Ho là phản xạ bảo vệ cơ thể, xảy ra đột ngột và lặp đi lặp lại nhằm làm sạch đường thở khỏi bị ứ đọng các chất dịch tiết, chất kích thích, vật lạ, vi khuẩn… Triệu chứng này rất hay gặp, lúc đầu thường bị bỏ qua, chỉ khi ho kéo dài gây khó chịu hoặc làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, người bệnh mới chịu đi khám.
Vì sao bị ho?
Nguyên nhân gây ho thường tùy thuộc vào thời gian xuất hiện triệu chứng. Ví dụ ho cấp tính có thể có nguyên nhân hoàn toàn khác với ho mạn tính; và trong ho mạn tính có đến 25% trường hợp có ít nhất 2 bệnh có thể gây ra triệu chứng ho trên cùng một người bệnh.
Đối với ho cấp tính, nguyên nhân hay gặp nhất là: cảm cúm, viêm xoang cấp, ho gà, đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm mũi do dị ứng hay không do dị ứng…
Ho bán cấp, thường là ho sau nhiễm khuẩn, viêm xoang cấp, hen phế quản.
Ho mạn tính có thể do những nguyên nhân như: chảy mũi sau, hen phế quản, trào ngược dạ dày thực quản, viêm phế quản mạn, giãn phế quản, do thuốc như thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp, bệnh phổi mô kẽ, lao phổi, áp-xe phổi, ung thư, hút thuốc lá… Một bệnh nhân ho mạn tính, nếu không hút thuốc, không dùng thuốc ức chế men chuyển và phim Xquang phổi bình thường thì có đến 90% trường hợp là do chảy mũi sau, hen phế quản hoặc trào ngược dạ dày thực quản.
Khi nào chứng ho cần được điều trị?
Ho chỉ là triệu chứng của một bệnh nên điều trị nguyên nhân gây ho thì triệu chứng này sẽ biến mất. Trong trường hợp ho cấp tính do cảm cúm, chỉ cần điều trị triệu chứng bệnh cũng dần dần tự khỏi. Tuy nhiên khi ho nếu thấy có kèm theo bất kỳ một trong những triệu chứng sau, bạn cần phải đi khám bệnh:
Ho có đàm xanh, nâu gỉ, vàng, ho ra máu, ho ra mủ có mùi hôi thối; ho có kèm đau ngực; ho có khó thở hay khò khè; có triệu chứng phù hai chân; ho thường tái đi tái lại vào ban đêm; ho ở người hút thuốc, khi triệu chứng này trở nên nặng hơn; sút cân đột ngột; sốt, vã mồ hôi; khản tiếng ở người ho mạn tính.
Ho và những biến chứng
Như trên đã nói, ho là phản xạ của cơ thể giúp tống các chất tiết, vi khuẩn gây bệnh ra khỏi đường hô hấp. Tỷ lệ điều trị thành công khá cao: trên 85%. Tuy nhiên đôi khi ho có thể gây phiền toái cho người bệnh và người chung quanh, ho thậm chí còn có thể gây biến chứng nghiêm trọng như:
– Toàn thân: mất ngủ, mệt mỏi, biếng ăn, suy sụp tinh thần; tai mũi họng: gây kích thích, tổn thương thanh quản làm đổi giọng, co thắt thanh quản; phổi: vỡ phế nang, tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi…; tim mạch: cơn tăng huyết áp, vỡ mạch máu ở kết mạc mắt, niêm mạc mũi; tiêu hóa: nôn ói; ở người loãng xương có thể bị gãy xương sườn; thoát vị bẹn; sinh non, sa sinh dục; són đái, són phân; ở người đang dùng thuốc chống đông có thể bị tụ máu thành bụng; thần kinh: ngất, chóng mặt.
Một số chú ý khi điều trị chứng ho
Để điều trị chứng ho, bên cạnh việc điều trị nguyên nhân chính gây ho, đôi khi bác sĩ cũng dùng đến thuốc ho hoặc thuốc long đờm.
Thuốc ho có tác dụng làm giảm ho, thường được dùng trong trường hợp ho khan, kích thích gây khó chịu.
– Trong trường hợp ho có đờm, bác sĩ cần dùng các loại thuốc long đờm và tiêu đờm. Tuy thuốc ho là loại dược phẩm được bày bán không cần toa nhưng việc sử dụng cần phải thận trọng và tuân thủ một số nguyên tắc:
– Thuốc ho không thể thay thế thuốc điều trị bệnh chính gây ho, trái lại có thể che mất triệu chứng của bệnh. Vì vậy chỉ dùng khi thật sự cần như ho nhiều làm khó chịu hay có nguy cơ gây biến chứng.
– Hết sức thận trọng khi dùng thuốc ho cho trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, cho con bú, người già, lái xe hay vận hành máy móc.
– Với trẻ nhỏ, nên dùng muỗng lường có kèm theo chai thuốc để tránh việc dùng quá liều. Không nên cho trẻ vừa uống thuốc ho vừa thuốc cảm, vì hai loại thuốc trên có thể chứa cùng hoạt chất giống nhau có thể gây ngộ độc thuốc.
– Thuốc ho chỉ dùng cho trường hợp ho khan, không dùng cho người ho có đàm và có triệu chứng suy hô hấp. Nên dùng liều thấp nhất có tác dụng và trong thời gian càng ngắn càng tốt để hạn chế tác dụng phụ của thuốc. Không dùng cùng lúc 2 loại thuốc ho. Không dùng thuốc ho kết hợp với thuốc long đờm vì đờm sẽ tiết nhiều hơn nhưng không ho khạc ra được.
– Không dùng thuốc ho quá 5 ngày, nếu còn tiếp tục ho đừng nên tự ý tăng liều, dùng thêm một loại thuốc ho khác hoặc đổi thuốc ho mà bạn cần phải đi khám bệnh lại.
– Thuốc long đờm và tiêu đờm không nên dùng vào buổi tối vì khi ngủ, hoạt động của nhung mao ở niêm mạc phế quản sẽ giảm đi dễ gây ứ đọng đờm trong phổi.
Tóm lại, ho là một triệu chứng thường gặp và là một phản xạ bảo vệ cơ thể. Để điều trị ho, trước hết cần điều trị bệnh chính gây ho. Chỉ dùng thuốc ho khi cần thiết và được nhân viên y tế hướng dẫn kỹ càng, nhất là đối với trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, cho con bú, người già và người có nhiều bệnh kết hợp.
BS. Đồng Sĩ Tính (SK&ĐS)
Bình luận (0)