Số tập đoàn nhà nước không nhiều nhưng các công ty con, công ty cháu thì quá nhiều.
“Tôi ra trường năm 1976, lúc đó đã có chính sách cải cách DN nhà nước (DNNN), đến nay khi tôi chuẩn bị về hưu, VN vẫn tiếp tục cải cách DNNN. 30 năm nay, VN cứ loay hoay đi tìm lời giải với bài toán tái cơ cấu DNNN mà không biến chuyển được bao nhiêu”. TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nói tại hội thảo Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của VN do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phối hợp với Viện Khoa học xã hội VN tổ chức ngày 18-10.
Số DNNN không giảm là bao so với 10 năm trước
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng vấn đề nằm ở khâu quyết tâm chính trị, sách lược đã vạch ra nhưng không quyết tâm thì không lay chuyển được tình thế. Theo ông Nghĩa, DNNN chỉ nên tập trung vào khu vực dịch vụ công, như thế sẽ có hiệu quả về mặt kinh tế chứ DNNN chiếm quá lớn thì sẽ ảnh hưởng đến tái cơ cấu kinh tế. “Tính theo số lượng tập đoàn nhà nước thì không nhiều nhưng thống kê các công ty con, công ty cháu thì quá nhiều, không giảm là bao so với cách đây 10 năm” – ông Nghĩa phân tích.
Do đó, ông Nghĩa cho rằng VN phải tập trung vào chất lượng trong tái cơ cấu, không nên chú trọng quá nhiều vào số lượng, phát triển ồ ạt. Bên cạnh đó, muốn cải cách DNNN, trước hết phải giải quyết bài toán tài chính, nợ nần phải sạch; sau đó là tái cơ cấu tổ chức hoạt động, cơ chế hoạt động; cuối cùng là tăng cường công tác giám sát.
Ở khía cạnh khác, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng tái cấu trúc tập đoàn nhà nước, từ chính sách đến thực tế là điều quá xa vời để thực hiện. “Nhà nước có dám để các tổng giám đốc DNNN là CEO thị trường không? Trong khi hiện nay các tổng giám đốc vẫn là ông công chức!”.
“Phải thực hiện ngay từ bây giờ”
Đánh giá về thực trạng kinh tế hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng lạm phát năm 2011 vẫn ở mức cao, nhập siêu giảm nhưng vẫn lớn, đầu tư công chưa hiệu quả. Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn do giá đầu vào và lãi suất cao. Tỉ giá chưa ổn định, dự trữ ngoại hối mỏng và chính sách tài khóa còn nhiều điểm phải quan tâm.
Từ đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ đặt ra trọng tâm trong năm năm tới là tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng. Theo đó, tập trung vào tái đầu tư công trên tinh thần vừa giảm quy mô nhưng tăng hiệu quả, tăng chất lượng đầu tư, mở rộng huy động vốn trong nền kinh tế. Hoạt động tái cơ cấu DN tập trung vào tái cơ cấu DNNN, nhất là các tập đoàn và tổng công ty. Tái cơ cấu thị trường tài chính mà trọng tâm là tái cơ cấu ngân hàng và các định chế tài chính, giảm số lượng, tăng quy mô và chất lượng. “Phải thực hiện ngay từ bây giờ, không thể chậm trễ hơn được nữa” – Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định.
Ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại VN, cho rằng nguyên nhân căn bản dẫn đến sự bất ổn kinh tế VN là do cấu trúc của nền kinh tế. Những giải pháp hiện nay mới chỉ mang tính tình thế và giải quyết những biểu hiện chứ chưa giải quyết được vấn đề bản chất. Điều quan trọng nhất là tạo được văn hóa minh bạch từ chính sách Chính phủ đến DN, từ đó mang lại niềm tin của người dân với nhà hoạch định chính sách.
Tại hội thảo, TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, phát biểu, Nhà nước nên rút dần ra khỏi lĩnh vực kinh doanh nhằm mục tiêu lợi nhuận để dồn sức làm những việc cần cho phát triển đất nước mà các thành phần kinh tế khác không thể làm.
Tuy chúng ta đã ban hành định hướng tái cấu trúc kinh tế nhưng kế hoạch cần làm như thế nào vẫn chưa bàn kỹ mà mới chỉ khơi khơi chính sách. Cách đây hơn 10 năm, chúng ta cũng đã từng thực hiện tái cơ cấu bằng việc thành lập các tập đoàn nhà nước nhưng hiệu quả không như mong muốn, nếu không nói là thất bại. Tái cơ cấu không chỉ là việc sát nhập DN, mà phải tạo điều kiện cho khối tư nhân phát triển mạnh hơn, Nhà nước không nên làm “bà đỡ” quá nhiều cho DNNN.
TS NGUYỄN QUANG A, chuyên gia kinh tế
Theo Pháp luật
Bình luận (0)