Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nghệ sĩ Ái Như: Tôi đã dám rẽ ngang

Tạp Chí Giáo Dục

Thời niên thiếu và thanh niên khó khăn nhưng khi nhìn lại tôi rất tự hào và đôi khi còn cảm ơn sự khó khăn đã đến trong đời để tôi có cơ hội rèn luyện nghị lực. Mẹ tôi luôn động viên các con là nếu mọi thứ đều suôn sẻ, dễ dàng thì mình sẽ không biết quý trọng thành quả đạt được. 

Nghệ sĩ Ái Như trong vở kịch Trần gian phải có tình yêu – Ảnh: Gia Tiến

16 tuổi, tôi học Trường trung học Bùi Thị Xuân buổi sáng, buổi chiều đạp xe ra xa cảng miền Tây mua đường mía (đường chảy, không phải đường cát) về bán lại cho các xe nước mía, tiệm cà phê, quán chè…

Người 39kg, vác bao gạo 40kg như chơi!

Tô phở ngon nhất

Tôi còn nhớ những ngày niên thiếu khi tôi làm việc gì đó tốt, mẹ tôi luôn khen ngợi và động viên theo cách của mẹ – cách của một người mẹ nghèo: dắt tôi đi ăn một tô phở có vài lát thịt.

Bây giờ tôi đã ăn hàng ngàn tô phở trong đời nhưng có lẽ chưa có tô phở nào ngon bằng những tô phở mà mẹ đã cho tôi ăn lúc đó.

Toàn bộ sức mạnh tinh thần và nghị lực sống mà tôi có được chính là nhờ mẹ đã luôn bên cạnh, khen ngợi đúng lúc, chỉ bằng nụ cười, ánh mắt, lời nói và nhiều nhất về vật chất là một tô phở…

Từ nhà tôi ra xa cảng rồi vòng vòng các tiệm xe nước mía cũng khoảng 40km. Ròng rã ba năm dài như vậy, tôi học xong tú tài bằng chính những đồng tiền chắt chiu của mình. Không đóng tiền học thì tôi dùng tiền đó để phụ mẹ chi tiêu trong nhà.

Ba tôi mất sớm. Khi tôi mới 11 tuổi, ba tôi đã không còn trên thế gian. Mẹ tôi một nách hai con nhỏ, thêm bà ngoại già yếu ở cùng. Nhà lại nghèo. Chính vì vậy chị em tôi đã lớn trước tuổi, ai cũng tự ý thức được hoàn cảnh gia đình mình nên không đua đòi, biết vén khéo và tự lập. Thời tôi mười mấy đôi mươi là lúc cả nước khó khăn, nên cũng chẳng có cơ hội so đo, toan tính.

Học xong tú tài, bên cạnh nghề bán đường chảy, tôi có thêm nghề mới: bán gạo. Tôi đạp xe ra Nhà Bè, Phú Xuân mua gạo sỉ rồi đem vào các quận nội thành bán ở các chợ. Lúc đó tôi chỉ có 39kg, nhỏ thó, ốm yếu. Giờ nghĩ lại mới thấy ngạc nhiên vì sao mình lại khỏe như vậy.

Người nặng có 39kg mà vác 30-40kg gạo như chơi. Mà cũng lạ lắm, thời đó tôi chưa bao giờ thấy mình muốn buông xuôi, có lẽ vì sức trẻ làm mình lúc nào cũng thấy phơi phới hăng say. Mình càng thua kém chúng bạn về vật chất thì càng muốn chứng tỏ sự tự lập, sự trưởng thành của mình. Tôi muốn được mọi người nhìn nhận là một người giỏi giang và nghị lực, dù là một cô bé mồ côi cha rất sớm.

Chọn đúng nghề là vui

Khi thi đại học, tôi bị rớt trường đại học tổng hợp khoa Anh vì thiếu 1,5 điểm. Với điểm số này tôi có thể được chuyển sang trường cao đẳng, nhưng tôi không muốn học cao đẳng, thế là vừa học luyện thi lại, vừa làm thêm để có tiền đi học. Tôi định học thêm rồi năm sau sẽ thi vào Trường đại học Y dược. Thế nhưng, khi Trường Nghệ thuật sân khấu 2 tuyển sinh, tôi quyết định rẽ ngang. Sân khấu mới là trường tôi thật sự muốn học. Lúc đó, chọn con đường nghệ thuật là sự lựa chọn khó khăn với tôi vì nó không hề là “thời thượng”.

Thời điểm này vẫn là “nhất y nhì dược, tạm được bách khoa”… Tôi cũng có chút hoang mang và mẹ tôi thậm chí cũng không thích lắm. Nhưng sau này tôi thấy mình đã chọn đúng nghề. Chính vì thế, khi nhìn các bạn trẻ hôm nay lũ lượt thi đại học rồi phấp phỏng đợi kết quả, lòng tôi cứ nôn nao, bồi hồi khó tả. Tôi luôn tự hỏi bao nhiêu người trong số họ đã chọn trường thi đúng với sở trường và kiên quyết đi theo nghề mình thích hay là đi theo trào lưu của xã hội hoặc sở thích của gia đình…

Đã thi đậu và học trường nghệ thuật rồi nhưng dường như số phận vẫn mang đến cho tôi những thử thách mới. Tôi dở dang việc học một lần nữa, cho đến mấy năm sau, khi lập gia đình tôi lại vừa làm vừa đi học. Còn nhớ tôi đã gom góp tiền từ việc bán chiếc xe máy duy nhất của cả hai vợ chồng và bán vé hội chợ hoa xuân Tao Đàn để thực hiện bài thi tốt nghiệp đạo diễn… Sau đó tôi bắt đầu sống với nghề một cách thực thụ và cũng qua một thời tuổi trẻ chật vật…

Thời niên thiếu và thanh niên khó khăn nhưng khi nhìn lại tôi rất tự hào và đôi khi còn cảm ơn sự khó khăn đã đến trong đời để tôi có cơ hội rèn luyện nghị lực. Mẹ tôi luôn động viên các con là nếu mọi thứ đều suôn sẻ, dễ dàng thì mình sẽ không biết quý trọng thành quả đạt được. Những đêm khuya trời đầy sao, mẹ tôi thường chỉ cho chúng tôi những vì sao xa tít tắp và nói rằng mỗi vì sao là một ước mơ của ai đó.

Từ đó, tôi luôn ngước mắt nhìn những vì sao, xác định ước mơ, con đường mình đi và luôn tin những ước mơ đó rồi sẽ thành sự thật, con đường mình đi rồi sẽ đến đích cuối cùng như mình mong đợi… nếu mình đủ nghị lực và cố gắng, cộng thêm một chút cơ may và sự giúp đỡ chân tình của mọi người…

Con đường mình đi, mình chọn hợp với sở thích, nguyện vọng và đúng với khả năng thì dù khó khăn hay dễ dàng, thành công hay thất bại vẫn cho mình niềm hạnh phúc. Tôi cầu chúc những người trẻ tuổi hôm nay, nhất là các bạn trẻ vừa thi rớt đại học, đủ bình tĩnh để tìm thấy chính mình, thấy khả năng thật sự của mình và đủ nghị lực để đi tiếp con đường đã chọn.

LÂM AN (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)