Nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) lại le lói hy vọng, khi cơ quan quản lý đang nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp khơi thông dòng vốn. Dự báo, sang năm 2012, thị trường sáng sủa hơn…
Dự báo thị trường bất động sản ấm dần vào năm 2012. |
Doanh nghiệp chết lâm sàng
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm 31- 12 -2010 có mức tăng 23,5% so với một năm trước và đã có sự thay đổi theo chiều hướng giảm trong 5 tháng đầu năm 2011.
Dư nợ tín dụng tại thời điểm 30-5-2011, tổng dư nợ cho vay BĐS là 220,787 tỷ đồng, giảm 6,15% so với 31-12-2010, chiếm khoảng 9,43% tổng dư nợ của toàn hệ thống. Hiện NHNN tiếp tục giảm tổng dư nợ cho vay phi sản xuất đến 31-12-2011 với tỷ trọng tối đa là 16%, càng hạn chế nguồn tiền cho BĐS.
Một số doanh nghiệp cho biết, lãi suất tín dụng BĐS trong năm 2010 dao động 15 – 17%/năm, đến nay đã tăng lên trên 20%/năm nhưng hầu như không ký được hợp đồng tín dụng mới, thậm chí những hợp đồng tín dụng cũ cũng không được giải ngân tiếp, gây nhiều khó khăn cho DN nhất là đối với các dự án dở dang.
Theo khảo sát của PV thì tại Hà Nội, một loạt các dự án đã chậm khởi công và khi khởi công rồi thì vẫn giậm chân tại chỗ vì không thể triển khai tiếp như: dự án tòa nhà SME Hoàng Gia (Hà Đông), CT1, CT2 Vân Canh (Hoài Đức), Discovery complex ( Cầu Giấy)…
Theo một nguồn tin, nhiều DN BĐS, nếu không được bơm vốn, thì đứng bên bờ vực phá sản. Ví dụ, có DN tầm trung hiện vay nợ ngân hàng khoảng 5.000 tỷ đồng, phần lớn đều đang “chôn” tại các dự án, riêng tiền lãi mỗi tháng cũng lên tới hơn 90 tỷ đồng. Còn một đại gia khác trong giới BĐS hiện nợ ngân hàng lên tới 16.000 tỷ đồng.
Chỉ nhẩm tính với lãi suất 20%/ năm thì một tháng DN này phải trả lãi khoảng 300 tỷ đồng. Trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện nay, hàng không bán được thì lấy đâu ra ngần ấy tiền mà trả lãi ngân hàng?
Sự sụt giảm thị trường BĐS đã kéo theo sự tụt dốc của các ngành khác liên quan trực tiếp đến BĐS như: xi măng, sắt, thép… Ông Lê Văn Chung – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xi măng Việt Nam cho biết: “Ngành xi măng dự kiến tiêu thụ 55 triệu tấn, xuất khẩu 2 triệu tấn đã đạt được nhưng lượng tiêu thụ xi măng trong 5 tháng liên tiếp giảm đáng kể. Riêng trong tháng 7, lượng tiêu thụ chỉ còn 60% của tháng 3. Còn lượng tồn kho bê tông tại các nhà máy hiện nay tăng gấp đôi”.
Một DN kinh doanh trong ngành gạch men lớn nhất cả nước với công suất 400 triệu mét vuông/năm, dù có nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài nhưng vẫn than trời: “Hàng loạt dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động, nhiều nhà máy phải đóng cửa, không ít công nhân phải thôi việc…”.
Chính sách nào cho BĐS?
Tại hội thảo “Tác động của thị trường bất động sản lên thị trường tài chính Việt Nam, những khuyến nghị chính sách” do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Đại sứ quán Ireland tổ chức sáng 18-8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, cần sớm ban hành hệ thống tiêu chí cho vay BĐS với các tổ chức tín dụng trên cơ sở quy định của pháp luật.
Theo ông Nam, hiện thống kê của NHNN về tín dụng BĐS, tuy có phân định được tỷ lệ vay của các loại hình BĐS, nhưng không phân biệt được loại hàng hóa thiết yếu và không thiết yếu (nhà ở cao cấp, nhà ở bình dân, BĐS nghỉ dưỡng…) dẫn đến việc cào bằng, ngân hàng coi việc cứ vay đầu tư BĐS là loại, dễ dẫn tới đổ vỡ cả thị trường.
Bên cạnh đó, ông Nam cho biết, Thủ tướng đã cho phép Bộ Xây dựng lập đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà. Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu thí điểm mô hình Quỹ đầu tư tín thác BĐS để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường BĐS.
Đồng thời, cần có quy định để đảm bảo vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực BĐS được đầu tư theo số vốn đăng ký như quy định tỷ lệ hoàn thành công trình cao hơn mới được huy động vốn.
TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho hay: “Thị trường BĐS phụ thuộc vào việc ổn định nền kinh tế, kiềm chế lạm phát. Việc phục hồi thị trường BĐS phải có thời gian. Nếu kiên quyết thực hiện theo NQ 11 của Chính phủ thì lạm phát giảm mạnh trong năm 2012, kéo theo lãi suất giảm, NHNN sẽ nới lỏng hơn tín dụng cho BĐS, các dự án sẽ có hiệu quả”.
Ông Nghĩa cũng cho rằng, việc cho vay BĐS nói chung với các ngân hàng thương mại hiện nay là không hợp lý. NH khống chế tỷ lệ tín dụng phải khống chế từng ngân hàng, chủ yếu là họ đã đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tới đâu. Nếu tỷ lệ an toàn vốn cao thì đương nhiên họ có quyền tăng tài sản của họ thì lúc đó vốn cho BĐS mới được khơi thông.
Ngọc Mai
Theo Tien phong
Bình luận (0)