Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nguyên phụ liệu da giày: Nội địa hóa chưa được bao nhiêu!

Tạp Chí Giáo Dục

Theo báo cáo của Hiệp hội Da Giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO), nguyên phụ liệu chiếm tới 68-75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40-45%

Các nguyên liệu quan trọng như da thuộc, da nhân tạo, vải mũ giày hầu hết phải nhập khẩu.

Cụ thể, đối với da thuộc thành phẩm, hiện tỷ lệ nội địa hóa ước tính dưới 30%. Trong đó, doanh nghiệp thuộc da trong nước chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, có các xưởng thuộc da nhỏ và vừa, chỉ sử dụng nguồn da nguyên liệu (raw hides) trong nước. Do chất lượng thấp nên da thuộc thành phẩm của các doanh nghiệp này hầu như chỉ dùng để sản xuất các mặt hàng tiêu dùng nội địa, không đạt tiêu chuẩn làm hàng xuất khẩu.

Hầu hết máy móc thiết bị sản xuất trong ngành da giày đều phải nhập khẩu. Ảnh minh họa: Thu Nguyệt.

Các doanh nghiệp trong nước chiếm gần 70% về số lượng doanh nghiệp, nhưng chỉ chiếm 35% tổng sản lượng da thuộc sản xuất tại Việt Nam. Chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn trong nước có chất lương cao, được cung cấp cho các nhà máy sản xuất giày da, túi xách xuất khẩu.

Doanh nghiệp thuộc da có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (FDI) bao gồm các nhà máy thuộc da quy mô lớn của Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc. Mặc dù chỉ chiếm 31,4% về số doanh nghiệp, nhưng sản xuất 57% sản lượng da thuộc thành phẩm chất lượng cao.

Hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu mũ giày (giả da, da nhân tạo, da tráng PU) từ Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc. Một số doanh nghiệp trong LEFASO đã xúc tiến đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất PU. Hiện tỷ lệ nội địa hoá da tổng hợp, da nhân tạo đạt khoảng 35%.

Đối với vải làm giày dép, Việt Nam mới chỉ cung ứng được vải cho sản xuất loại giày vải cấp thấp. Ngành dệt vải Việt Nam chưa chú trọng sản xuất vải dùng cho ngành giày dép. Do đó, các chủng loại vải cao cấp đều phải nhập khẩu. Tỷ lệ nội địa hoá vải làm mũ giày hiện đạt trên 70%.

Hiện trong nước chỉ sản xuất được đế giày thể thao, và đế ngoài của giày nữ (gót, đế đúc liền gót,…). Nguyên liệu cao su tự nhiên để sản xuất đế trong nước có thể đáp ứng được, còn cao su tổng hợp phải nhập hoàn toàn. Các loại đế gót giày cao cấp, tấm đế cao cấp phải nhập khẩu. Tỷ lệ nội địa hoá của đế và gót giầy đạt trên 60%.

Phom giày các loại hầu hết đã được sản xuất trong nước chủ yếu là phom nhựa, ngoài ra còn có phom nhôm, phom gỗ. Tỷ lệ nội địa hoá phom giầy khá cao, khoảng 70%.

Ngành giày sử dụng khá nhiều keo dán, đặc biệt keo dán có nguồn gốc tự nhiên. Theo báo cáo của LEFASO, hiện các loại keo dán sản xuất trong nước như keo dán VICTOR, NANPAO, NOTAPE không cạnh tranh được với keo dán của Trung Quốc về giá. Tỷ lệ nội địa hoá của keo dán, dung môi, hoá chất trau chuốt của ngành da giày khoảng 50%.

Ngoài ra, hầu hết máy móc thiết bị sản xuất sử dụng trong ngành da giày đều phải nhập khẩu, chủ yếu từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc.

(TBKTSG Online)

Bình luận (0)