Không chỉ có nấm mốc mà nhiều loại vi nấm khác cũng có thể hại người.
Ảnh minh họa.
|
Dựa vào bệnh học, có thể chia bệnh do vi nấm gây ra thành nhiều nhóm, trong đó có hai nhóm được lưu ý nhiều nhất là bệnh nhiễm nấm ngoại biên (đặc biệt là bệnh nấm da) và bệnh nhiễm nấm nội tạng (tức bệnh toàn thân).
Bệnh nấm da: rất phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới ẩm như nước ta. Đây là bệnh nhiễm chủ yếu giữa người và người, người và vật, có thể kể: lang ben, nấm tóc, nấm da, nấm móng…
Có khoảng 40 loại nấm da đã biết gây ra bởi vi nấm Trichophyton, Microsporum, Epidermophyton. Thông thường bệnh nấm da không gây hậu quả quá nghiêm trọng.
Bệnh nấm nội tạng: hay bệnh nấm toàn thân, đang là vấn đề quan trọng với sức khoẻ con người. Trong 30 năm gần đây, bệnh nấm toàn thân tăng cao đột ngột không chỉ ở cộng đồng mà còn ở môi trường bệnh viện, lý do có sự suy giảm miễn dịch ở cơ thể con người.
Các bệnh nấm toàn thân thường do các vi nấm sau: nấm men Crypococcus neoformans (thường mắc ở bệnh nhân AIDS), Histoplasma capsulatum, Blastomyces dermatitis, Coccidioides immitis, nấm men Candida albicans, nấm mốc Aspergillus spp.,…
Bệnh nấm toàn thân có thể do lây vi nấm từ ngoài vào, như người bệnh bị lây nhiễm Cryptococcus neoformans qua đường hô hấp khi hít phải tế bào nấm men này từ chim bồ câu; và cũng có thể xảy ra do chính vi nấm sống ký sinh trong cơ thể người tăng sinh, gây bộc phát bệnh khi sức đề kháng yếu.
Điển hình là nấm men Candida albicans hiện diện thường trực ở cơ quan tiêu hoá, nếu bộc phát sẽ gây bệnh ở miệng (đẹn ở trẻ con), ở đường tiêu hoá (gây viêm thực quản, viêm ruột), ở đường sinh dục (gây viêm âm hộ – âm đạo phụ nữ)…
Bệnh vi nấm không chỉ gây hại cho người do xâm nhập, ký sinh ở cơ quan nào đó gây tổn thương như nấm mốc Aspergillus spp. gây khối u ở phổi (tháng 7.2010, bệnh viện bệnh nhiệt đới TP.HCM đã có báo cáo phát hiện ca bệnh nhiễm vi nấm Aspergillus spp.), mà chúng còn có thể gây hại bằng cách tiết ra các độc tố và khi con người bị nhiễm độc tố gọi là bị bệnh độc tố nấm. Điển hình là nấm mốc Aspergillus flavus khi nhiễm ở đậu phộng; hay hạt ngũ cốc, như gạo, tiết ra độc tố aflatoxin, con người ăn phải sẽ bị bệnh aflatoxin mạn tính đưa đến ung thư gan.
Cuối năm 2009, giới yêu điện ảnh đau buồn khi hay tin diễn viên Mỹ Brittany Murphy, người nổi tiếng với vai chính trong phim Yêu là cưới, qua đời. Khi ấy, cô mới 32 tuổi và nguyên nhân cái chết được dự đoán liên quan đến sử dụng thuốc gây nghiện kèm chứng rối loạn ăn uống.
Đến tháng 5.2010, chồng của Brittany Murphy, nhà viết kịch Simon Monjack cũng qua đời ở tuổi 40 và được cho là do đau tim. Tuy nhiên mới đây, nguyên nhân cái chết của cặp đôi này được ghi nhận do viêm phổi và thủ phạm đã tấn công vào hệ hô hấp, gây viêm nhiễm phổi chính là nấm mốc.
|
Theo SGTT
Bình luận (0)