Lúa gạo Việt Nam phải có thương hiệu để nâng cao giá trị, và cần bắt đầu từ nông dân, là tựu trung ý kiến tại hội thảo mới đây, trong khuôn khổ Festival Lúa gạo Việt Nam lần hai ở Sóc Trăng.
Lao động nông nghiệp thủ công nên nông dân thu nhập còn thấp. |
Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết gạo nước ta xuất khẩu chủ yếu sang các nước châu Á, với 63,6% trong tổng khối lượng hơn 6,3 triệu tấn của 10 tháng đầu năm 2011. Kế tiếp là châu Phi: 24,8%, châu Mỹ: 7,1%. Những tỷ lệ này tương đương năm 2010.
Về chất lượng gạo xuất khẩu có sự thay đổi, so với cùng kỳ năm 2010, gạo trắng chất lượng trung bình tăng 164%; trong lúc gạo trắng chất lượng cao và thấp đều giảm; còn các loại gạo thơm, gạo đồ, nếp, tấm đều tăng.
Nghiên cứu về chuỗi giá trị gạo xuất khẩu, TS Võ Hùng Dũng, GĐ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-Chi nhánh Cần Thơ, cho biết người nông dân hưởng giá trị gia tăng cao nhất trong các khâu. Tuy nhiên, vì diện tích canh tác nhỏ bé nên lợi nhuận các nông hộ thu được rất thấp. Bình quân, mỗi nông hộ ở ĐBSCL chỉ có một héc-ta ruộng.
Theo TS Dũng “điểm yếu nhất trong chuỗi là những người trồng lúa” vì “đó là một tập hợp rời rạc của hàng triệu nông hộ sản xuất trên mảnh ruộng của mình”. Còn mạnh nhất trong chuỗi là các doanh nghiệp xuất khẩu, được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, thêm nhiều ưu đãi của Nhà nước.
Để xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, cần có chiến lược cải thiện chuỗi giá trị. TS Dũng cho rằng, cần tập trung hai điểm chính là tín dụng cho nông dân và dự trữ đảm bảo an ninh lương thực. Chính sách hiện nay đang khuyến khích đầu tư xây dựng kho của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, theo TS Dũng, nếu vượt quá nhu cầu sẽ trở thành gánh nặng chi phí. Vì hàng chục nghìn tỷ đồng xây kho thì cũng phải có tương đương chừng ấy để mua lúa gạo tạm trữ. Vấn đề cần quan tâm hơn là cải thiện năng lực kinh doanh của các nhà xuất khẩu và cả người nông dân.
Quan điểm trên được nhiều nhà khoa học tán đồng. Theo các nhà khoa học, hiện đã có sự khác biệt so với thập niên trước, tín dụng cần được cung cấp cho nông dân để họ không phải bán lúa gấp trả nợ khi thu hoạch. Thay vì tập trung cao độ việc xây kho vào các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nên dành một phần nguồn lực giúp nông dân cải thiện năng lực về tài sản và dự trữ.
Khi người nông dân có điều kiện trữ lúa 2 – 3 tháng sau thu hoạch, sẽ làm lợi cho họ và cho cả xuất khẩu gạo Việt Nam. Các kho của doanh nghiệp dự trữ 6 tháng – 1 năm, còn kho của nhà nước dự trữ 1-3 năm.
Thực tế, đầu tư cho nông dân đã cho hiệu quả rõ rệt và to lớn trong những năm qua. Cũng theo TS Dũng, từ năm 2008 đến nay, bình quân hàng năm sản lượng lúa chỉ tăng 1,5% nhưng lượng gạo xuất khẩu tăng đến 15%. Đó là nhờ đầu tư cho nông dân kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch, như phơi và sấy lúa hè thu đã giảm được lượng lớn lúa hư hỏng trong mùa mưa. Nếu tăng đầu tư huấn luyện nông dân, không chỉ kỹ thuật canh tác mà cả kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp, tiếp cận thông tin sẽ thúc đẩy nâng cao giá trị hạt gạo.
GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, còn đặt vấn đề, chiến lược xuất khẩu gạo hợp lý không phải từ hạt gạo mà từ hạt lúa. Nghĩa là, phải quan tâm việc sản xuất lúa, mà để sản xuất lúa phát triển bền vững thì “thu nhập của người nông dân là động lực”.
Người nông dân sẽ không chấp nhận những giải pháp mà sau đó thu nhập của họ không được nâng lên, và “xuất khẩu chỉ là một trong những phương tiện tạo thuận lợi cho sản xuất phát triển bền vững”.
Một trong những phương tiện ngoài xuất khẩu, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển bền vững, theo TS Bửu là đầu tư cho khoa học nông nghiệp. Hiện đầu tư cho khoa học nông nghiệp còn thấp, trung bình mỗi năm 30 triệu USD. Cho nên, đầu tư khoa học chỉ mới chiếm 28% trong sự phát triển của nông nghiệp, thay vì 40% như các nước.
Đầu tư cho khoa học để thúc đẩy phát triển chính là không ngừng nâng cao yếu tố tri thức trong quản lý và sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng mà không quá nhấn mạnh đến yếu tố tài nguyên, lao động giá rẻ. Chỉ trên cơ sở đó, cuộc sống của người nông dân mới được cải thiện bền vững.
Một số nhà khoa học kiến nghị, cần có chính sách đầu tư cho khoa học nông nghiệp khoảng 1% kim ngạch xuất khẩu nông sản (năm 2011 khoảng 23 tỷ USD), nghĩa là cao gấp 7 lần hiện nay.
Sáu Nghệ
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)