Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Làng nghề hoạ sĩ Cổ Đô

Tạp Chí Giáo Dục

Vốn là một làng lụa cổ nổi tiếng nhưng qua thời gian, nghề đó đã mai một ở Cổ Đô (xã Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội). Nhưng gần đây, Cổ Đô lại được nhiều người biết đến với tiếng thơm là một làng hoạ sĩ, vì hầu hết cả làng đều biết vẽ và đã có hàng trăm hoạ sĩ xuất thân từ làng.

Chiều ven đê sông Hồng. Một vài chú bò thong dong gặm cỏ dưới triền đê. Ráng chiều rực rỡ chiếu trên luỹ tre, la đà mặt sông. Dưới bến, trên những con thuyền của dân vạn chài, khói bếp đã bắt đầu đưa lên điểm vào chiều quê thanh bình yên ả. Và đây chính là khoảng thời gian và không gian cho những hoạ sĩ tương lai của làng Cổ Đô thực hành bài tập của mình. Từ trong làng, một thầy giáo trẻ dẫn hơn 30 học trò là những người phụ nữ mặt sạm nắng, những người đàn ông đã bước vào tuổi lục tuần với bàn tay chai sần vì quen cầm cày, cầm cuốc ra đê, giảng giải cặn kẽ về bố cục, cách phối màu và thể hiện màu sắc trong bức tranh phong cảnh. Sau bài giảng lý thuyết, anh cho học trò tự tìm góc riêng cho mình để dựng giá vẽ. Và khi chiều đã đậu xuống mặt sông, không gian thẫm lại cũng là lúc thầy trò thu dọn giá vẽ trở về làng.

 

Lớp học với những học viên tuổi muối tiêu.

Sáng cầm cuốc, chiều cầm cọ
Đến Cổ Đô, từ người già đến em bé ai cũng biết đến câu chuyện về ông tổ nghề của làng là hoạ sĩ Sỹ Tốt. Ông không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được nhiều bạn bè thế giới biết đến với nhiều bức tranh đã đoạt giải và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người yêu tranh. Hoàng Việt, một hoạ sĩ của làng kể lại, khi Sỹ Tốt sinh ra vào năm 1920 thì làng chưa có ai mê vẽ hay học vẽ cả. Nhưng từ thủa nhỏ ông đã thích vẽ nên hay lê la trong làng dùng bút chì, có khi chỉ là cục than vẽ lại hình ảnh ngôi đình, cổng chùa, cánh đồng quê mình… Rồi ông đi bộ đội và có may mắn tiếp tục phát triển năng khiếu hội hoạ của mình khi được cử đi học tại trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam và được chính danh hoạ Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy. Rồi ông trở về quê, dùng cây cọ của mình ghi lại hình ảnh làng quê và chân dung những người nông dân lam lũ vất vả nhưng nhân hậu của làng. Lúc đó, người trong làng thấy ông vẽ thì xúm lại xem và bắt đầu say mê. Thấy nhiều người quan tâm đến hội hoạ, Sỹ Tốt đã hết lòng truyền dạy miễn phí. Và từ đây, cái máu hoạ sĩ đã bắt đầu hình thành và chảy trong huyết quản từng người Cổ Đô.
Hỏi về “thành tích” của làng, anh Hoàng Việt cho biết, Cổ Đô có khoảng hơn 100 hoạ sĩ, trong đó có nhiều tên tuổi nổi tiếng được giới hội hoạ đánh giá cao như Trần Hoà, La Vuông, Giang Khích, Sao Mai… Hiện nay, làng có khoảng hơn 32 hoạ sĩ thuộc hội Mỹ thuật Việt Nam. Trong làng, mỗi hoạ sĩ đều có một phòng tranh riêng nho nhỏ tại nhà và nhiều người có phòng tranh trên Hà Nội hoặc có tranh bán tại các gallery ở đây. Cách đây mấy năm, Cổ Đô đã từng ký hợp đồng với Canada và mỗi tháng xuất sang nước này khoảng 200 – 300 bức tranh của làng. Hợp đồng đó đã kết thúc nhưng giờ đây, tranh của Cổ Đô cũng chu du nhiều nước trên thế giới. Vào dịp cuối tuần, Cổ Đô thường đón nhiều đoàn xe của khách du lịch nước ngoài đến tận làng để mua tranh. Những bức tranh của Cổ Đô có bức giá chỉ vài trăm nhưng cũng có bức có giá vài chục triệu.
Nhưng điều đặc biệt khiến chúng tôi thích thú và xúc động là hình ảnh những người nông dân sáng vác cày ra đồng, cày xong đám ruộng, chiều về lại cầm bút vẽ những cảnh sinh hoạt thân thuộc quanh mình. Có lẽ vì thế mà khách nước ngoài rất thích những bức tranh có thể còn ngô nghê về bố cục, chưa chuẩn về màu sắc nhưng thấm đượm cái hồn chân chất của người quê. Những bức tranh được bán đi không phải có giá thật cao nhưng cũng khiến người nông dân Cổ Đô có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống. Và vẽ không chỉ trở thành sân chơi nghệ thuật của làng mà đã trở thành nghề để người Cổ Đô mưu sinh. Đó cũng chính là ước muốn để những người con của làng ấp ủ một dự án phát triển Cổ Đô và cách đây hơn hai tháng, họ đã bắt tay vào thực hiện.
Lớp học vẽ cho thương binh và người khuyết tật
Tại sân bảo tàng mỹ thuật làng Cổ Đô, cô bé Hoàng Thanh Xuân, 12 tuổi, đang ngồi trên xe lăn miệt mài đưa những đường cọ trên giá vẽ được đặt trên chính chiếc xe của mình. Cô bé kể, một lần chơi đùa không cẩn thận nên ngã rồi bị liệt cách đây bốn năm. Cuộc sống của em trở nên mù mịt, suốt ngày thui thủi quanh quẩn trong nhà trên chiếc xe lăn. Và rồi, khi lớp học vẽ đặc biệt này được mở ra, em đã được động viên tham gia. Không được vui chơi chạy nhảy như bạn bè nhưng giờ đây em đã có một niềm vui mới là vẽ. Ngày mưa cũng như ngày nắng, Xuân lại miệt mài đẩy chiếc xe lăn từ nhà tới lớp học cách đó gần hai cây số. Giờ đây, em bảo mình đang đến gần ước mơ thành hoạ sĩ và em hy vọng mình sẽ tự kiếm sống bằng chính nghề vẽ của mình.

 

Cô bé Thanh Xuân với giá vẽ trên chiếc xe lăn của mình.

Tới lớp học do hoạ sĩ Trường Yên đứng lớp, chúng tôi đã rất xúc động trước hình ảnh những người thương binh đầu hai thứ tóc, những người phụ nữ mặt sạm nắng, một chân bị tật, một tay bị khoèo đang miệt mài gò lưng bên giá vẽ. Chị Trần Thị Thật, 47 tuổi, một chân bị tật, cho biết mình vốn làm ruộng nhưng giờ sức khoẻ yếu, chân lại không được như người ta nên chị tham gia lớp học vẽ với hy vọng có một nghề để kiếm sống sau này. Ông Nguyễn Thành Tâm, một thương binh của làng, đến lớp học cũng với mong muốn ấy. Ông có con trai là Thế Luân, một trong những hoạ sĩ thế hệ thứ ba của làng, nhưng giờ đây lại chính là thầy khi ông tham gia lớp vẽ này. Nhắc đến chuyện này, ông cười khà khà bảo: Con hơn cha là nhà có phúc.
Hoạ sĩ Trường Yên cho biết, hiện nay, trong làng đã có bốn lớp học với 120 học trò, được mở cách đây hơn hai tháng, trong đó lớp học dành cho người khuyết tật và thương binh khoảng hơn 30 học viên. Và vào những buổi học vẽ ngoài trời, thầy trò lại kéo nhau ra bờ đê hay cánh đồng để vẽ phong cảnh. Hoạ sĩ Hoàng Việt cho biết, những lớp học này được mở hoàn toàn miễn phí do chính những người con đã là hoạ sĩ hay thầy giáo đứng lớp và cũng không có thù lao. Anh Việt tâm sự, chúng tôi không quan trọng sẽ có bao nhiêu học trò của mình thành hoạ sĩ, mà quan trọng là mỗi người con của làng có thể sống được bằng nghề vẽ tranh.
Bài và ảnh Hà Dịu / SGTT

 

Bình luận (0)