Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhạc thiếu nhi: Đang “sung sức” bỗng lụi tàn

Tạp Chí Giáo Dục

Việc bác sĩ – nhạc sĩ Minh Đức (hội viên Hội Âm nhạc TP.HCM) ra mắt album nhạc thiếu nhi Bé giỏi mẹ thương dành tặng con gái Khánh Thy và các bé nhân dịp Trung thu này đã khiến nhiều người “giật mình” tự hỏi: Đã bao lâu rồi các em nhỏ mới có được một album toàn những ca khúc mới sáng tác dành cho lứa tuổi của mình?

Một số album ca nhạc thiếu nhi mới, hiếm hoi được phát hành thời gian qua

Nói vậy không có nghĩa là khó tìm được những sản phẩm âm nhạc dành cho thiếu nhi trên thị trường. Nhưng phần lớn là những sản phẩm của hơn… chục năm về trước!

20 năm trước, nhà trẻ, nhà văn hóa thiếu nhi chính là “thánh đường” của nhạc thiếu nhi. Chẳng ai buồn mang “thánh đường” đó về nhà cho đến khi Bến Thành audio – video liều mình phát hành sản phẩm Cả nhà thương nhau dưới định dạng băng cassette vào năm 1993.

Từ một quá khứ huy hoàng

Vài trăm ấn bản được tiêu thụ nhanh chóng (điều không tưởng vào thời bấy giờ và cả thời nay) khiến Bến Thành audio – video liều thêm lần nữa: thực hiện băng video Cả nhà thương nhau với các clip nhạc có karaoke. Và đó chính là sản phẩm đã mở ra thời hoàng kim cho dòng nhạc thiếu nhi với sự xuất hiện của hàng loạt “ca sĩ nhí” đáng yêu như Diễm Quyên, Ngọc Linh, Quang Vinh, Duy Uyên, Ngọc Châu, Quỳnh Anh, Hoàng Oanh…

Tất cả đều xuất thân từ các câu lạc bộ đội nhóm ở những trung tâm văn hóa TP, quận huyện. Những giọng ca này gắn liền với với các bài “hit” Cả nhà thương nhau, Ngày đầu tiên đi học, Mẹ đi vắng, Bố là tất cả… được cả thiếu nhi lẫn người lớn thuộc lòng.

Ngay như trường hợp của Xuân Mai – vốn không xuất thân từ lò dạy hát ở các nhà thiếu nhi – cũng nổi lên như một hiện tượng với Con cò bé bé khi mới 3 tuổi. Và chính giọng ca thiếu nhi Xuân Mai đã tạo nên một hiện tượng đáng ngưỡng mộ trong giai đoạn hoàng kim này: một mình phát hành 15 chương trình Con cò bé bé. Nhưng đó là quá khứ…

Còn hiện tại, thỉnh thoảng vẫn có lai rai vài album thiếu nhi được xuất xưởng như loạt CD, VCD Đàn gà trong sân 1, 2, 3 của Hãng phim Trẻ; bộ DVD, CD Ca nhạc thiếu nhi đặc biệt của Bến Thành audio – video… Nhưng những sản phẩm này xuất hiện âm thầm và không cạnh tranh nổi với “hàng cũ” nên không mấy ai để ý đến. Ngay album Bé giỏi mẹ thương (Hãng phim Trẻ) cũng chưa chắc gây được sự chú ý nếu như không có phần tham gia của các “ca sĩ nhí” ngày xưa: Ngọc Linh, Hiền Thục, Duy Uyên…

Nhạc thiếu nhi, vì sao “chết”?

Đầu tiên phải kể đến khâu sáng tác nhạc. Một loạt tên tuổi nhạc sĩ từng gắn liền với nhạc thiếu nhi như Trần Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thiện, Vũ Hoàng, Phan Nhân… từ lâu đã không còn mặn mà với chuyện sáng tác nhạc thiếu nhi. Động lực chính và nguồn cảm hứng để các nhạc sĩ sáng tác nhạc thiếu nhi chính là con, cháu trong gia đình. Nay khi các “nguồn cảm hứng” qua tuổi thiếu nhi đã lâu thì cũng là lúc các nhạc sĩ không viết cho thiếu nhi.

Ngoài việc cạn nguồn cảm hứng, các nhạc sĩ (đặc biệt là các nhạc sĩ trẻ, đang nổi tiếng) còn kém hứng thú với nhạc thiếu nhi vì dòng nhạc này hiện không ăn thị trường bằng nhạc teen. Bên cạnh đó, sân chơi ca hát dành cho thiếu nhi tuy không ít nhưng thiếu sức sống và kém hấp dẫn khiến các giọng ca nhí mất “đất diễn” và thiếu nơi tỏa sáng.

Sự “phủ sóng” dày đặc trước đây của Ngọc Linh, Diễm Quyên, Duy Uyên, Xuân Mai, Xuân Nghi, Nguyệt Hằng là nhờ các hãng băng đĩa như Tùng Productions (của nhạc sĩ Trần Thanh Tùng), Bến Thành audio – video, Phương Nam phim, Hãng phim Trẻ… đều đặn ghi âm, quay hình và phát hành ra thị trường. Không chỉ thế, những chương trình ca nhạc thiếu nhi như Tuổi thần tiên cũng được tổ chức định kỳ và quay hình để phát hành băng đĩa.

Chính nạn băng đĩa lậu đã khiến các “nhà đầu tư” kể trên từ bỏ việc thực hiện các chương trình thiếu nhi một cách đều đặn và có chất lượng. Nhiều giọng ca hay được phát hiện sau những cuộc thi, tại các trung tâm văn hóa thiếu nhi đều không có “đầu ra”.

Không phải gia đình nào cũng có “chuyên môn” nghệ thuật như gia đình của Xuân Nghi hay có tiềm lực về kinh tế như Xuân Mai ngày xưa để có thể đứng ra đầu tư thực hiện album cho con mình và móc nối sô cho con đi hát. Quỳnh Chi là một ca sĩ nhí rất tiềm năng, được phát hiện sau cuộc thi Đồrêmí, và hẳn đã thành “sao” nếu sinh vào thời của Xuân Mai.

Ngoài các chương trình kỷ niệm, lễ lạt, liên hoan ca nhạc dành cho thiếu nhi được tổ chức định kỳ và thưa thớt, các giọng ca nhí hầu như không đất diễn. Các ca khúc thiếu nhi vì thế lại thiếu cơ hội để vang lên.

Q.NGUYỄN – M.TRANG (Theo TTO)

Bình luận (0)