Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý

Tạp Chí Giáo Dục

Qua kiểm tra giá và thuế (từ ngày 13.4 – 1.5) đối với 7 mặt hàng thiết yếu trong 4 tháng đầu năm 2011 để đánh giá tác động của đợt tăng giá xăng, dầu, điện, tỉ giá ngoại tệ…, Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, có 6/7 mặt hàng điều chỉnh tăng giá.

Trong số 21 DN được thanh tra, có 15 DN điều chỉnh giá bán hợp lý; 4 DN điều chỉnh tăng giá bán cao hơn nhiều so với chi phí đầu vào tương ứng; 2 DN kinh doanh mặt hàng sữa bột trẻ em dưới 6 tuổi nếu thực hiện giảm những khoản chi vượt mức như chi quảng cáo, tiếp thị…, thì giá bán sản phẩm sẽ thấp hơn so với mức hiện nay.

Cty ximăng Hoàng Mai, mức điều chỉnh giá bán bình quân tăng 163.637 đồng/tấn, cao hơn mức biến động tăng của các yếu tố chi phí đầu vào là 22.463 đồng/tấn (khoảng 2,6%).
4 doanh nghiệp bị "thẻ đỏ"
Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, trong số 4 DN điều chỉnh tăng giá bán chưa phù hợp và thậm chí cao hơn nhiều so với mức tăng chi phí đầu vào tương ứng bao gồm: Cty ximăng Hoàng Mai, giá bán ngày 1.1.2011 bình quân là 863.636 đồng/tấn; giá bán ngày 19.4 là 1.027.273 đồng/tấn. Như vậy, mức điều chỉnh giá bán bình quân tăng 163.637 đồng/tấn, cao hơn mức biến động tăng của các yếu tố chi phí đầu vào là 22.463 đồng/tấn (khoảng 2,6%). Cty ximăng Hoàng Thạch cũng đã điều chỉnh tăng cao hơn tác động đầu vào 43.856 đồng/tấn. Cty Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc đã điều chỉnh tăng tăng 8,25% (860.000 đồng/tấn), trong khi đó, chi phí sản xuất bình quân chỉ tăng 6,49% (509.910 đồng/tấn). Một số mặt hàng phân bón urê cũng tăng cao hơn chi phí tương ứng là 15,75%. Trong đó, mặt hàng phân urê Phú Mỹ của TCty Phân bón và Hoá chất dầu khí tăng 1.600.000 đồng/tấn, tương đương 25%, trong khi ảnh hưởng tăng của các yếu tố chi phí đầu vào chỉ tăng 9,25% so với giá thành năm 2010.
Đối với 7 mặt hàng bình ổn được kiểm tra thì có tới 6 mặt hàng tăng giá. Tăng cao nhất là phân bón hoá học với mức tăng 25%; tăng ít nhất là mặt hàng thức ăn chăn nuôi với mức 1,05 – 2,56%. Cụ thể, mặt hàng khí hoá lỏng tăng giá 65 lần với mức tăng từ 4,55 – 11,92% và chỉ giảm giá 1 lần; mặt hàng phân bón hoá học tăng khoảng 25%; mặt hàng thức ăn chăn nuôi tăng từ 1,05 – 2,56%… Riêng mặt hàng đường, dầu ăn giảm nhẹ 1,2 – 5% do hồi tháng 11 và tháng 12.2010 đã tăng giá bán 14-15%.
Doanh nghiệp sữa: Chi phí tài chính tăng trên 850%
Ở trường hợp 2 DN sữa là Cty TNHH Mead Johnson Nutrition VN và Cty TNHH Nestlé VN (mỗi Cty điều chỉnh tăng giá bán 1 lần), Thanh tra Tài chính cho biết, nguyên nhân tăng giá bán chủ yếu do tăng giá ngoại tệ làm ảnh hưởng đến giá nhập khẩu, chi phí tài chính và chi phí kinh doanh: Cty TNHH Mead Johnson Nutrition VN (giá nhập khẩu tăng 10-11%, chi phí tài chính tăng 850-862%) làm tăng chi phí kinh doanh thêm từ 31.800 – 61.130 đồng/lon; Cty TNHH Nestlé VN (giá nhập khẩu tăng 4,3 – 8,6%, chi phí tài chính tăng 6,4 – 8,6%) làm tăng chi phí kinh doanh thêm 40.700 – 100.680 đồng/thùng. Các yếu tố điện, xăng dầu chỉ tác động phần nhỏ.
Ngoài ra, giá bán sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn ở mức cao là do năm 2010, hai Cty này đã hạch toán nhiều khoản vượt chi như chi phí tiền lương, chi phí quảng cáo, tiếp thị… (Cty TNHH Mead Johnson Nutrition VN vượt 114,382 tỉ đồng – chiếm 14,6% trong chi phí kinh doanh; Cty TNHH Nestlé VN vượt 181,430 tỉ đồng, trong đó sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi là 8,59 tỉ đồng – chiếm 3,9% tổng chi phí kinh doanh). Các Cty kinh doanh mặt hàng sữa bột trẻ em dưới 6 tuổi cũng chưa thực hiện kê khai, niêm yết giá.
Chỉ khuyến cáo, nhắc nhở!
Bộ Tài chính cho biết, các mặt hàng trên đều thuộc danh mục Nhà nước thực hiện bình ổn giá, là đầu vào của sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng hoặc có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Kết quả kiểm tra trên đây cũng đã lộ ra rất nhiều vi phạm, ở cả việc thực hiện kê khai, niêm yết giá. Tuy nhiên, vì chưa có chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm nên cơ quan thanh tra cũng chỉ biết khuyến cáo, nhắc nhở các DN. Ngay cả quy định về chi phí quảng cáo chỉ nằm trong khung 10% chi phí kinh doanh, nhưng hiện vẫn chưa có chế tài xử phạt đối với các trường hợp vượt khung như hai DN sữa trên (trong năm 2010 và trước đó, cũng đã có rất nhiều trường hợp vượt mức 10% này khiến giá sữa bị đẩy lên ngất ngưởng).
Đặc biệt, ngay cả việc kiểm duyệt đầu vào của các mặt hàng cũng phải cần có sự phối hợp giữa các bên liên quan để có thông tin chính xác để xử lý việc DN lợi dụng kê khai giá đầu vào ở mức cao để đẩy giá bán ra và trốn thuế. Một lãnh đạo Thanh tra Tài chính cũng thừa nhận là phải có chế tài phạt nặng, vì nếu chỉ dừng ở mức một vài trăm triệu đồng thì “không có nghĩa lý gì”. Hiện nghị định thay thế Nghị định 169/2004/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá đang được hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành.
Thanh tra Tài chính kiến nghị:
1/ Yêu cầu các DN không được tăng giá bán cao bất hợp lý so với mức tăng của các yếu tố chi phí đầu vào, cắt giảm các khoản chi như quảng cáo, tiếp thị để hạ giá bán sản phẩm. 2/ Thực hiện đăng ký giá với Cục Quản lý giá theo đúng thông báo 284a/TB-BTC ngày 30.9.2010 của Bộ Tài chính. 3/ Chỉ đạo rà soát toàn bộ các khâu trong quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm tiết kiệm tối đa chi phí, hạ giá thành và giá bán sản phẩm, góp phần tích cực trong việc bình ổn thị trường. 4/ Các Cty ximăng khẩn trương làm việc với TCty Công nghiệp Ximăng VN để xử lý số tiêu hao vật tư năm 2010 – vượt định mức hội đồng thành viên TCty Công nghiệp Ximăng VN phê duyệt nhưng chưa xử lý với tổng số tiền là 13.169 tỉ đồng (Cty ximăng Hoàng Thạch 11,347 tỉ đồng; Cty ximăng Tam Điệp 1,821 tỉ đồng) và quyết toán thuế theo đúng quy định. 
Theo Lưu Thuỷ
Lao Động

Bình luận (0)