Nhiều DN đang đăng tuyển hàng nghìn lao động, nhưng chưa tìm đủ người. |
Theo thống kê mới nhất của Sở LĐTBXH, có 22,9 nghìn lao động (LĐ) bị mất việc và 17 nghìn người bị thiếu việc làm. Trong khi nhu cầu tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm của 533 doanh nghiệp đã lên đến 61.527 người, gấp hơn 2 lần số lượng mất việc.
Nhìn số liệu trên, có thể thấy thị trường LĐ tại TPHCM đang thiếu LĐ nghiêm trọng nếu không bù đắp bằng LĐ mới đến từ những nơi khác.
Thiếu việc, mất luôn người
Trong giai đoạn mất việc trên diện rộng cuối năm 2008, đầu năm 2009 các doanh nghiệp (DN) thuộc ngành may mặc, da-giày, gỗ, chế biến hải sản, sản xuất linh kiện điện tử… phải bấm bụng cắt giảm hàng chục nghìn LĐ. Riêng dệt may, da giày đã có 94 DN bị ảnh hưởng khiến 13.381 LĐ mất việc, chiếm hơn một nửa số công nhân mất việc của tất cả các ngành.
Hiện nay, tình hình xoay chuyển ngược 180 độ, nhiều DN gia công xuất khẩu hàng may mặc không thể tuyển đủ lao động phục vụ cho nhu cầu sản xuất. Theo Sở LĐTBXH, lực lượng lao động làm trong ngành này có đến 70% đến từ các tỉnh, thành khác.
Đã có 24 DN từng cắt giảm LĐ đang nhận lại LĐ để sản xuất và ưu đãi với những người đã từng làm việc trước đây quay trở lại. Nhưng chuyện không dễ dàng vậy, người LĐ sống cùng trong một khu nhà trọ hay cùng khu lưu trú chưa quên được hình ảnh bạn bè phải thu dọn đồ đạc khỏi nơi ở cũ vì mất việc làm.
Nguyễn Thúy An – quê Quảng Bình, đang ở khu lưu trú công nhân Linh Trung – nhớ lại: "Đầu năm 2009, chúng em rất hoang mang vì bạn bè lần lượt phải dọn đồ khỏi phòng lưu trú vì bị Cty cắt giảm. Đây là phòng Cty thuê cho công nhân, nên khi bị mất việc đồng nghĩa với việc mất luôn chỗ ở".
Chính vì vậy, các DN đã từng không thương tiếc cắt giảm hàng loạt công nhân, giờ không đứng trong thứ tự ưu tiên tìm việc của rất nhiều người LĐ.
Sức hút giảm
Theo bà Đoàn Thị Thu Hà – Trưởng phòng Lao động – Tiền lương thuộc Hepza, sở dĩ nhiều DN tuyển không ra người vì lượng lao động trở về quê khi mất việc, thiếu việc chưa trở lại TP. DN đang ra sức thu hút lao động, nhưng vẫn thiếu trầm trọng mặc dù đã hạ chuẩn đầu vào. Một số Cty gặp khó khăn cả trong việc tuyển dụng LĐ phổ thông như Cty Nissei, Cty Tân Hưng Vương, Cty Nidec Copal, Cty Phúc Yên…
Mức lương khởi điểm dành cho LĐ phổ thông hiện nay tại nhiều KCX-KCN khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng, tính cả phụ cấp, thưởng, tăng ca có thể lên khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập trên so với mức sống tại TP rõ ràng chưa hấp dẫn với nhiều LĐ ngoại tỉnh, khi các chi phí sống ngày càng đắt đỏ.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn khó khăn, một lượng lớn lao động đã chuyển dịch từ những ngành cắt giảm nhiều như may mặc, da-giày, chế biến gỗ sang lĩnh vực khác, chủ yếu là thương mại – dịch vụ.
Không chỉ thiếu LĐ phổ thông, các DN tuyển dụng LĐ kỹ thuật cũng đang đứng ngồi không yên khi bói không ra người. TP đang có xu hướng chuyển dịch cơ cấu LĐ sang phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn, hạn chế những ngành thâm dụng LĐ. Nhưng không thể ngày một ngày hai có thể đào tạo được hàng nghìn công nhân kỹ thuật thuộc nhiều ngành nghề.
Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, nhiều DN vẫn phải bằng lòng khi tuyển dụng LĐ phổ thông rồi tự đào tạo, đồng thời phải giữ được chân họ tránh bị DN khác nẫng tay trên.
Bình luận (0)