Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tăng giá điện: Chưa khả thi

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù Chính phủ đã có lộ trình tăng giá điện nhưng đề xuất tăng giá mới đây của Hiệp hội Năng lượng vẫn gây sốc đối với dư luận.
 
Sau đợt tăng giá gần đây, nhất là ngày 1-3-2010 với mức tăng 6,8%, giá điện trung bình hiện nay là 5,54 cent/KWh, tương đương 1.000 đồng/KWh. Theo đề nghị của Hiệp hội Năng lượng (VEA), giá điện cho các hộ có mức thu nhập trung bình trở lên tăng lên 7-8 cent/KWh, tương đương 1.300-1.500 đồng/KWh.
Mức tăng quá cao
Nhìn vào thực trạng “đói” vốn đầu tư gây chậm hàng loạt tiến độ dự án nguồn và việc kinh doanh thua lỗ của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) do phải mua điện giá cao, bán giá thấp, có thể thấy yêu cầu tăng giá điện đã đến lúc cấp thiết. Theo lộ trình Chính phủ phê duyệt, từ năm 2010, giá điện sẽ theo cơ chế thị trường nhưng vì nhiều lý do, lộ trình này đã bị chậm. Mức giá 7 cent/KWh đã được các nhà đầu tư đề xuất thực hiện từ những năm 2005-2007.
Tuy nhiên, trong thực tế, so sánh với đợt tăng giá gần đây nhất, EVN đề xuất 4 phương án tăng giá, trong đó mức tăng cao nhất là gần 14%. Sau khi tính toán, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ hai mức 4,9% và 6,8%; Bộ Tài chính cũng đề nghị hai mức tăng 6,8% và 10,7%.
Cuối cùng, mức 6,8% được Chính phủ phê duyệt để bảo đảm cả hai mục tiêu: Tháo gỡ khó khăn về vốn cho ngành điện và kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Nâng cấp lưới điện hạ thế trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh – TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Với mức tăng này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến tăng thêm 0,16%, tốc độ tăng GDP bị giảm 0,34%. Đây mới chỉ là những dự tính ban đầu, chưa lường hết được những biến động bất lợi có thể xảy ra trong thực tế. Với cách đặt vấn đề tăng giá điện giật cục gấp nhiều lần mức tăng của đầu năm nay, nền kinh tế có thể gặp cú sốc.
Giá điện phải qua thẩm định, kiểm toán
VEA cũng đề xuất có loại giá áp dụng riêng cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cán bộ hưu trí, CBCNV hưởng lương không có thu nhập khác và học sinh, sinh viên. Giá bán điện cho các đối tượng này được tính theo 50 KWh đầu tiên, thấp hơn giá thị trường và có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, đề xuất này thiếu tính khả thi bởi căn cứ phân loại hộ nghèo, cận nghèo rất khó, chưa kể đến tiêu chí phân loại có thể thay đổi hằng năm.
Liên bộ chưa có tính toán cụ thể
Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tiến Thỏa, cho biết hết năm 2010 sẽ không tăng giá điện. Đến nay, cả hai cơ quan được giao nhiệm vụ đề xuất phương án tăng giá điện là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính chưa có tính toán cụ thể nào về khả năng tăng giá điện từ đầu năm 2011.

Trong gia đình chỉ có một cán bộ hưu trí thì có được hưởng hay không, làm thế nào để xác định đối tượng là CBCNV hưởng lương không có thu nhập khác?… Đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cũng có điều kiện sống khác nhau giữa các hộ, hộ kinh doanh tiệm vàng có được hưởng giá điện trợ cấp hay không…. Tóm lại, không có kỹ thuật, tiêu chí và chi phí triển khai xác định đối tượng ưu đãi.

Không phản đối tăng giá điện nhưng ông Nguyễn Minh Phong cho rằng tăng vào thời điểm nào, mức độ ra sao là rất quan trọng. Hiện có hai loại đầu tư nhà máy điện, doanh nghiệp Nhà nước vẫn được bao cấp trong quá khứ thì chi phí đầu vào không phải giá thị trường. Do đó, đầu ra của các nhà đầu tư này vẫn phải theo chính sách của Nhà nước, khác với cách đầu tư của tư nhân và nước ngoài. Không thể cứng nhắc có một giá điện thị trường cho tất cả các nhà đầu tư.
Một số chuyên gia cũng cho rằng chính sách giá điện phải bảo đảm bù đắp được chi phí cho nhà sản xuất nhưng giá điện phải có thẩm định, có kiểm toán, không phải căn cứ vào giá do các nhà đầu tư xây dựng lên và cuối cùng một mình người mua là EVN quyết định. VEA đề nghị thành lập một tổng công ty quản lý giá điện cho hộ nghèo và giá điện phục vụ công ích xã hội là không cần thiết; chỉ nên thành lập một hội đồng giá điện quốc gia.
Phương Anh/ NLĐ


Bình luận (0)