Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Có bình nhưng chưa ổn

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP.HCM, bình ổn giá, được đem ra “mổ xẻ” sau 9 tháng triển khai (từ năm 2002). Dù vẫn đánh giá chương trình bình ổn giá là chủ trương rất đúng, song, một số doanh nghiệp (DN) kiến nghị nên có cơ chế linh hoạt trong phương thức triển khai.

Đứng ở phương diện doanh nghiệp (DN), ông Văn Đức Mười, Ủy viên Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.HCM, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty Kỹ nghệ Súc sản Vissan, cho rằng, chủ trương bình ổn giá nói đúng hơn là bình ổn thị trường.

DN tham gia bình ổn giá phần nào cũng tự chủ được tài chính, thông qua mức vốn với lãi suất 0% mà TP hỗ trợ (chiếm 30% trong lượng hàng hóa chu chuyển trên thị trường). Từ đó, giúp giá thành giảm đi và có được hiệu quả.
Thế nhưng, chủ trương bình ổn quanh năm đã làm cho hoạt động DN bị “cứng lại”. Bởi vì, nếu xét ở khía cạnh giá, DN buộc phải cân đối để dẫn dắt thị trường.
“Cơ chế kiểm soát khi nguyên liệu đầu vào cao hơn 15% thì DN mới có quyền điều chỉnh giá, nhưng phải bán giá thấp hơn giá thị trường. Rất khó khăn khi phải thực hiện chính sách này.
Dẫu biết rằng, tất cả những mục tiêu này đều vì xã hội, song vẫn không nên làm quanh năm và chỉ nên giữ tỷ lệ bán thấp hơn 10% so với thị trường”, ông Mười nói.
Ông Nguyễn Thành Nhân, đại biểu HĐND quận Tân Bình, Phó tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co-op), cũng cho rằng, thay vì bình ổn quanh năm TP.HCM, chỉ nên bình ổn theo mùa vụ (lễ, Tết…).
Đồng thời, nên có sự linh hoạt điều chỉnh khi giá cả đầu vào tăng, đây cũng là cách DN phản ứng với thị trường khi đến mùa cao điểm.
Hơn nữa, để chương trình bình ổn giá có hiệu quả, điều quan trọng là việc tạo ra nguồn hàng ổn định. Ông Nhân lấy ví dụ từ trường hợp của DN thực phẩm. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang “nắm đằng cán” về con giống lẫn thức ăn gia súc.
Cụ thể là trường hợp của Công ty CP, hiện đang sở hữu đàn heo giống khoảng 100.000 con và trực tiếp sản xuất thức ăn gia súc, trong khi Vissan hiện chỉ có 1.000 con giống. Chính vì vậy, UBND TP.HCM cần có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư theo chiều sâu.
Thực tế, nhiều DN đang gặp khó khi chạy theo các chương trình bình ổn giá. Nhiều DN “gắng gượng” chấp nhận chọn giải pháp chia sẻ 50% lợi nhuận để tồn tại. Theo bà Lý Thị Kim Chi, Phó chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), giải pháp này có tính khả thi nhưng chỉ phù hợp với những DN mạnh, có quy mô sản xuất lớn.
Trong khi đầu vào nguyên liệu tăng cao thì xét duyệt điều chỉnh giá còn phải chờ chủ trương. Vì vậy, theo bà Chi, TP.HCM nên thực hiện cơ chế để DN tự thực hiện bình ổn, điều tiết giá trong giới hạn cho phép, với điều kiện phải thấp hơn giá thị trường từ 5 – 10%.
“Bởi vì, khi chọn DN tham gia bình ổn, TP.HCM cũng đã chọn mặt gửi vàng, theo đó, DN cũng phải hội đủ những tư cách về đạo đức cũng như trách nhiệm với cộng đồng xã hội”, bà Chi kiến nghị. 
ĐĂNG LÊ / DNSG

Bình luận (0)