Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Về Phú Yên phiêu du với đá

Tạp Chí Giáo Dục

Là tỉnh duyên hải nhưng Phú Yên có tới 3/4 diện tích rừng núi, với nhiều nhánh của dãy Trường Sơn vươn ra biển Đông.

Đa số các di sản văn hóa và thiên nhiên của Phú Yên đều gắn kết thâm sâu với chất liệu đá.
Theo quốc lộ 1A, khi xe bắt đầu lên đèo Cả, ngay từ xa đã thấy một tảng đá khổng lồ nổi bật trên nền trời cao, đó chính là Thạch Bi Sơn trên núi Đá Bia. Lê Quý Đôn đã viết trong Phủ biên tạp lục: “Khi vua Lê Thánh Tông đánh được Chiêm Thành lấy đất vào xứ Quảng, đã tạc đỉnh núi lập bia làm địa giới…”. Núi Đá Bia cao 706m, với nhiều dải rừng nguyên sinh và thảm thực vật trên núi rất đa dạng và phong phú.
Đến Phú Yên, bạn không nên bỏ qua hai bảo vật quốc gia vô cùng ấn tượng: đàn đá và kèn đá Tuy An. Kèn đá có lỗ thổi hơi và thoát hơi. Bên trong ruột có gờ hình xoắn ốc, khi thổi tạo nên những âm thanh với cao độ khác nhau. Đàn đá gồm tám thanh, đây là bộ đàn đá có thang âm hoàn chỉnh nhất trong tất cả các bộ đàn đá đã được phát hiện tại Việt Nam, có niên đại cách đây khoảng hơn 2.500 năm. Nếu không tận mắt chứng kiến, thật khó hình dung những âm thanh trầm bổng lại có thể được phát ra từ khối đá “rỗng”, hay từ những phiến đá thanh thanh, vô tri vô giác.
Đàn đá ở Tuy An – Phú Yên
Không chỉ được trưng bày trang trọng trong bảo tàng của tỉnh, vào những dịp lễ hội hay các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật, đàn đá và kèn đá còn được biểu diễn bởi các nghệ sĩ địa phương. Tiếng đàn đá hòa theo tiếng gió âm âm, lan tỏa, mênh mang… nghe như tiếng người xưa từ ngàn năm vọng tới.
Đoạn giữa thành phố Quy Nhơn của Bình Định với thị xã Tuy Hòa của Phú Yên, nếu rẽ trái về hướng núi, vượt lên một lối nhỏ khá dốc, bạn sẽ đến với chùa Tử Quang, một trong những ngôi chùa cổ nhất của Phú Yên. Chùa Tử Quang hay Bạch Thạch tự nằm trên đỉnh núi Xuân Đài, cao khoảng 100m, ở vùng đất từng là thủ phủ của tỉnh Phú Yên đầu thế kỷ XVII. Chùa nằm trên triền núi toàn đá trắng nên còn có tên là chùa Đá Trắng, được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào năm 1997. Cổng chùa và khu bảo tháp còn khá nguyên vẹn, thể hiện rõ nghệ thuật kiến trúc cổ, được trang trí hoa văn, phù điêu và tượng thú. Nếp chùa thanh tịnh, cảnh trí xung quanh rất hữu tình. Chùa tựa lưng vào núi cao với rừng rậm thâm u, bên dưới là sông lớn, con đường thiên lý Bắc Nam chạy ngang qua.
Lối vào chùa Đá Trắng
Bạch Thạch tự trầm mặc với thời gian
Từ trung tâm thành phố Tuy Hòa, theo quốc lộ 25 về hướng tây khoảng 8km, băng qua những cánh đồng bao la trù phú, bạn sẽ tới một điểm tham quan dân dã rất lạ. Đó là một ghềnh đá trải dài tới gần 1km ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa. Do địa tầng biến đổi, trải qua bao nhiêu thế kỷ “biển sâu hóa thành nương dâu”, đã hình thành nên những vạt đá răng cưa kỳ thú. Ghềnh đá như sống lưng của con khủng long hóa thạch, những rìa đá, cột đá vươn cao giữa nền trời xanh, tạo nên thành trì vững chắc bao quanh những cánh đồng lúa mênh mông của thôn Mỹ Hòa.
Ghềnh đá Hòa Thắng, một “tác phẩm nghệ thuật” của tạo hóa
Hòa Thắng còn có những ghềnh đá khác như: ghềnh Miễu, ghềnh Quan, ghềnh Dung, ghềnh Quýt, ghềnh Bồ, ghềnh Đuôi, ghềnh Do… với cấu tạo địa chất là các loại đá thạch anh như màu ám khói, màu sỏi, trắng đục hay tinh khiết. Trèo lên những mỏm đá cao, nhìn bao quát khắp một vùng xung quanh, du khách sẽ cảm nhận ghềnh đá Hòa Thắng không chỉ đẹp hùng vĩ, mà còn đằm thắm, dung dị với cánh đồng lúa êm đềm bên những rặng tre, làng xóm bình yên, lơ thơ làn khói bếp.
Đến Phú Yên – vùng đất bình yên và trù phú để phiêu du với hồn đá sẽ là những trải nghiệm khó quên trên bước chân rong ruổi của bạn.
Phương Anh / Phụ Nữ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)