Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Liên kết để nâng chất lượng đào tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn thực hiện tốt mục tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội thì “ba nhà” là Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp… cần ngồi lại với nhau.

Việc cung – cầu lao động vẫn còn khoảng cách đang đặt ra cho các cơ sở đào tạo những vấn đề phải suy nghĩ. Tuy nhiên, trong thực tế, có không ít người giữ trọng trách trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học lại “dị ứng” với những ý kiến trái chiều. Đây là điều không nên có một khi nhà trường xem chất lượng đào tạo sinh viên là sản phẩm của mình. Trước đây, tại Trường Đại học Nông Lâm cũng đã diễn ra hội thảo “Đào tạo theo nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp” và những đại biểu có mặt đã thảo luận rất sôi nổi về vấn đề làm sao để đào tạo nhân lực và nhu cầu xã hội “gặp nhau”?

Doanh nghiệp chuẩn bị gian hàng cho Ngày hội Việc làm của Trường Đại học
Nông Lâm TPHCM diễn ra ngày 16-10 – Ảnh: NLĐ

Đòi hỏi từ thực tế
Trong xu thế hội nhập, cạnh tranh để phát triển, nhà trường và doanh nghiệp phải tạo chỗ đứng riêng cho mình trong việc đào tạo và sở hữu đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Kỹ nghệ Chế biến Gỗ Việt Nam, cho rằng: “Doanh nghiệp cần nhân lực bảo đảm tiêu chuẩn “thể lực, trí lực, tâm lực”. Như vậy, ngoài việc đào tạo kiến thức chuyên môn, nhà trường cần bồi dưỡng thêm cho sinh viên các kỹ năng khác; tích cực mở rộng mối quan hệ giữa nhà trường – doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên cọ xát ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Có như thế, khi ra trường, sinh viên mới không bị ngỡ ngàng và thiếu hụt nhiều thứ như hiện nay”.
Còn theo đại diện của Công ty IBM tại Việt Nam, các trường đại học muốn thực hiện được việc đào tạo theo nhu cầu xã hội thì chính đội ngũ giảng viên phải là người gánh trách nhiệm lớn lao về việc tự cập nhật kiến thức, công nghệ, kỹ thuật mới cho mình, từ đó có cơ sở giảng dạy cho sinh viên. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Điện Bàn, bản thân sinh viên cũng cần phải nỗ lực học tập, tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết. Đã thi vào trường nông nghiệp thì phải tự hào về ngành nghề của mình, loại bỏ sự tự ti – là điều hay thấy ở không ít sinh viên nông nghiệp.
“Ba nhà” ngồi lại
Muốn thực hiện tốt mục tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội,  “ba nhà” là Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp… cần ngồi lại với nhau. Trong đó, sự chủ động từ phía nhà trường vẫn là quan trọng nhất vì muốn sản phẩm “bán” được thì phải bảo đảm chất lượng. Về phía Nhà nước, cần có những chính sách thông thoáng, phù hợp để nhà trường tự chủ trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo của mình. Chẳng hạn, nhà trường được tự chủ trong việc tuyển chọn đầu vào, được xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng đối tượng thụ hưởng sản phẩm của mình; được tìm kiếm nguồn kinh phí từ những chương trình đào tạo chất lượng cao hoặc liên kết với doanh nghiệp…
Nhà doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm chung sức cùng nhà trường trong quá trình đào tạo. Ở nhiều nước trên thế giới, doanh nghiệp phải trả phí đào tạo nếu muốn có được nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu của chính mình. Còn ở nước ta hiện nay, doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc nhận sinh viên thực tập (nhưng rất hạn chế); giao lưu với sinh viên; hỗ trợ một phần trang thiết bị nếu có ký kết đào tạo… Nhìn chung, hiện nay vẫn phổ biến tình trạng doanh nghiệp là người thụ hưởng nhưng lại chẳng mất công sức gì trong suốt quá trình “sản xuất” ra sản phẩm. Đây là những bất hợp lý mà ai cũng nhìn thấy nhưng không thay đổi được.
(Thạc sĩ Trần Đình Lý, NLĐ)
(Trường Đại học Nông Lâm TPHCM)

 

Bình luận (0)