Danh sách các vụ sai phạm trong hoạt động xuất bản ngày càng được nối dài thêm mà mới nhất là vụ Nhà Xuất bản (NXB) Lao động – Xã hội cho phát hành cuốn sách Bộ Luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014, với hình ảnh diễn viên Công Lý lõa lồ trên bìa.
Chỉ vài ngày trước đó, Cục Xuất bản, In và Phát hành phải có văn bản đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) các tỉnh, thành phố phối hợp kiểm tra, rà soát và thu hồi đối với 8 cuốn từ điển đã bị NXB Đồng Nai ra quyết định thu hồi.
Cụ thể, 3 cuốn từ điển bị thu hồi vì in sai nội dung được duyệt, gồm Từ điển tiếng Việt – Giải nghĩa từ ngữ và mở rộng vốn từ dành cho học sinh lớp 1, 2, 3; Từ điển tiếng Việt – Giải nghĩa từ ngữ và mở rộng vốn từ dành cho học sinh lớp 4; Từ điển tiếng Việt – Giải nghĩa từ ngữ và mở rộng vốn từ dành cho học sinh lớp 5 (đều của tác giả: Khắc Trí – Trọng Tấn).
Ba cuốn từ điển khác bị thu hồi vì in sai nội dung được duyệt, chưa nộp lưu chiểu, chưa có quyết định phát hành của NXB Đồng Nai là Từ điển tiếng Việt – Mở rộng từ và câu dành cho học sinh lớp 1, 2, 3; Từ điển tiếng Việt – Mở rộng từ và câu dành cho học sinh lớp 4; Từ điển tiếng Việt – Mở rộng từ và câu dành cho học sinh lớp 5 (đều của tác giả: Khắc Trí – Trọng Tấn). Cuối cùng, 2 cuốn Từ điển tiếng Việt (tác giả Chí Hùng – Quang Khang), Từ điển tiếng Việt (tác giả Cẩm Nhung – Quang Khang) bị thu hồi vì in sai tên xuất bản phẩm trong quyết định xuất bản, in sai nội dung được duyệt, sách chưa có quyết định phát hành của NXB. Hồi tháng 10-2014, cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất (NXB Trẻ phát hành năm 2001) cũng khiến báo chí và người đọc sốc nặng vì những định nghĩa quá nhảm nhí. Ngày 17-10, Cục Xuất bản In và Phát hành đã ban hành công văn đến các NXB, các sở TT-TT với nội dung yêu cầu thu hồi, tiêu hủy cuốn sách từ điển tiếng Việt này.
Vấn đề dư luận đặt ra là tại sao những sai phạm trong hoạt động xuất bản lại diễn ra liên tục như vậy, phải chăng cơ quan quản lý nhà nước đang buông lỏng hoạt động này?
Theo điều 18 Luật Xuất bản 2012, giám đốc, tổng giám đốc các NXB chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan chủ quản về xuất bản phẩm của mình. Thế nhưng thực tế, các NXB gần như khoán trắng việc xuất bản cho đối tác liên kết mà không giám sát, kiểm tra. Trong khi đó, cơ quan quản lý chịu trách nhiệm khâu hậu kiểm kêu khó có đủ nhân lực để phát hiện các sai phạm. Trong một cuộc gặp gỡ báo chí gần đây, bà Mai Thị Hương – Trưởng Phòng Quản lý Xuất bản, Cục Xuất bản, In và Phát hành – cho biết mỗi năm cục tiếp nhận từ 28.000 – 30.000 đầu sách phát hành, đó là chưa kể các xuất bản phẩm văn hóa khác. Trong khi đó, phòng chỉ có 10 người kiêm nhiệm nhiều công việc nên không thể đọc kiểm duyệt lưu chiểu hết được. Cũng để thực hiện phần việc này, Phòng Quản lý Xuất bản có một tổ cộng tác viên gồm 12 người có kinh nghiệm làm xuất bản, biên tập. Tuy nhiên, theo bà Hương, số sách mà cục đọc hậu kiểm khó lòng đạt được 50% tổng số đầu sách nộp lưu chiểu.
Lãnh đạo Cục Xuất bản cho hay sẽ xử lý nghiêm đối với sai phạm của NXB Lao động – Xã hội trong việc phát hành cuốn Bộ Luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành. Liên quan đến quản lý xuất bản nói chung, Bộ TT-TT đang soạn thảo thông tư hướng dẫn, trong đó quy định đối tác liên kết xuất bản cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chưa biết việc quy định cộng đồng trách nhiệm của các đối tác liên kết xuất bản có hạn chế được tình trạng sai phạm trong xuất bản như hiện nay.
Theo NLĐ
Bình luận (0)