Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thu hồi thủy điện, dân mừng!

Tạp Chí Giáo Dục

Công suất chỉ 3 MW nhưng chiếm đến 26,4 ha rừng, lại không chịu thi công nên dự án thủy điện Đăk SePay (tỉnh Gia Lai) của Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện năng Đức Long Gia Lai (Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai) đã bị thu hồi

Ngày 25-7, ông Huỳnh Ngọc Tục, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, cho biết 2 tháng qua, UBND tỉnh này đã ra quyết định thu hồi đến 13 dự án thủy điện vừa và nhỏ do triển khai chậm, ảnh hưởng xấu đến môi trường và môi sinh. Động thái này phù hợp với đề xuất mới đây của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đối với Bộ Công Thương về việc tạm ngưng xây mới thủy điện ở Tây Nguyên.

Phá rừng giàu làm thủy điện

Theo ông Hồ Phước Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Gia Lai, trong 5 dự án mà UBND tỉnh này vừa thu hồi vào giữa tháng 7, dự án thủy điện Đăk SePay có diện tích rừng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Dự án này triển khai tại suối Bài Thơ, xã Sơ Bai, huyện Kbang có công suất chỉ 3 MW nhưng lại chiếm đến 26,4 ha rừng giàu và trung bình. Năm 2010, dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2011 nhưng đến nay, dự án hầu như không triển khai hạng mục nào. “Chậm tiến độ theo cam kết, lại ảnh hưởng quá lớn đến diện tích rừng nên chúng tôi quyết định tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi dự án thủy điện Đăk SePay” – ông Thành cho biết.

Giải thích về việc dự án triển khai trong khu vực rừng giàu của xã Sơ Bai, ông Thành cho rằng lúc đầu, trong hồ sơ, nhà đầu tư không nêu rõ diện tích rừng bị ảnh hưởng nên Sở KH-ĐT mới cấp chứng nhận đầu tư. Sau đó, qua khảo sát chi tiết, Sở Công Thương mới phát hiện một khu rừng giàu rộng lớn sẽ bị thiệt hại nặng nếu dự án này triển khai.

Ông Phạm Văn Xuyến (trái) vui mừng vì dự án thủy điện Đăk SePay bị thu hồi, rẫy cà phê nhà ông không bị san phẳng

Đến suối Bài Thơ, đoạn chảy qua xã Sơ Bai, nơi trước đây dự kiến xây dựng thủy điện mới thấy may mắn cho những cánh rừng già vừa thoát khỏi sự tàn phá của dự án thủy điện. Tại đây còn nhiều cây cổ thụ có đường kính “hơn người ôm” đứng thẳng tắp. Ông Nguyễn Văn Thịnh, một người dân địa phương, vừa đi tìm mật ong từ trong rừng ra, cho biết: “Khu vực này có rất nhiều gỗ quý và thú rừng. Lực lượng kiểm lâm ở đây làm “gắt” lắm mới giữ rừng còn nguyên sơ thế này. Nếu làm thủy điện, mất rừng thì tiếc lắm”.

Theo ông Huỳnh Ngọc Tục, các dự án thủy điện chậm tiến độ, trong đó có thủy điện Đăk SePay, là do nhà đầu tư thiếu vốn. “Ngân hàng thắt chặt, không cho vay, trong khi vốn tự có của các nhà đầu tư lại không quá 30% tổng dự án thì lấy đâu ra tiền xây thủy điện” – ông Tục nhận định. Dự án thủy điện Đăk SePay cũng lâm vào tình cảnh này, mặc dù dự toán cả dự án chỉ 72 tỉ đồng.

Mở tiệc ăn mừng

Lợi dụng trời mưa không phải ra rẫy, trưa 25-7, ông Phạm Văn Xuyến, ngụ xã Sơ Bai, mở tiệc mừng vì hơn 2 ha cà phê nhà ông không bị thu hồi làm thủy điện. Gọi là tiệc nhưng cũng chỉ con gà, vài xị rượu đế với dăm người bạn làm rẫy. “Hai năm qua, bà nhà tôi đứng ngồi không yên. Tài sản chỉ có hơn 2 ha cà phê, nếu bị thu hồi làm thủy điện thì gia đình tôi chả biết lấy gì sống” – ông Xuyến bộc bạch. Ông Xuyến cùng bạn hàng xóm là ông là Trần Ngọc Khiết đưa tôi ra vườn cà phê cạnh con suối Bài Thơ.
Vườn cà phê đang trĩu quả, sắp đến kỳ thu hoạch, xanh mướt trên nền đất đỏ bazan. “Chú xem, vụ này, tôi cầm chắc 100 triệu đồng. Nếu bị thu hồi để làm thủy điện, tiền đền bù có thể hơn nhưng rồi năm sau, năm sau nữa, gia đình tôi biết bám vào đâu” – ông Xuyến nói. Theo ông Xuyến, suối Bài Thơ có nhiều cua đinh, một loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Hiện vẫn có nhiều người kiếm sống bằng câu cua đinh hằng đêm. Nếu làm thủy điện, môi trường sống của cua đinh không còn, những người này sẽ khó có gạo nuôi con.

Không nằm trong lòng hồ làm thủy điện Đăk SePay như quy hoạch trước đây, 4 ha cà phê của ông Khiết nằm trên đồi. “Nếu xây dựng thủy điện, các con đường lên đồi bị ngập, vườn cà phê của tôi chắc cũng tiêu. May quá, thủy điện bị thu hồi” – ông Khiết vui ra mặt. Diện tích cà phê nhà ông Khiết 2 năm qua không làm được sổ đỏ vì nằm trong quy hoạch thủy điện Đăk SePay nên ông hy vọng tới đây, ông sẽ được công nhận là “chủ rẫy”.

Theo ông Nguyễn Minh Tuyển, Chủ tịch UBND xã Sơ Bai, mặc dù diện tích bị ảnh hưởng của dự án thủy điện Đăk SePay chủ yếu là rừng, đất nông nghiệp không lớn nhưng người dân ở đây rất mừng khi nghe tin thủy điện bị thu hồi. “Người dân ở đây hầu hết sống bằng nghề nông nên mất một mét đất là mất đi một bát cơm của họ” – ông Tuyển cho biết.

Trong khi đó, theo ông Hồ Phước Thành, Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện năng Đức Long Gia Lai vẫn cố “níu kéo” dự án thủy điện này. Mặc dù không thi công nhưng nhà đầu tư đã xin gia hạn đến 2 lần. Lần mới đây, doanh nghiệp này xin hứa sẽ bắt tay thi công trong quý I/2014, hoàn thành vào quý IV/2015 nhưng tỉnh không chấp thuận và kiên quyết thu hồi.

Người dân quý đất như vàng

Trong 5 dự án thủy điện vừa và nhỏ bị UBND tỉnh Gia Lai ra quyết định thu hồi trong tháng 7 vừa rồi, riêng huyện Ia Grai có đến 2 thủy điện của Công ty CP Công nghiệp thủy điện Bảo Long – Gia Lai. Đó là thủy điện Ia Grăng 1 và Ia Tchom 1. Theo thiết kế, nếu 2 dự án thủy điện này được xây dựng chỉ có tổng công suất 14,5 MW nhưng sẽ “nuốt” gần 300 ha đất, trong đó chủ yếu là đất sản xuất của người dân. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, ở xã Ia Tchom, cho rằng bà không đồng ý để thủy điện thu hồi một mét đất nào của mình. “Đất ở đây là vàng, không thể bồi thường tương xứng được” – bà Tuyết so sánh. Theo ông Phan Trung Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, địa phương đang phát triển mạnh cây hồ tiêu và cà phê, người dân đầu tư nhiều vào rẫy nên rất khó thu hồi đất của họ để làm thủy điện.

Bài và ảnh: HỒNG ÁNH

(NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)