Việt Nam là nước xuất khẩu đồ gỗ nội thất xếp thứ 2 châu Á, chỉ sau Trung Quốc, thị trường chủ yếu là những nước phát triển với yêu cầu cao mọi mặt. Điều đó khẳng định, chất lượng gỗ nội thất Việt Nam ăn đứt sản phẩm các nước đang có mặt trên “sân nhà”. Rất tiếc, không phải người tiêu dùng nào cũng có thể tiếp cận sản phẩm do doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất.
Khách hàng trao đổi sản phẩm gỗ nội thất do DN trong nước sản xuất.
Chưa định hình phong cách
Theo KTS Trần Cao Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần Kiến trúc CA, một ngôi nhà đẹp, thể hiện phong cách người chủ là nhờ phần nội thất. Nhưng hiện nay, yếu tố này bị xem nhẹ. Đa số khách hàng vẫn mơ hồ về phong cách, hay đúng hơn là chưa xác định phong cách cho căn nhà. Khi xây dựng xong ngôi nhà, chủ chỉ việc ra cửa hàng thấy sản phẩm nội thất nào ưng ý và vừa túi tiền là mua. Vì vậy, nhiều khi nội thất không phù hợp với kiểu nhà vừa xây.
Các KTS cho rằng, khi trở lại những ngôi nhà do mình thi công, thỉnh thoảng gặp căn nhà với phần nội thất ấn tượng lại là của người nước ngoài. KTS chỉ là người tạo ra không gian ngôi nhà, chủ nhà mới là người sáng tạo nên phần hồn của căn nhà thông qua các sản phẩm nội thất.
Việc người tiêu dùng phần nhiều còn chưa định hình phong cách nội thất có lý do khách quan, do một thời gian dài người dân chỉ cần căn nhà chắc chắn để ở nên nội thất là điều xa xỉ. Khi đã chuyển từ ăn no sang ăn ngon thì nhu cầu nhà đẹp mới xuất hiện. Và nhu cầu này thật ra cũng chỉ mới xuất hiện thời gian gần đây, trong khi người nước ngoài (những nước phát triển), “gu” thẩm mỹ hình thành từ thế hệ này sang thế hệ khác nên phong cách về ngôi nhà như có sẵn trong mỗi con người.
Lúng túng trong kết nối
KTS Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Mỹ thuật (Lavanto home décor) cho biết, năm 2008, khi những anh em trong Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) quyết định khai phá sân nhà, lúc đó, thị trường gỗ nội thất trong nước hầu hết là từ nước ngoài, nhiều nhất là Trung Quốc, kế đến Malaysia, Thái Lan… nhưng chất lượng kém xa các mặt hàng gỗ nội thất của DN Việt Nam sản xuất để xuất khẩu.
Giờ đây, thị trường sân nhà đã xuất hiện nhiều thương hiệu đồ gỗ do các DN trong nước sản xuất, nhưng nếu nói về lượng và thị phần thì chưa nhiều như mong muốn. Việc trở lại sân nhà chưa như ý có nhiều nguyên nhân như sự “đứt gãy” các khâu, khâu thiết kế và sản xuất, nhưng chủ yếu nhất là khâu phân phối. Do phong cách chưa định hình nên nhà sản xuất hoang mang về xu hướng.
Dù có đủ năng lực sản xuất nhờ đội ngũ lao động tay nghề cao để cung ứng cho nước ngoài, nhưng cái khó của nhà sản xuất là đơn hàng trong nước thường chỉ dừng lại hàng chục (bộ), trong khi đơn hàng nước ngoài tính bằng container. Chính hấp lực đơn hàng nước ngoài quá lớn khi nhu cầu tiêu dùng nước ngoài phục hồi nên có DN bắt đầu “lơ là” thị trường trong nước, không còn nhiều DN chịu gắn bó với nhà phân phối.
Giám đốc Công ty cổ phần Phân phối đồ gỗ D’Furni Vũ Tiến Thập nhận định. D’Furni sẵn sàng đặt đơn hàng với số lượng tối thiểu (vài chục cái, hay bộ) chứa trong kho để phân phối dần giúp DN có thể sản xuất. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng chịu thay đổi một số chi tiết cho phù hợp thị hiếu người Việt. Trong khi một số DN cung ứng và phân phối chủ yếu là những sản phẩm còn lại của đơn hàng xuất khẩu. Có người đặt câu hỏi, phải chăng năm 2008, khi thị trường nước ngoài khó khăn, DN mới nhìn lại sân nhà; còn hiện nay, khi thị trường phục hồi, đơn hàng nước ngoài nhiều trở lại nên sân nhà không còn là ưu tiên cho việc sản xuất?
Với tư cách là người tiêu dùng, KTS Nguyễn Chánh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Danh Mộc, Tổng Thư ký HAWA cho biết, khi tìm hàng nội thất cho ngôi nhà mới, qua 2 lần hội chợ, chỉ tìm được khoảng 70% mặt hàng cần mua. Điều đó nói lên mẫu mã sản phẩm nội thất Việt chưa thật sự phong phú để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Đó còn là sự “đứt gãy” khâu nhân viên bán hàng.
Hiện nay, nhân viên tiếp thị nhà đất có thể nói nắm rõ nhiều kỹ năng và kiến thức về xây dựng nên tiếp thị khách hàng một cách chuyên nghiệp, trong khi với nhân viên bán hàng nội thất, tính chuyên nghiệp chưa nhiều. Vì vậy, khi gặp khách hàng có trình độ, gu thẩm mỹ hay cá tính riêng, nếu tiếp xúc với nhân viên tay ngang bán hàng nội thất sẽ làm cho khách hàng cảm thấy mất niềm tin về sản phẩm muốn mua.
Việc trở lại sân nhà của DN chế biến gỗ nội thất 6-7 năm nhưng nhìn chung vẫn còn lúng túng để đưa hàng đến tay người tiêu dùng. Nói như ông Vũ Tiến Thập, không ít DN hô hào hơn là thật sự bắt tay vào việc cùng kết nối để “giữ sân nhà”. Đó cũng là khoảng “đứt gãy” cần phải được hàn gắn để việc kết nối từ nhà thiết kế, sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng trở nên liền lạc.
CÔNG PHIÊN
(SGGP)
Bình luận (0)