó này được nhập từ Thanh Hóa, sau đó bán cho các điểm kinh doanh tại Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, Nhật Tân, Mai Động, Hàng Than (Hà Nội). Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã về Thanh Hóa điều tra nguồn gốc phát tán phẩy khuẩn tả.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết 4 cơ sở giết mổ chó nói trên sẽ bị đình chỉ hoạt động đến khi chấn chỉnh và bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Hà Nội hiện đã có 19/29 quận, huyện có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm.
TPHCM khẩn cấp phòng chống dịch bệnh tiêu chảy cấp
Ngày 13-5, ngành y tế TPHCM đã khẩn trương triển khai tăng cường phòng chống, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh tiêu chảy cấp. TS-BS Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết ngoài việc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các đoàn liên ngành chức năng địa phương phối hợp kiểm tra về nguồn nước uống, nước sinh hoạt, bảo đảm việc an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn TP, sở đã yêu cầu khẩn các đơn vị, quận, huyện tập trung hơn nữa trong việc giám sát, phòng chống dịch bệnh tiêu chảy cấp, đưa ra các giải pháp y tế cần thiết hiệu quả nhất.

TP chưa ghi nhận được trường hợp tiêu chảy cấp nào, tuy nhiên, không vì thế mà lơ là công tác phòng chống. Mỗi ngày có khoảng 300.000-500.000 lượt khách vãng lai ra vào TPHCM, trong đó có không ít người đến từ vùng dịch bệnh nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Vì vậy, Sở Y tế đề nghị các cơ sở y tế quận – huyện, lãnh đạo địa phương tập trung tăng cường công tác giám sát và truyền thông-giáo dục sức khỏe cho người dân. Cụ thể, đối với người dân cần phải tự bảo vệ sức khỏe mình và thực hiện khẩu hiệu “Ăn chín-uống sôi-rửa tay sạch-sử dụng nguồn nước đã được khử khuẩn và diệt ruồi (nếu có)”. Khi có biểu hiện bị tiêu chảy liên tục thì tốt nhất đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Riêng các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở điều trị, sở yêu cầu phải thực hiện giám sát phát hiện tốt nhất, cách ly điều trị, điều tra dịch tễ nếu phát hiện ca tiêu chảy cấp đầu tiên. Nguồn thuốc điều trị dịch tả Rolamin B tại các quận – huyện đã có sẵn và sẽ được cấp miễn phí cho người dân.

Về trường hợp hàng trăm học viên, người dân tại quận 2, quận 9 bị tiêu chảy liên tục nhiều ngày chưa rõ nguyên nhân vào cuối tháng 4 vừa qua (Báo NLĐ đã thông tin), đến nay đã biết nguyên nhân là họ bị mắc bệnh tiêu chảy thông thường do một loại thức ăn bị nhiễm khuẩn chứ không phải bị dịch tả.
N. Thnh
Bài và ảnh: Ngọc Dung (NLĐ)

Bình luận (0)