Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình TPHCM 2010 – Sức lan tỏa ngày càng cao

Tạp Chí Giáo Dục

Bước vào năm thứ 20, cuộc thi Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình TPHCM đã trở thành một thương hiệu mạnh của Đài Truyền hình TPHCM.

Thí sinh Tiếng hát Truyền hình 2010 Đoàn Phương Thảo (trái) và Đỗ Xuân Sơn.

Chào mừng sự kiện cuộc thi Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình TPHCM bước vào tuổi 20, đi kèm với cuộc thi, Ban tổ chức (BTC) đã thực hiện các trang nhật ký về cuộc thi này, điểm lại hành trình suốt 20 năm cuộc thi đã đi qua. “Các trang nhật ký tạo nhiều cảm xúc không chỉ cho chúng tôi, những người thực hiện chương trình, mà còn là của tất cả khán giả”. Ông Nguyễn Quý Hòa, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình TPHCM, Trưởng BTC cuộc thi trong 12 năm liền, chia sẻ.

Xem các trang nhật ký, hình dung lại một chặng đường dài mà chương trình đã đi qua để thấy sự phát triển về kinh tế, xã hội, sinh hoạt của người dân thành phố và ở các tỉnh, thành trong cả nước. Nhìn lại những chương trình đã qua để thấy cuộc thi đã có những bước phát triển về cả tầm vóc và cách tổ chức.

Năm nay, cuộc thi có nhiều đổi mới bằng việc các thí sinh hát theo chủ đề trong từng đêm thi (thay vì hát theo dòng nhạc như những năm trước). Hội đồng nghệ thuật trong phần nhận xét còn cho khán giả, thí sinh biết thêm những thông tin xoay quanh về tác giả, tác phẩm và hoàn cảnh ra đời của ca khúc. Những đêm thi có chủ đề về Thăng Long – Hà Nội, về TPHCM, nhạc truyền thống cách mạng… đã thật sự đem lại cho khán giả sự thích thú, bất ngờ. Cũng qua đó các em thí sinh hiểu hơn, yêu mến hơn các ca khúc này. Ngoài chuyện thi cử, mỗi năm BTC đều có những hoạt động bên lề cuộc thi như: tổ chức cho các thí sinh đi thăm mái ấm tình thương, nhà mở, bệnh viện…

Năm nay, vì trong các vòng thi có đêm thi với chủ đề “Nhạc truyền thống cách mạng”, BTC đã đưa các thí sinh đến thăm địa đạo Củ Chi để hiểu và yêu thêm truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc, của nhân dân. Từ chuyến đi thực tế trở về, các em hình như có nhiều cảm xúc hơn, hát hay hơn các ca khúc cách mạng vốn là “mảng đề tài” khó với tuổi đời còn trẻ của các em.

Ông Nguyễn Quý Hòa nhìn nhận: “Điều chúng tôi trăn trở chính là thí sinh rất ít hát những bài hát truyền thống cách mạng, nên BTC cố gắng định hướng cho các em bằng cách để các em tham gia các hoạt động xã hội, thăm di tích lịch sử cách mạng, trang bị cho các em những trải nghiệm nho nhỏ về truyền thống, tạo cảm xúc cho các em khi thể hiện bài hát”.

Ngoài thành tích đạt được trước khi đến với cuộc thi này, những thí sinh dự vòng chung kết cuối cùng đã cho thấy các em không chỉ hát hay mà còn có sự rèn luyện, học hỏi không ngừng. Hòa nhập vào cuộc thi trong một thời gian dài (vòng chung kết bắt đầu từ 4-11 đến 5-12), thí sinh đã phần nào được tôi luyện về bản lĩnh sân khấu, kinh nghiệm trình diễn. Tới thời điểm này, thí sinh nào đoạt giải cũng đều xứng đáng. Không chỉ là giải thưởng bằng tiền khá cao với giá trị 40 triệu đồng cho giải nhất, mà giải thưởng còn là sự cọ xát, sự trưởng thành từng ngày.

Suốt 20 năm qua, hầu hết các thí sinh đoạt giải từ cuộc thi Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình TPHCM đã có những vị trí nhất định trong làng ca nhạc thành phố, tạo dựng được tên tuổi và được khán giả yêu mến như: Thanh Thúy, Đàm Vĩnh Hưng, Bouneur Trinh, Đoan Trang, Đức Tuấn, Hạ Trâm…

Với mục đích tìm kiếm, giới thiệu cho làng ca nhạc những tiềm năng, tài năng, khả năng ca hát, 20 năm qua, cuộc thi Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình TPHCM đã làm rất tốt và đang ngày càng có sức lan tỏa trong đời sống âm nhạc cả nước và trong chính đời sống của người dân TPHCM.

Như Hoa (Theo SGGP)

Bình luận (0)