Lãi suất, chênh lệch tỉ giá cao, sức tiêu thụ giảm mạnh và lượng hàng tồn kho lớn, khiến nhiều doanh nghiệp thép có nguy cơ ngừng hoạt động.
Các doanh nghiệp ngành thép cho rằng nếu không được tháo gỡ các khó khăn, nhiều đơn vị sẽ phải rời thị trường.
Dự báo nhiều doanh nghiệp thép thua lỗ nặng. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Có doanh nghiệp đã ngừng sản xuất
Tại cuộc họp của Bộ Công Thương với các doanh nghiệp thép ngày 27-10. ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong những tháng đầu năm, ngành thép đã rất cố gắng tăng mạnh lượng xuất khẩu, tăng khoảng 75%, so với 2010. Tính chung 9 tháng, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn thép, trị giá 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, so với năm 2010 thì tổng tiêu thụ dự kiến các mặt hàng của ngành thép giảm gần 10%.
Thị trường tiêu thụ kém do cắt giảm đầu tư công và thị trường bất động sản đóng băng. Với mỗi tấn thép tồn kho trị giá gần 20 triệu đồng/tấn, nếu cộng lãi suất vay lưu động 20%, không doanh nghiệp nào chịu nổi nên buộc phải giảm sản xuất. Cùng với đó, yếu tố đầu vào như giá nguyên liệu tăng, xăng – dầu- điện tăng càng khiến doanh nghiệp phải xoay xở chật vật.
Theo ông Cường, hiện nhiều doanh nghiệp phải giảm giá bán từ 200.000 – 300.000 đồng/tấn để đẩy mạnh lượng tiêu thụ. Nếu tính giá thép bán tại nhà máy khoảng 15 triệu đồng/tấn (chưa tính thuế VAT), giá phôi ở mức trên 14 triệu đồng/tấn, doanh nghiệp muốn hòa vốn phải bán ở mức 15,5 triệu đồng/tấn.
“Các doanh nghiệp đang chịu lỗ. Nếu 3 tháng nữa tình hình không thay đổi, toàn bộ lãi từ đầu năm của doanh nghiệp sẽ trở về không, có doanh nghiệp sẽ bị âm. Đây là hiện tượng lặp lại 2-3 năm nay. Vài tháng đầu năm lãi lớn, cuối năm âm, lỗ tới cả năm sau. Dù chưa có doanh nghiệp nào công bố phá sản, nhưng thực tế doanh nghiệp không bán được hàng, đã dừng sản xuất. Như Cty Thép Vạn Lợi trong cuộc họp Đại hội cổ đông gần đây đã tuyên bố bán cơ sở của mình”- Ông Cường cho biết.
Đã có hiện tượng doanh nghiệp bán phá giá để giảm lỗ. Nhưng nhu cầu chung của nền kinh tế không cao, nên dù có giảm giá bán cũng không thể bán được nhiều hàng. Ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết, công suất của Hòa Phát chiếm thứ 2 Việt Nam nhưng hiện cũng chỉ chạy 80% công suất, để tránh quá thừa khi nhu cầu thấp.
Lãi suất, chênh lệch ngoại tệ đè doanh nghiệp
Ông Nghiêm Xuân Đa, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết, dù là doanh nghiệp lớn nhưng cũng gặp nhiều khó khăn về tín dụng. “Dù ngân hàng có chính sách giảm lãi suất huy động, cho vay nhưng thực tế chúng tôi không thấy giảm, khả năng tiếp cận vốn nói chung rất hạn chế. Ngân hàng không mong muốn tăng trưởng tín dụng nên chọn lọc khách hàng. Vì vậy lãi suất vẫn trên 20%/năm, không có chuyện giảm xuống 17-19%”.
Đại diện Công ty Thép Pomina cho biết, do thị trường giảm tiêu thụ nên một tháng doanh nghiệp chỉ làm 20 ngày, 10 ngày còn lại nghỉ. “Chúng tôi có một dự án một triệu tấn/năm ở Phú Mỹ nhưng đang gặp khó khăn vay vốn ngân hàng. Vì vậy đề nghị được tiếp tục vay vốn”- Ông đề xuất.
Lãnh đạo Cty Cơ khí Vĩnh Phúc cho biết mỗi năm nhập trung bình 300.000 tấn phôi thép. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thép gần đây phải mua USD với giá cao, gây thiệt hại khá lớn.
Ông Vũ Văn Chuyện, Vụ Phó Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho biết Nghị định 108 nêu rõ 3 đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi trong cân đối ngoại tệ là hạ tầng giao thông, môi trường, điện năng. Thép cũng thuộc diện không được ưu đãi ngoại tệ. Bộ đã 3 lần làm việc với Ngân hàng Nhà nước nhưng được trả lời ngay cả các đối tượng được ưu đãi cũng chưa được cân đối đủ.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Nghị quyết 11 quy định ưu tiên vốn cho sản xuất, đặc biệt là các ngành hàng thiết yếu mà thép là ngành hàng thiết yếu nên có thể ưu tiên vốn được.
Cách đây 4-5 tháng họp tổ điều hành thị trường trong nước đã nói chuyện tồn kho thép cao và có kiến nghị hỗ trợ lãi vay để doanh nghiệp giảm tồn kho nhưng không tìm được cách nào, vì nếu đưa ra thì vi phạm quy định WTO về hỗ trợ ngành.
Phạm Tuyên / TPO
Bình luận (0)