Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Gỗ Việt vẫn ngủ trong rừng

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm qua, gần 300 đại diện ngành sản xuất đồ gỗ Việt Nam tập trung làm rõ những điểm yếu của ngành này như thiếu nguyên liệu, phụ thuộc thị trường trung gian, cấp chứng chỉ rừng, nguồn gốc gỗ…

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tham quan gian hàng đồ gỗ mỹ nghệ tại Festival. Ảnh: Việt Hương .
Tại hội thảo Phát triển chế biến thương mại lâm sản gắn với quản lý rừng bền vững (trong khuôn khổ Festival Lâm sản Việt Nam lần thứ nhất) diễn ra ngày 27-3 tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, ông Cao Chí Công, Vụ Sử dụng rừng (Tổng cục Lâm nghiệp) nói:
“Ngành chế biến gỗ Việt Nam trung bình chỉ tạo ra giá trị xuất khẩu dưới 10.000 USD/công nhân/năm, trong khi Trung Quốc là 16.000 USD, Malaysia là 17.500 USD, Đức 70.000 USD/công nhân/năm. Điều đó chứng tỏ sức tăng trưởng của ngành chế biến gỗ Việt Nam không chỉ yếu mà không có sự đổi mới trong công nghệ sản xuất, chủ yếu dựa vào khách hàng nước ngoài thiết kế mẫu và đặt hàng”.
Ngoài ra, phải nhập khẩu 80% nguyên liệu, trong khi gỗ có chứng chỉ vừa đắt vừa khó tìm… Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) nói rằng, trung bình hằng năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD gỗ nguyên liệu vì nhu cầu trong nước chỉ đáp ứng 20-30%. Ngoài khâu ăn đong nguyên liệu, ta còn phải đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật để tiếp cận các thị trường như Mỹ, Nhật, EU…
Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Trưởng Ban tổ chức Festival, nói:
“Bình Định được mệnh danh là một trong những thủ phủ chế biến và sản xuất đồ gỗ của Việt Nam. Festival lâm sản lần đầu tiên chọn Bình Định làm nơi diễn ra sự kiện này cũng là nhằm phát huy vai trò, tiềm năng của ngành lâm sản nước nhà”.  
Ông Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý bảo vệ – Chứng chỉ rừng, nhận định: “Hai rào cản rất lớn hiện nay là chứng chỉ rừng và nguồn gốc gỗ. Chứng chỉ rừng là để bảo vệ được tiêu chuẩn rừng (Việt Nam hiện có hơn 20.000 ha rừng có chứng chỉ).
Chính sách đất đai không nhất quán (chỉ trong 10 năm Luật Đất đai bổ sung đến 4 lần) lại vướng khâu quản lý thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền và cán bộ địa chính. Bởi vậy, cần nghiên cứu, sửa đổi thủ tục và quy trình cấp sổ đỏ, khi đó mới mong tìm ra nguồn nguyên liệu gỗ có nguồn gốc”.
Tuy nhiên, thời gian qua, ngành đồ gỗ Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, đứng thứ hạng cao về xuất khẩu trong ASEAN. Nếu nhìn vào tỷ trọng xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam trên thị phần thế giới khoảng 1,5%, thì có thể thấy triển vọng gia tăng xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam là rất lớn, nhiều đại biểu nói.
Theo thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong quý I-2011, doanh nghiệp trong ngành đã có hợp đồng đến hết năm, dự kiến tăng trưởng của ngành năm 2011 là 30%.
Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD, tăng hơn 10 lần so với 10 năm trước, chiếm vị trí thứ 5 trong những mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của cả nước. Việt Nam hiện có trên 2.500 doanh nghiệp chế biến đồ gỗ, trong đó có 970 đơn vị chuyên chế biến đồ gỗ xuất khẩu, hơn 400 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… Sản phẩm có mặt tại 120 quốc gia.
Việt Hương/ TPO

Bình luận (0)