Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim tài liệu Hồ Chí Minh – Con đường phía trước: Theo dấu chân lịch sử

Tạp Chí Giáo Dục

Phim tài liệu Hồ Chí Minh – Con đường phía trước với những câu chuyện chưa từng được kể sẽ mang đến cái nhìn khái quát, chân thật về khoảng thời gian lần đầu tiên Bác Hồ đến Liên Xô. Phim sẽ được phát sóng vào lúc 20 giờ 45 các ngày 31-8 và 1-9 trên HTV9.

Tượng đài Bác Hồ được khánh thành tại Nga ngày 30-6-2023 . Ảnh: TFS

Tượng đài Bác Hồ được khánh thành tại Nga ngày 30-6-2023 . Ảnh: TFS

Những thước phim quý

Bộ phim do Hãng phim Truyền hình TPHCM – TFS thực hiện (biên kịch, đạo diễn Quang Thịnh) là tác phẩm đặc biệt kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, kỷ niệm 100 năm lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đặt chân đến Liên Xô (1923-2023).

Phim gồm 2 tập (20 phút/tập). Tập 1 Khoảng trắng lịch sử, câu chuyện bắt đầu từ dòng sông Neva ở TP Saint Petersburg. Từ Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tìm cách sang Đức. Và trên con tàu Karl Liebknecht, Người đã lên đường đến Petrograd (nay là Saint Petersburg – cái nôi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại). Những tài liệu về quãng thời gian Nguyễn Ái Quốc ở Petrograd không nhiều, các hồ sơ còn sót lại ghi chép không rõ ràng, nhưng trong đó vẫn còn dấu thị thực về việc nhập cảnh vào Petrograd ngày 30-6-1923 của người thợ ảnh “Chen Vang” (bí danh của Bác khi đó).

Ở tập 2, Từ Liên Xô đến hành trình 100 năm không chỉ nói về những hoạt động của Người ở Moskva, mà còn làm rõ được dấu ấn, tình cảm của Bác dành cho đất nước này, cũng như của người dân Nga đối với Bác trên hành trình đi tìm con đường cứu nước vĩ đại của mình. Tại Moskva vẫn còn những địa điểm mang dấu ấn, tên gọi của Bác – là minh chứng rõ nét cho tình cảm của người dân Nga đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ê kíp cũng ghi lại buổi khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Saint Petersburg vào ngày 30-6-2023. Đây là bức tượng thứ 5 của Bác Hồ được đặt tại nước Nga.

Trong quá trình thực hiện bộ phim, đoàn phim cũng có cơ hội gặp gỡ, phỏng vấn nhiều khách mời để làm rõ hành trình của Người: GS-TS Hoàng Chí Bảo (Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương), PGS-TS Hà Minh Hồng (Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM), ông Ngô Đức Mạnh – Đại sứ Việt Nam tại Nga (nhiệm kỳ 2018-2021), ông Vyacheslav Kalganov – Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại TP Saint Petersburg, ông Dương Chí Kiên – Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga, bà Natalya Osennova – Giám đốc Trường 488 Saint Petersburg.

Hành trình theo chân Bác

Theo đạo diễn Quang Thịnh, việc thực hiện bộ phim là một hành trình đáng nhớ khi được tìm về những dấu mốc lịch sử, được tận mắt thấy những gì liên quan đến quá trình Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng ở đây. Những thông tin dù ít ỏi cũng là những tư liệu, hiện vật, hình ảnh vô cùng quý giá cho ê kíp. Trong hơn 2 tháng thực hiện bộ phim, ê kíp đã có 10 ngày tác nghiệp tại Nga.

Tuy nhiên, đoàn phim cũng đối mặt với hai thử thách rất lớn. Thứ nhất, những thông tin về quá trình hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc ở Saint Petersburg thời gian này rất ít, bởi Người đến đây dưới hình thức bí mật và mang một tên gọi khác. Do đó, việc xác minh thông tin chính xác, hợp lý với mốc thời gian Người ở Saint Petersburg là rất khó khăn. Thứ hai, bộ phim sẽ được kể như thế nào để không chỉ là một thước phim lịch sử đơn thuần mà còn gây xúc động cho người xem.
“Từ Saint Petersburg đến Moskva, chúng tôi cũng đã được sống lại chặng đường mà Người đã đi cách đây 100 năm, được ghi lại những hình ảnh quý giá ở Moskva và được tận mắt chứng kiến, cảm nhận tình cảm người dân Nga dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh"- Đạo diễn Quang Thịnh

“Là một người trẻ, khi tiếp cận với dòng phim tài liệu lịch sử, tôi sẽ có cơ hội được nhìn câu chuyện ấy dưới một góc độ khác, với những suy nghĩ và cách thực hiện trẻ trung, mới mẻ hơn để làm sao khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ, sẽ thấy lịch sử Việt Nam, nhất là những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác là những câu chuyện rất cuốn hút với những chi tiết vẫn còn là bí ẩn”, đạo diễn Quang Thịnh cho biết.

Anh dẫn chứng, hầu hết mọi người chỉ được nghe và được học nhiều về những hoạt động của Bác ở Moskva, còn hành trình ở Saint Petersburg vẫn còn những bí mật. Chính vì vậy, ê kíp làm phim đã cố gắng để giải đáp những câu hỏi như: Vì sao Bác có thể qua mắt được mật thám Pháp để bí mật đến Liên Xô tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản V? Bác đã làm gì trong thời gian đầu ở Saint Petersburg?…

Đạo diễn Quang Thịnh cũng chia sẻ, có thể sẽ có những sự khác nhau trong những đáp án đoàn phim tìm thấy, nhưng chính sự khác nhau đó sẽ làm phong phú thêm những nguồn tư liệu về cuộc đời cách mạng của Bác, sẽ có thêm những thông tin quý giá để chúng ta có thể giải mã được những bí ẩn và làm rõ hơn cuộc đời của một vị lãnh tụ kiệt xuất.

Theo Văn Tuấn/SGGPO

Bình luận (0)