Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giá đường trong nước cao vô lý

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, so với khoảng hai tháng trước, giá đường thế giới giảm tới 20 – 30%, song giá đường trong nước vẫn ở mức cao đến mức khó chấp nhận được.
Sản xuất đường
Ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, giá đường thế giới giảm từ mức hơn 700 USD/tấn xuống còn 530 USD/tấn, do các quỹ đầu cơ đường đẩy mạnh bán ra.
Tại sàn giao dịch London, Anh, giá đường trắng kỳ hạn giao tháng 5 – 2010 giảm tới 200 USD/tấn so với mức giá cao nhất hồi tháng 12 – 2009, còn 533 USD.
Giá đường giao ngay cũng chỉ dao động ở mức 550 – 555 USD/tấn. Như vậy, giá đường thế giới giảm mạnh, sau khi đạt ngưỡng gần 800 USD/tấn hồi cuối năm ngoái.
Với mức trên, giá đường nhập khẩu về nước ta sẽ ở mức 12.500 – 13.000 đồng/kg, đã gồm 5% thuế nhập khẩu, 5% thuế VAT, nếu cộng thêm các chi phí khác như chi phí vận chuyển, bảo hiểm…, giá đường cũng chỉ lên tới mức trên 14.000 đồng/kg. 
Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên, giá đường trong nước vẫn cao ngất ngưởng, đơn cử như giá đường tinh luyện – RE Biên Hòa đang được bán với giá 21.000 đồng/kg; giá đường trắng Việt – Đài tại Siêu thị Fivimart (Hà Nội) 19.600 đồng/kg. Thậm chí, một số đại lý bánh kẹo tổng hợp còn bán loại đường “không tên tuổi”, không nhãn mác ở mức 18.000 đồng/kg.
Như vậy, giá bán lẻ đường trắng trong nước cao hơn giá bán thế giới tới 4.000 – 5.000 đồng/kg.
Khi được hỏi nguyên nhân vì sao giá đường cao, chủ một đại lý cho hay, đường đang bán là loại nhập từ trước tết với giá cao nên đến thời điểm này chưa thể giảm giá.
Bà Lê Quang Thục Quỳnh, Giám đốc tiếp thị hệ thống Co.opmart, cho biết: “Vẫn chưa có nhà cung cấp nào thông báo về việc sẽ điều chỉnh giá đường trong thời gian tới và họ giải thích là đường RS dùng cho sản xuất giảm giá 1.000 đồng/kg, nhưng đường RE dùng cho các gia đình không giảm”.
Giá đường đang được các công ty trong nước bán buôn tại cổng nhà máy là 14.000 – 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo ông Đàng, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh đường rất ít khi mua đường trực tiếp tại các nhà máy mà đều thông qua đại lý buôn bán đường. 
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, tại thời điểm cách đây gần hai tháng, khi giá đường thế giới cao, đã kéo giá đường trong nước tăng theo. Tại thời điểm đó, dù có chủ trương nhập 200.000 tấn đường nhưng đường chưa về, cộng thêm đường nhập lậu thời gian này cũng chưa nhiều nên chưa tác động nhiều đến thị trường đường trong nước.
Tuy nhiên, đến nay, khi lượng đường nhập khẩu chính thức sắp về trong khi đường lậu ồ ạt vào Việt Nam qua biên giới Tây Nam, khiến giá đường trong nước bị tác động mạnh, gây khó khăn nghiêm trọng cho việc tiêu thụ đường của các nhà máy và cả doanh nghiệp kinh doanh đường. “Sắp tới, khi đường nhập khẩu chính thức cập cảng, giá đường chắc chắn sẽ giảm”, ông Đàng nhận định.
Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đường đều cho rằng, họ phải mua giá mía quá cao nên phải xuất đường trắng với giá cao, nếu bây giờ hạ giá đường sẽ bị lỗ. Có ý kiến cho rằng, phải giữ giá vì giảm giá lúc này sẽ ảnh hưởng đến những đơn vị đã mua dự trữ từ trước.
Song, theo tìm hiểu riêng của chúng tôi, một trong những nguyên nhân dẫn tới giá đường trong nước cao là do mức chiết khấu của các doanh nghiệp cho các đại lý thường rất cao. Do vậy, giá đường tới tay người tiêu dùng bị nâng cao một cách vô lý.
Thiên Hương / TPO

Bình luận (0)