Cho đến cuối tuần này ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa xem xét việc tăng dự trữ bắt buộc tiền đồng nhằm tránh ảnh hưởng đến thanh khoản của các ngân hàng. Vì sao một giải pháp tiền tệ mạnh như tăng dự trữ bắt buộc vẫn còn bỏ ngỏ khi mà chỉ số giá cả CPI tháng 4.2011 ở TP.HCM đã được công bố ở mức 3,16% và 3,28% ở Hà Nội, cao nhất trong vòng 20 năm qua?
Giảm cung thị trường mở, hướng đến tái cấp vốn
Tuần đầu tiên và thứ hai của tháng 4, theo bản tin của công ty chứng khoán Thăng Long, NHNN “bơm” ra qua kênh thị trường mở số lượng tiền khá dè dặt, tương ứng 5.694 và 3.975 tỉ đồng. Nhu cầu vốn của các ngân hàng rất cao khi tỷ lệ đăng ký bán giấy tờ có giá cho NHNN trên chào thầu tới 230%. Nghĩa là các ngân hàng cần 2,3 đồng mà NHNN chỉ đưa ra 1 đồng. Mức cầu cao này đã duy trì từ nhiều tháng nay và mỗi lần như thế NHNN có thể lại tăng lãi suất. Lãi suất thị trường mở có khả năng lên tới 14 – 15%/năm cũng không khó hiểu. Một số tổ chức tín dụng cho biết họ sẵn sàng chấp nhận lãi suất đó, nhưng vấn đề là người mua chịu giá rồi, người bán vẫn găm nguồn cung, thậm chí lượng tiền đưa ra ngày càng ít đi.
Nâng dự trữ bắt buộc tiền đồng vào lúc này là liều thuốc nhanh nhất đẩy mặt bằng lãi suất lên cao thêm nữa. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Lê Hồng Thái
NHNN đang nỗ lực cân bằng hai mục tiêu: hút tiền về để chống lạm phát song vẫn đảm bảo thanh khoản của các ngân hàng. Tuy nhiên thị trường mở không phải là kênh phân phối duy nhất và chính xác tiền đến nơi cần bởi muốn giao dịch thị trường mở phải có trái phiếu, mà những ngân hàng thiếu thanh khoản lại thường không có trái phiếu hoặc có với khối lượng ít. Kênh tái cấp vốn vẫn đang rộng cửa, nhưng các ngân hàng không muốn bước vào vì sẽ được NHNN “soi” từng hồ sơ tín dụng thế chấp. Nói cách khác qua kênh tái cấp vốn, NHNN nắm rõ hơn thực trạng của các ngân hàng, và đi kèm là những điều kiện kiểm soát ngặt nghèo.
Khi động thái tiết cung tiền đồng được NHNN thực hiện dứt khoát hơn, các ngân hàng có khó khăn bắt buộc phải chạy đôn chạy đáo lo nguồn cho chu kỳ dự trữ cuối tháng sắp đến. Lãi suất liên ngân hàng có lúc đã đạt 23 – 25%/năm mà vẫn không vay được. Ngân hàng nào cũng ở thế phòng thủ, an toàn trên hết, lợi nhuận tính sau. Cuối cùng đã có ngân hàng đăng ký xin tái cấp vốn.
Kiểm soát tín dụng phi sản xuất
Ngày 14.4.2011 NHNN ban hành văn bản yêu cầu các ngân hàng báo cáo kế hoạch tín dụng và kiểm soát dư nợ phi sản xuất về mức 22% vào cuối tháng 6. Có ba phương cách mà các ngân hàng đang áp dụng: 1. Ngừng cho vay chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng, chỉ lo thu nợ; 2. Tăng tổng dư nợ cho vay chung để giảm tỷ trọng dư nợ phi sản xuất. Cách này không dễ vì tăng trưởng tín dụng năm nay đã bị khống chế ở mức 20%. Hơn nữa ít có doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nào chịu được lãi suất 22 – 23%/năm, nên tăng dư nợ khu vực sản xuất với lãi suất cao xem ra bất khả thi; 3. Đảo nợ hoặc chuyển dư nợ phi sản xuất sang tín dụng sản xuất dưới hình thức khác nhau. Cách thứ ba ẩn chứa rủi ro vì thanh tra NHNN có thể kiểm tra và nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý nặng nề.
Những ngân hàng không giảm được dư nợ phi sản xuất về mức quy định sẽ phải tăng dự trữ bắt buộc lên gấp đôi. Đây có lẽ là cách xử lý thích hợp vì nồng độ liều cao và nó “đúng người đúng tội” hơn là thực thi nâng dự trữ bắt buộc đồng loạt cho mọi ngân hàng. Nó đồng thời mang tính cảnh báo và để cho các ngân hàng khoảng thời gian hai tháng còn lại để thực hiện.
Không chỉ ngân hàng chống lạm phát
Một trong những nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng lạm phát hiện nay là mức tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng cao trong nhiều năm liền. Bên cạnh đó lạm phát của Việt Nam còn chịu tác động của chính sách tài khoá, của đầu tư công kém hiệu quả, của giá nguyên liệu, năng lượng quốc tế và nhất là việc các nước đang làm “ngập lụt” thị trường tài chính của họ bằng nguồn vốn rẻ khổng lồ. Vì thế kiềm chế lạm phát đòi hỏi giải pháp đồng bộ trên nhiều phương diện.
Nâng dự trữ bắt buộc tiền đồng vào lúc này là liều thuốc nhanh nhất đẩy mặt bằng lãi suất lên cao thêm nữa. Ở đây là lãi suất cho vay chứ không phải lãi suất huy động vì lãi suất huy động đã được chặn bằng trần 14%/năm. Nếu trần này vẫn giữ nguyên, tiền trong lưu thông khó có thể được hút vào ngân hàng. Thanh khoản ngân hàng vì thế không được cải thiện. Trong khi đó lãi suất cho vay đã chạm ngưỡng 24 – 26%/năm. Không ít doanh nghiệp đã đem tiền gửi ngân hàng thay vì đầu tư sản xuất do lãi suất tiết kiệm cao hơn tỷ lệ sinh lời bình quân trong kinh doanh. Sản xuất của nhiều doanh nghiệp đã có dấu hiệu đình đốn, tăng thêm lãi suất kinh tế sẽ trì trệ.
Thay vì sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc, việc hút bớt tiền trong lưu thông có thể được tiến hành qua kênh trái phiếu. Gần hai tháng qua phát hành trái phiếu chính phủ thất bại vì lãi suất do bộ Tài chính ấn định quá thấp. Muốn bán trái phiếu bây giờ lãi suất phải được nâng lên. Gánh nặng lãi suất trái phiếu tăng thêm được đặt lên vai ngân sách và đó cũng là một cách để tài khoá góp sức chống lạm phát. Giá thành đồng vốn có được từ trái phiếu càng cao thì việc giải ngân, sử dụng phải càng hiệu quả.
Hải Lý / SGTT
Bình luận (0)