Mặc dù trong vòng một tháng qua xăng dầu, điện, gas tăng giá liên tiếp nhưng tại buổi họp báo thường kỳ trực tuyến tháng 7 diễn ra chiều 6.8, đại diện bộ Công thương khẳng định việc tăng giá đã được cân nhắc hợp lý cả về thời gian lẫn mức độ tăng và không phải nhân việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) âm
Ông Võ Văn Quyền, vụ trưởng vụ Thị trường trong nước lí giải: việc các mặt hàng gas, điện, xăng dầu liên tiếp tăng vừa qua là để vận hành theo cơ chế thị trường theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. “Tuy nhiên thời gian để vận hành cơ chế thị trường các mặt hành xăng, điện có muộn hơn mặt hàng gas và vẫn còn có sự can thiệp của nhà nước, dù mức độ đã giảm”, ông Quyền nói.
Trước thông tin cho rằng thay vì tăng giá xăng dầu, cơ quan quản lý nên giảm thuế và trích quỹ bình ổn giá để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hàng tồn kho tăng, ông Quyền nói rằng việc giữ công cụ về thuế, và mức trích quỹ bình ổn giá lúc này là thích hợp để dự phòng lúc cần thiết, nên lúc này chưa đến mức cần thiết phải điều chỉnh thuế, quỹ bình ổn. “Giá xăng dầu có lúc tăng, lúc giảm theo tín hiệu của thị trường và khó khăn của doanh nghiệp cũng từng bước cần được tháo gỡ nhưng chính sách tăng giá xăng dầu và tháo gỡ khó khăn về lãi suất, hàng tồn kho cho doanh nghiệp không hề mâu thuẫn nhau”. Ông Quyền nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Quyền cũng cho rằng, chỉ số CPI vừa qua âm không phải là cái cớ để tăng giá điện, xăng dầu. Bởi thực tế xăng dầu theo giá thế giới và điều chỉnh theo Nghị định 84 dưới sự kiểm soát của nhà nước về quy trình và trình tự tăng giá, chứ không phải muốn tăng thế nào thì tăng.
Ông Đặng Huy Cường, cục trưởng cục Điều tiết điện lực cho biết thêm, điều chỉnh giá điện từ 1.7 đã được cân nhắc kĩ cả mức độ và thời điểm. “Nếu chúng ta nhớ lại thời điểm tháng 11.2011, khi đó mức đề xuất là giá điện tăng 10% so với giá năm 2011 nhưng sau hai đợt tăng từ 20.12.2011 và 1.7.2012 mới chỉ tăng được mức này, mỗi đợt 5%”, ông Cường cho hay. Vẫn theo ông Cường, thì để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giá điện trong hai năm 2010 và 2011 đã phải bán dưới giá thành sản xuất khiến tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ 10.000 tỉ đồng sản xuất kinh doanh và 25.000 tỉ đồng chênh lệch tỉ giá. “Vậy nên điều chỉnh giá điện là nhất quán theo chỉ đạo của nghị quyết Quốc hội và quyết định Thủ tướng để đến 2013 giá điện tiệm cận giá thị trường”, ông Cường khẳng định.
T.Đức (SGTT)
Bình luận (0)