Bộ Tài chính chọn phương án giảm thuế và xả quỹ bình ổn để ghìm giá xăng dầu.
Ngày 11-9, Bộ Tài chính chính thức bác đề xuất tăng giá của một số doanh nghiệp (DN) xăng dầu. Giá xăng A92 vẫn là 23.650 đồng/lít, thuế nhập khẩu xăng dầu vẫn là 12%. Riêng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng dầu sẽ giảm từ 10% xuống còn 8%. Ngoài ra, quỹ bình ổn được sử dụng 650 đồng/lít đối với dầu hỏa, xăng A92 áp dụng mức cũ là 500 đồng/lít.
Đề xuất tăng cao
Trước đó, nhiều tờ báo thông tin về việc DN đề xuất tăng giá xăng dầu. Trao đổi với một tờ báo, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính, xác nhận có bốn DN đề xuất tăng giá. Đối với dầu diesel, DN đề xuất tăng 1.200-1.300 đồng/lít, đối với xăng A92, DN đề xuất tăng 700-800 đồng/lít. Ông Thỏa cũng cho biết thêm, giá xăng thế giới trung bình 30 ngày qua từ 11-8 đến 9-9 ở mức 123,93 USD/thùng chỉ tăng 6,83% so với 30 ngày trước.
Như vậy, theo mức giá thế giới này thì thực tế DN chỉ lỗ 397 đồng/lít đối với mặt hàng xăng. Vậy tại sao bốn DN trên lại đề xuất tăng tới 700-800 đồng/lít?
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết DN này chỉ kiến nghị giảm thuế để giữ nguyên giá xăng. Đối với mặt hàng dầu, sau khi giảm thuế, phần bù thêm được đề nghị hai phương án là tăng giá hoặc tăng sử dụng quỹ bình ổn giá.
Giá xăng A92 vẫn là 23.650 đồng/lít. Ảnh: HTD
Ông Nguyễn Anh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), đơn vị hiện chiếm gần 20% thị trường xăng dầu, cũng chỉ cho biết chung chung có đề xuất phương án giảm thuế hoặc tăng giá. Tuy nhiên, mức đề xuất cụ thể như thế nào thì ông Toàn bảo đó là thông tin “mật”.
Đề xuất không có cơ sở, không bị phạt!
Trên thực tế, trước đó, sau khi trao quyền định giá cho DN, nhiều chuyên gia từng băn khoăn về hạn chế của Nghị định 84/2009 khi chưa quy định rõ mức chế tài nếu DN đề xuất tăng/giảm không tương xứng với giá thế giới. Ngay cả trong văn bản về nhiệm vụ tổ giám sát giá xăng dầu của liên bộ cũng chỉ nêu chung chung là tổ giám sát giúp lãnh đạo liên bộ tiếp nhận đề xuất tăng giá của DN đầu mối. Kể từ khi nhận được hồ sơ, chậm nhất sau ba ngày, tổ trưởng tổng hợp các ý kiến của thành viên để xem xét, đề xuất báo cáo mức giá với lãnh đạo liên bộ. Trường hợp phát hiện giá DN đề xuất không hợp lý, tổ giám sát sẽ thông báo bằng văn bản gửi DN yêu cầu phải bán với giá hợp lý.
Như vậy, trường hợp DN đề xuất giá không hợp lý chưa thấy nêu rõ có bị xử phạt hay không?
TS Nguyễn Ngọc Sơn, ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM, cho rằng không thể xử DN vì đề xuất tăng giá đó chỉ mới trên ý tưởng. Không thể cấm việc đề xuất vì không vi phạm cơ chế quản lý. Chỉ khi nào DN quyết định tăng mức bất hợp lý đó mới có thể xem xét dưới góc độ pháp luật.
“Rõ ràng khi trao quyền định giá cho DN thì đòi hỏi năng lực của cơ quan quản lý về giá phải nâng cao nhiều để phân tích, xử lý trường hợp DN trục lợi. Từ đây, vấn đề minh bạch về giá hơn lúc nào hết cần công khai để cả xã hội giám sát” – ông Sơn nói.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng nếu lần nào DN đề xuất không hợp lý cũng xử phạt thì chưa thỏa đáng. Tuy nhiên, trường hợp nếu giá thế giới chưa tăng đến 7% mà DN lại đòi tăng theo thì Nghị định 84/2009 cần bổ sung chế tài.
Cần công khai DN đề xuất chưa hợp lý
Sau khi được trao quyền định giá, cứ 10 ngày, giá thế giới biến động, các DN đầu mối lại “rục rịch” phương án đề xuất tăng giá. Thế nhưng có một thực tế là hầu hết DN đều kín kẽ với báo chí về mức đề xuất và chỉ có tổ giám sát nắm rõ thông tin. Giải thích về sự kín kẽ này, các đầu mối đều cho rằng việc công bố có thể khiến thị trường xuất hiện nạn đầu cơ, găm hàng.
Ngay cả lần đề xuất tăng giá này, dù phương án tăng không được liên bộ chấp nhận nhưng danh sách DN đề xuất tăng không được tiết lộ.
TS Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng xăng dầu là mặt hàng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Vì vậy, bất cứ thông tin nào liên quan đến mặt hàng này càng rõ ràng càng tốt để xã hội cùng giám sát. Danh sách các DN đề xuất tăng giá không hợp lý cần được công bố. Trường hợp Nhà nước không muốn công khai cần phải giải thích cho người dân lý do vì sao.
“Chúng ta càng kín kẽ càng dễ dẫn đến những mối lo ngại, nghi ngờ thậm chí là mất niềm tin. Nay đã trao quyền định giá xăng cho DN nhưng vẫn có tổ giám sát đứng ở trung lập. Vậy tại sao lại không công bố danh sách DN đề xuất chưa hợp lý để người tiêu dùng hiểu tường tận, thậm chí có thể tẩy chay nếu DN đó thường xuyên đưa ra các mức giá không hợp lý?” – ông Sơn phân tích.
Ông Nguyễn Minh Phong nói thêm: “Cần công khai rõ ràng các khoản chi phí của giá xăng. Nghị định 84/2009 đã quy định giá cơ sở giá xăng nhưng chưa quy định chế tài nếu các DN không công khai. Tôi cho rằng sau khi DN điều chỉnh giá cứ công khai hết để người dân biết rõ”.
Trước đó, nhiều DN đầu mối xăng dầu cũng đã “hứa” sẽ công khai giá cơ sở xăng dầu nhưng đến nay vẫn chưa thấy.
Petrolimex và Mipeco không đề xuất tăng
Lãnh đạo một DN đầu mối xăng dầu lớn tại Hà Nội cho biết khá bất ngờ với mức đề xuất tăng đến 1.000 đồng/lít xăng và 1.300 đồng/lít dầu. Tại thời điểm mà một số DN khác đề xuất tăng giá với Bộ Tài chính (7-9), DN này chỉ lỗ hơn 100 đồng/lít xăng và hơn 400 đồng/lít dầu tùy loại. Vị lãnh đạo này cho biết đề xuất tăng giá thời điểm này không hợp lý bởi giá xăng dầu nhập khẩu tại thị trường Singapore đang chững lại. Việc Bộ Tài chính chọn phương án giảm thuế và xả quỹ bình ổn là thích hợp, vừa chia sẻ cho DN và người tiêu dùng. Nếu cộng thêm quỹ bình ổn 500 đồng/lít và giảm thuế thì DN sẽ cân đối được lãi lỗ.
Có một điều đặc biệt là trong lần đề xuất tăng giá này lên Bộ Tài chính không có sự tham gia của các “ông lớn” như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hay Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipeco).
TRÀ PHƯƠNG
|
MAI PHƯƠNG (PL)
Bình luận (0)