Y tế - Văn hóaThư giãn

Khôi nguyên vọng cổ

Tạp Chí Giáo Dục

NSƯT Minh Vương được công chúng ngưỡng mộ không chỉ bởi giọng ca trầm ấm, làn hơi cao vút mà còn do sự trải nghiệm đáng quý của một người đi lên từ phong trào đờn ca tài tử

Con đường đến với nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) của NSƯT Minh Vương (tên thật là Nguyễn Văn Vưng) đầy bất ngờ. 50 năm trước, trong một lần đi ngang cầu Chữ Y (quận 8, TP HCM) để vớt lăng quăng về cho cá ăn, ông tình cờ nghe được tiếng đờn của nghệ nhân Bảy Trạch. Từ đó, ông bước chân vào con đường nghệ thuật.
“Thính phòng” của miền Nam
Nhắc đến ĐCTT, người ta thường nghĩ ngay đến xứ miệt vườn nhưng với NSƯT Minh Vương, đây là thể loại “thính phòng” đặc thù của miền Nam, cũng như ca trù của miền Bắc và ca Huế của miền Trung. Với người Nam Bộ, ĐCTT đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống lâu đời.

NSƯT Minh Vương (trái) và NSƯT – nhạc sĩ Ba Tu
“Hồi đó, khi xin thầy Bảy Trạch vào học ĐCTT rồi được cho đi ca ở các điểm sinh hoạt, tôi học hỏi rất nhiều ở cách ca theo nhịp, theo khuôn nhưng phải biết ngân nga, luyến láy, thêm thắt cho phong phú. Sau quá trình gắn bó với ĐCTT, tôi mới được thầy Bảy Trạch quyết định cho đi thi. Năm 1964, tôi tham dự cuộc thi Khôi nguyên vọng cổ và đoạt giải nhất, lãnh thưởng được 10.000 đồng” – NSƯT Minh Vương kể. Từ giải thưởng đó, Minh Vương được ông bầu Long, chủ gánh hát Kim Chung, thu nhận và trả 200.000 đồng/2 năm.
NSƯT Minh Vương hướng dẫn các diễn viên trẻ
NSƯT Minh Vương hướng dẫn các diễn viên trẻ
Thành danh rất sớm, đến nay đã tròn 50 năm, nhìn lại tấm bằng Khôi nguyên vọng cổ 1964, NSƯT Minh Vương tâm nguyện: “Dù là ngôi sao, một thời làm bầu gánh, rồi có lúc đem kinh nghiệm để dàn dựng, chỉ đạo nghệ thuật hoặc ngồi ghế ban giám khảo nhưng tôi vẫn một lòng tôn kính ĐCTT”. Một số nghệ sĩ ngại tham gia ĐCTT khi bộ môn này bị biến chất, gắn với các đám tiệc, riêng NSƯT Minh Vương vẫn có mặt khi nhận được lời mời và cố gắng điều chỉnh các cuộc vui để trả ĐCTT về với không gian đúng nghĩa.
Theo NSƯT Minh Vương, ai đã từng sống hay có dịp về ĐBSCL, nhất là vào những đêm trăng thanh gió mát, dịp cúng tế hay đám tiệc thì đều có thể được thưởng thức ĐCTT. Bộ môn này có thể trình diễn ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào; trang phục thường giản dị, không câu nệ. “Có người hiểu lầm rằng chữ “tài tử” nghĩa là không chuyên nghiệp, mang tính giản dị của dân gian và của người nghiệp dư. Tuy nhiên, hiểu rõ sẽ thấy những tài tử chính thống hễ vui, ngẫu hứng thì đàn hát chơi, chứ không ai có thể bỏ tiền ra mua được giọng ca, tiếng đàn của họ” – NSƯT Minh Vương nói.
Không quy định nào bắt buộc một buổi ĐCTT phải có bao nhiêu người và không theo chương trình sắp sẵn mà những người đồng điệu gặp nhau, cao hứng muốn đàn bản gì là tất cả cùng hòa nhịp. “Tôi từng tham gia đủ các phong cách ĐCTT và đem vào áp dụng cho vai diễn. Nhờ vậy mà những vai diễn cải lương như: Nguyễn Trãi (Rạng ngọc Côn Sơn), Minh (Tô Ánh Nguyệt), Luân (Đời cô Lựu)… có chất liệu riêng được lấy từ ĐCTT” – NSƯT Minh Vương thổ lộ.
Nương theo tiếng đàn
Khác với ca trù hay ca Huế, trong nghệ thuật ĐCTT của Nam Bộ, dàn nhạc được chú ý hơn tiếng ca. Theo NSƯT Minh Vương, nghệ sĩ của sàn diễn cải lương phải lưu ý điều này để chú trọng vào chữ đàn nhấn nhá mà biết cách sắp chữ duyên dáng và cách xuống hò ngọt ngào, uyển chuyển.
NSND – soạn giả Viễn Châu nhận xét: “Minh Vương có những cách tô điểm đặc thù trong ca vì đã từng sống với ĐCTT từ nhỏ. Thông thường, trong các loại nhạc, tô điểm là điều không bắt buộc nhưng với ĐCTT, chính những cách tô điểm đặc thù, nhất là cách đàn chữ “xang”, tạo nên bản sắc, giá trị tinh tế của môn nghệ thuật này. Trong thang âm hơi Bắc, những chữ xự – cống phải rung, hò – xang – xê mổ. Trong thang âm hơi Quảng thì ngược lại, xự – cống phải mổ, hò – xang – xê rung… Minh Vương am hiểu điều đó nên giải Khôi nguyên vọng cổ chính là nấc thang để anh mày mò, học hỏi và lĩnh hội thêm cho việc nâng cao nghề nghiệp”.
Khi ngồi vào ghế giám khảo, nhờ có “lỗ tai” của anh kép, NSƯT Minh Vương có thể nhận ra ngay thí sinh nào ca chênh dây, lệch nhịp. Nếu ĐCTT có 4 cách đàn chữ “xang” thể hiện các hơi ca một cách rõ ràng như: hơi Bắc vui vẻ; hơi Quảng rộn ràng, liến thoắng; hơi Xuân êm đềm thanh thản và hơi Ai, hơi Oán buồn thảm thì NSƯT Minh Vương đều thể hiện rõ các cấu trúc sinh động đó.
Kỳ tới: Nông dân mê cổ nhạc
Những đóng góp thầm lặng
Ít ai biết trong 11 lần Hội Sân khấu TP HCM tổ chức Giải thưởng Trần Hữu Trang, NSƯT Minh Vương đều tham gia, khi là khách mời biểu diễn hoặc phụ diễn cho thí sinh, khi thì làm thành viên hội đồng giám khảo. Khi cùng NSND Lệ Thủy xây dựng Sân khấu Vàng (ông đã từng được bạn đọc Báo Người Lao Động bình chọn Giải Mai Vàng 2009 với vai Hoàng trong vở Lá sầu riêng), NSƯT Minh Vương luôn truyền đạt kinh nghiệm diễn xuất và những hiểu biết về ĐCTT cho các bạn diễn trẻ. Sắp tới, ông sẽ tham gia với Sân khấu Sen Hồng, giới thiệu ĐCTT tại khu B Công viên 23-9 và thực hiện album giới thiệu 20 bài tổ, gồm 6 bài Bắc: Tây Thi, Cổ bản, Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Xuân tình chấn hay Xuân tình điểu ngữ; 3 bài Nam: Nam xuân, Nam ai, Nam đảo hay Đảo ngũ cung; 4 bài Oán: Tứ đại oán, Phụng cầu, Giang nam, Phụng hoàng và 7 bài lớn: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, Vạn giá.
“Những việc làm nhỏ của tôi hy vọng sẽ góp phần với nhiều thế hệ giữ gìn và bảo tồn vốn quý của cha ông” – NSƯT Minh Vương bày tỏ.
Theo NLĐ

 

Bình luận (0)