Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Gà loại thải, gà giống tiềm ẩn cúm gia cầm độc lực cao

Tạp Chí Giáo Dục

Gà nhập lậu chứa chủng virus với độc lực mạnh hơn, khả năng lây sang người cao hơn và tỉ lệ gây tử vong cao hơn – thông tin này được Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cảnh báo từ đầu năm.

Tuy nhiên, thay vì hạn chế nhập lậu gà thải, tình trạng này thậm chí còn hoành hành hơn khi mà không chỉ gà loại thải, hiện gà giống không xuất xứ vẫn ồ ạt nhập lậu vào VN.

Hết gà loại thải, đến gà giống lậu hoành hành

Cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp với nguy cơ lây nhiễm sang người rất cao, trong khi vaccine lại vô hiệu hóa với chủng virus mới này. Những thông tin “động trời” trên được Cục Thú y phát đi gần đây, khi tình trạng buôn lậu gà thải loại từ Trung Quốc (TQ) vào nước ta những tháng qua ồ ạt hơn bao giờ hết.

Gà loại thải Trung Quốc trà trộn vào gà ta, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm. Ảnh: D.H

Điều đáng nói là hiện không chỉ gà loại thải, đầu nậu TQ đang nhập hàng loạt loại gà giống không rõ nguồn gốc từ biên giới cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Đội Kiểm soát Hải quan số 2 – Cục Hải quan Quảng Ninh cho hay buôn bán gà lậu, trong đó có gà giống đặc biệt hoành hành tuần qua khiến cả đội hầu như trắng đêm suốt tuần.

Mới đây nhất, đội tổ chức mật phục, bắt quả tang 4 vụ chở gà lậu từ biên giới về xuôi. Tổng số gà lậu lên tới hơn 60.000 con gà giống không giấy tờ chứng minh nguồn gốc nhập lậu từ TQ. Do bị kiểm soát chặt từ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) nên mối buôn chuyển địa bàn sang Móng Cái.

Gà TQ đưa vào Móng Cái bán với giá 100.000đ/con tầm 2kg, tỏa về xuôi tiêu thụ đã đội giá lên gấp đôi với “lốt” gà ta. Riêng gà giống giá buôn là 4.000đ/con, bán lẻ nội địa đã đội lên 10.000đ/con. Mức giá hời này càng khiến tình trạng buôn lậu ồ ạt hơn.

Trong khi đó, Cục Thú y nhận định, loại virus H5N1 mới xuất hiện, tuy vẫn thuộc nhánh cũ, nhưng đã có sự khác biệt so với những virus đã gây bệnh ở VN năm 2011. Còn theo PGS-TS Tô Long Thành, GĐ TT Chẩn đoán thú y T.Ư, chủng virus mới tuy xuất hiện từ tháng 7 nhưng đã lây lan với tốc độ chóng mặt từ miền Bắc vào miền Trung.

“Nhóm virus này có khả năng khiến dịch cúm gia cầm tiếp tục lan rộng trong thời gian tới là rất cao và chủng virus này có khả năng gây chết người cao hơn các chủng cũ. Điều đáng lo ngại là chủng virus mới này đã xuất hiện và lan nhanh ở TQ từ đầu năm và vaccine chúng ta đang sử dụng không có tác dụng chống lại chúng” – ông Thành cho biết.

Cúm gia cầm rình rập bùng phát

Hiện cả nước đã có 7 tỉnh có dịch cúm gia cầm với hơn 180.000 con gia cầm chết, bị tiêu hủy. Trong khi đó, Cục Chăn nuôi cảnh báo, nhánh virus mới có thể từ nguồn gà loại thải TQ, nhất là gà giống nhập lậu vào Việt Nam trong thời gian qua. Hiện tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở khu vực miền Bắc trở vào miền Trung.

"Điều đáng lo ngại là chủng virus mới này đã xuất hiện và lan nhanh ở TQ từ đầu năm và vaccine chúng ta đang sử dụng không có tác dụng chống lại chúng", PGS-TS Tô Long Thành cho biết.

Cách đây 2 tháng, có một loại virus mới (nhóm C) đã xuất hiện ở TQ, gây ra dịch cúm gia cầm với khả năng gây chết người rất cao và đang có nguy cơ xâm nhập vào VN thông qua gà loại thải và gà giống nhập lậu từ nước này. Bộ NNPTNT nhận định, nếu tình trạng nhập lậu gà từ TQ vẫn hoành hành và không sớm có biện pháp ngăn chặn.

Để bảo vệ đàn gia cầm hiện nay, trong điều kiện dịch cúm gia cầm đang bùng phát mà vaccine hết, chủng virus mới lại xuất hiện, theo Cục Thú y vẫn là phát hiện, nhanh chóng khoanh vùng dập dịch. Cục này cảnh báo, giai đoạn chuyển mùa rất thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển, vì vậy các địa phương cần theo dõi sát sao để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh.

Trước tình trạng trên, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho biết, trong khi chưa có vaccine phòng ngừa hiệu quả cần ngăn chặn, kiểm soát tình hình nhập lậu gia cầm qua biên giới để hạn chế mầm bệnh phát tán.

Ông Tần chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp cùng các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu gà giống từ TQ do khả năng lây lan dịch của gà giống còn khó lường hơn nhiều so với gà thịt loại thải.

Theo Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)