Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phạm Tuyên: ‘Quan trọng là đứng trong lòng quần chúng’

Tạp Chí Giáo Dục

Tác giả của “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vinh dự nhận danh hiệu Công dân ưu tú thủ đô tối 10/10. Ông cũng đang có tên trong danh sách xét duyệt của Hội đồng cấp Nhà nước đợt tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhận bằng chứng nhận Công dân ưu tú thủ đô tối 10/10 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

Phạm Tuyên dành cho phóng viên một cuộc nói chuyện cởi mở chỉ vài giờ trước khi đi nhận giải. Căn nhà tập thể cũ tầng ba ở phố Vạn Bảo, trên biển đề hai chữ Phạm Tuyên, đồ đạc không có gì nhiều nhặn. Phạm Tuyên tiếp khách tại thư viện nhỏ trong nhà, nâng niu hãnh diện giới thiệu từng tuyển tập nhạc của mình và những tập sách viết về cha – nhà báo Phạm Quỳnh.

Giải thưởng: Được thì vui không được cũng chẳng buồn

Khi dư luận xôn xao về việc một nhạc sĩ cách mạng lão thành cả đời cống hiến cho âm nhạc như Phạm Tuyên không có tên trong đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, thì chính người trong cuộc lại bình chân như vại. Các con ông bảo bố: “Bố không phải quan tâm. Giải thưởng lớn nhất của bố là chỗ đứng trong lòng quần chúng”. Điều này đúng với những gì ông luôn tâm niệm. Khi sáng tác ông chỉ quan tâm tới việc, tác phẩm của mình mang lại được gì cho người nghe. “Có những người khoe ra mình viết bao nhiêu tác phẩm, có bao nhiêu huy chương nhưng những sáng tác của họ chẳng mấy ai biết tới. Như thế cũng chẳng để làm gì” – vị nhạc sĩ 82 tuổi nhận định.

Ngồi tủm tỉm cười, Phạm Tuyên kể, khi không thấy tên ông trong danh sách giải thưởng, một người bạn từ TP HCM gọi ra cho ông bảo: “Nếu anh không được giải, anh buồn một, tôi buồn mười”. Thành ra Phạm Tuyên từ tư thế người được an ủi lại phải trở thành người động viên: “Anh yên tâm đi. Tôi có buồn đâu”. Nhưng trước sự quan tâm của công luận, Phạm Tuyên được bổ sung vào danh sách xét giải. 11 trong số 12 người của Hội đồng cấp Bộ (một người đi công tác nước ngoài nên vắng mặt) đã bỏ phiếu đồng ý trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho Phạm Tuyên. Nhà thơ Trần Đăng Khoa gọi điện cho ông nói chắc như đinh đóng cột: “Chú yên tâm, lần này giải thưởng không thể nào chệch được”. Thế nhưng ông cũng chẳng bị sự náo nức tác động tới. “Chậm hay nhanh tôi không quan tâm. Tôi chẳng sốt ruột gì cả. Tôi sáng tác mấy chục năm nay rồi, có phải chỉ ngồi chờ được giải thưởng đâu” – Phạm Tuyên cười hiền từ.

Cách đây bốn ngày, ông biết mình có tên trong danh sách Công dân ưu tú thủ đô. Nhiều người đùa ông, 2011 đúng là năm song hỷ – cùng lúc được đề cử hai giải thưởng danh giá nhất. Phạm Tuyên cho rằng, ông được nhận danh hiệu Công dân ưu tú thủ đô không chỉ bởi viết nhiều bài hát về Hà Nội – bởi tự tổng kết, ông thấy số lượng sáng tác về Hà Nội của mình vẫn còn thua nhiều nhạc sĩ khác. Theo ông, nguyên nhân lớn hơn là trong vòng 15 năm làm Chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội, ông đã có nhiều đóng góp cho đời sống âm nhạc thủ đô, kết nghĩa với TP HCM, Huế để vận động các nhạc sĩ miền Nam, miền Trung cùng viết về Hà Nội; và các nhạc sĩ Hà Nội viết về hai khúc ruột của đất nước đúng theo câu: ‘Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội’. Điều kỳ lạ là, những ca khúc ông vốn viết riêng cho Hà Nội như Từ một ngã tư đường phố – khi thủ đô là địa phương duy nhất trong cả nước có đèn xanh, đèn đỏ hay Trường chúng cháu đây là trường mầm non – viết cho trường mầm non Hàng Bông… cuối cùng đều trở những ca khúc chung cho cả nước. Giọng vị nhạc sĩ sinh ra ở phố Hàng Da hãnh diện khi nói về danh hiệu Công dân ưu tú thủ đô. “Rõ ràng không được thì không buồn nhưng khi sự đánh giá của cơ quan thẩm định phù hợp với đánh giá của quần chúng thì còn gì tuyệt hơn” – Phạm Tuyên hào hứng.

Ở tuổi 82, ông vẫn rất mạnh khỏe, minh mẫn và luôn khiến người đối diện ngạc nhiên bởi sự hóm hỉnh, vui tính.

Muốn xóa bỏ cơ chế xin cho trong xét tặng giải thưởng

Với Phạm Tuyên, giải thưởng nhất định không thể là thứ vận hành theo cơ chế xin – cho. Chính vì vậy, ông kiên quyết không chịu làm đơn xin xét giải. “Người ta bảo tôi cung cấp tư liệu cho họ thì tôi cung cấp chứ nói làm đơn xin là không bao giờ tôi chấp nhận. Tôi cho rằng báo chí bức xúc nhân trường hợp của tôi bởi họ cũng nhìn thấy bất cập từ cơ chế xin cho bao cấp còn tồn tại đến ngày nay. Chúng ta phải cùng phấn đấu làm sao để cơ chế xin cho chấm dứt sau đợt xét duyệt này. Giải thưởng không phải là cuộc thi mà là sự thẩm định của đời sống” – Phạm Tuyên khẳng định.

Rồi ông hùng hồn chứng minh lý lẽ của mình: “Tại sao cứ phải 5 năm trao một lần và phải mấy huy chương vàng mới được. Trịnh Công Sơn đấy, có huy chương vàng, có giải thưởng nào đâu mà ai cũng nghe nhạc của ông?”. Ông thấy thương cho Bùi Công Duy – tài năng violin trẻ được bốn giải quốc tế nhưng bị gạt khỏi danh sách xét phong nghệ sĩ ưu tú, thấy không vừa lòng với Hội đồng xét duyệt giải thưởng. Theo Phạm Tuyên, không thể chấp nhận những bất cập kiểu người học đại học ngồi vào hội đồng chấm giải cho tiến sĩ và không nên trì hoãn việc trao giải thưởng cho nghệ sĩ khi họ còn trẻ. “Khi người ta đang tràn đầy năng lượng, trao giải thưởng là cách thúc đẩy họ cống hiến nhiều hơn. Trao giải cho những người già như tôi nhiều khi cũng hơi bị phí” – Phạm Tuyên hài hước.

Thêm một điều Phạm Tuyên chưa hài lòng với việc trao giải thưởng hiện nay là đòi hỏi cụm tác phẩm sau phải có giá trị hơn cụm tác phẩm trước. Theo ông, đây là một điều vô lý bởi nghệ sĩ khi được xét Giải thưởng Nhà nước, có những tác phẩm tiêu biểu nào đã mang hết ra kê khai rồi. Việc vượt qua chính mình là điều vô cùng khó khăn. Trong trường hợp Phạm Tuyên, ông vĩnh viễn không thể viết được một bài tương tự Như có Bác trong ngày vui đại thắng bởi việc ra đời của bài hát được quy định bởi lịch sử. Khi đã kê khai Như có Bác trong ngày vui đại thắng ở Giải thưởng Nhà nước năm 2002, Phạm Tuyên không thể lại đem nó ra kê khai tại Giải thưởng Hồ Chí Minh. Cụm tác phẩm lần này của ông bị nhiều người cho rằng không tiêu biểu bằng lần trước và như thế là mâu thuẫn với tiêu chí giải thưởng.

Những giải thưởng với các nghệ sĩ mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn vật chất. Năm 1985, Phạm Tuyên được trao Huân chương lao động cho việc sáng tác ra ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng. Khi lên nhận bằng khen, ông nói đùa với Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam: “Còn gì nữa không anh” – ông giám đốc bảo: “Còn có cả khung và cả kính nữa”. Lần ấy, Phạm Tuyên lỗ to. Vào Sài Gòn anh em nghệ sĩ nào cũng đòi ông “đi rửa huân chương” trong khi tiền thưởng không có một xu. Về đến Hà Nội, Phạm Tuyên bàn với vợ, nhà có mấy con gà giết nấu cháo mời bạn bè đến ăn coi như khao.

Phạm Tuyên được đề cử Giải thưởngHồ Chí Minh năm 2011 với cụm 5 tác phẩm: "Những ngôi sao ca đêm", "Từ làng Sen", "Đêm trên Cha Lo", "Tiến lên Đoàn viên", "Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng".

Không còn người để chia vui

Nhắc đến vợ, giọng Phạm Tuyên chợt trùng xuống. Hai người quen nhau từ ngày cùng tham gia văn nghệ ở khu kháng chiến, kết hôn năm 1957 cùng nhau vượt qua bao khó khăn trong nửa thế kỷ chung sống, từ ngày gia đình 4 người ở chật chội trong căn nhà tập thể cũ rộng 26 mét vuông, đến khi được chính phủ cấp cho căn hộ rộng hơn, khang trang hơn ở Vạn Bảo.

Phạm Tuyên kể, vợ ông là phó giáo sư tâm lý học nhưng rất yêu thích nghệ thuật. Chính bà là người hỗ trợ ông khi viết những ca khúc cho thiếu nhi. “Ban đầu tôi chỉ viết theo cảm tính. Về sau, nhờ đọc những sách nghiên cứu tâm lý trẻ em của bà ấy, tôi viết được hay hơn, phù hợp với các em nhỏ hơn” – Phạm Tuyên ngậm ngùi. Với Phạm Tuyên, vợ không chỉ là người nâng khăn sửa túi mà còn là bạn tri âm. Hai năm trước bà mất, ông rơi vào sự cô đơn trống trải mà theo ông, “không thể nói bằng lời”.

Dường như, bà dự đoán trước được việc mình sẽ ra đi. Những ngày cuối, thấy vợ miệt mài bên máy tính, Phạm Tuyên tưởng vợ chấm thi nghiên cứu sinh. Sau này khi bà qua đời, ông mới biết, bà viết hồi ký. Phạm Tuyên trân trọng hồi ký của vợ lắm, ông đưa cho những nhà phê bình văn học xem, ai cũng đánh giá cao. Hiện cuốn hồi ký đang được nhà thơ Trần Đăng Khoa biên tập để chuẩn bị xuất bản.

Khi vợ còn sống, Phạm Tuyên ngày ngày vẫn đi xe máy tham dự công việc của Hội nhạc sĩ. Sau khi vợ mất, các con ông bắt bố đi taxi, những hoạt động vì thế cũng giảm. Sống trong ngôi nhà nhiều kỷ niệm cùng một người giúp việc, Phạm Tuyên tìm niềm vui bên những trang sách. Ông bảo, đến tuổi này sở dĩ ông vẫn còn giữ được sự minh mẫn, thông tuệ chính là nhờ nếp nhà. Thói quen đọc sách mỗi ngày ba tiếng được truyền lại từ cụ thân sinh ra ông – nhà báo Phạm Quỳnh. Cha mất khi mới mười mấy tuổi, Phạm Tuyên vẫn noi theo tấm gương học tập, nghiên cứu của cha. Ông tự hào vì Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời rất quý trọng Phạm Quỳnh.

Hai cô con gái của Phạm Tuyên đều được cha cho học piano. Người học 11 năm, người học 5 năm nhưng chẳng ai đi theo con đường nghệ thuật. Một cô làm ngành dầu khí, một cô là biên tập viên truyền hình. Phạm Tuyên cho rằng, đó cũng là một điều hay. Theo Phạm Tuyên, học nhạc không nhất thiết phải theo nghệ thuật, bởi nó cũng giống như một môn học dạy ta về nhân cách.

Ngọc Trần (Theo VNE)
Ảnh: Nguyễn Hưng

Bình luận (0)