Hoa hậu Việt Nam 2004 không vui khi có dư luận cho rằng, chỉ cần xuất hiện ở một buổi lễ, mỉm cười chụp ảnh là cô nhận được cả nghìn đô.
Nguyễn Thị Huyền cá tính với tóc ngắn… |
– Từ ngày về Việt Nam, không ít đạo diễn ngỏ lời mời chị đóng phim. Tại sao đến giờ chị mới gật đầu với “Lâu đài tình ái”?
– Anh Hoài Linh gọi điện cho tôi bảo: “Đi đóng phim đi, phim hay lắm, anh cũng tham gia. Thầy anh (NSƯT Trần Ngọc Giàu) mà chọn kịch bản và đạo diễn thì em cứ yên tâm”. Trước đó, tôi nhận được rất nhiều lời mời nhưng thường từ chối vì không có thời gian. Tôi chưa đủ đam mê tới mức bỏ công việc để theo phim ảnh. Nhưng khi anh Hoài Linh nói, tôi muốn đọc kịch bản xem hay đến cỡ nào. Tôi vốn rất thích xem anh Hoài Linh diễn, nên có cơ hội được diễn cùng anh cũng làm tôi thích thú.
– Khi hoàn thành những cảnh quay “Lâu đài tình ái”, chị thấy nó khác gì so với 7 năm về trước, khi lần đầu chạm ngõ phim ảnh với “Thời xa vắng”?
– Thời xa vắng là phim nhựa còn Lâu đài tình ái là phim truyền hình. Với phim nhựa, một ngày chỉ có thể đóng hai cảnh, phim truyền hình thì nhanh hơn rất nhiều. Có khi nhanh quá, mình không có thời gian nhập vai vào nhân vật, không diễn từ cảm xúc của nhân vật mà là cảm xúc của mình. May mà tôi và nhân vật Ly của Lâu đài tình ái có khá nhiều điểm chung. Cô ấy không phải người thích đấu đá, bon chen. Khi tình yêu duy nhất bị người khác lấy đi, cô chỉ biết đau đớn chứ không vì thế mà đi giành giật. Nếu tôi buồn hay tức giận điều gì, tôi cũng ít khi nói ra.
– Vậy chị vượt qua nỗi buồn như thế nào?
– Tôi không cố chôn vùi hay quên đi mà chọn cách đi xuyên qua nó. Khi bạn quanh quẩn với nỗi buồn, bạn bị tác động nên luôn có cảm giác lo, sợ, tức giận. Khi chấp nhận nó, bạn bước qua dễ dàng. Cái gì không đánh ngã được mình sẽ làm mình mạnh mẽ hơn.
Quý phái với tóc bới… |
– Nhiều người đẹp có nguồn thu nhập khá lớn từ việc đi dự event. Chị được đồn thổi có cát-xê cho một sự kiện lên đến cả nghìn đô. Thực hư thế nào?
– Đây là chuyện tôi từng bị hiểu nhầm. Thực ra những sự kiện tôi tham gia thời gian qua hoàn toàn chỉ là đi ủng hộ bạn bè thôi. Tôi không vui khi đọc một bài báo về việc người đẹp dự event với giọng văn thiếu thiện chí, kiểu như bạn đẹp nên bạn dễ dàng hốt được tiền thiên hạ. Bài báo đó lấy hình ảnh tôi và Đàm Vĩnh Hưng đến chia vui cùng nhà thiết kế Hoàng Hải và chú thích: “Chỉ cần nhấp môi chút rượu thế này, chỉ cần cười thế này, Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền kiếm được cả nghìn đô”. Tôi lâm vào tình trạng có tiếng mà không có miếng. Tôi gọi cho Hoàng Hải và nói: “Anh trả tiền cho em đi, để em đỡ tức”.
Tôi thấy chuyện người đẹp đi dự event rõ ràng là chuyện làm ăn, hai bên cùng có lợi. Nhà kinh doanh đương nhiên không khờ khạo bỏ ra từng đó tiền để làm việc vô ích. Thu nhập nghìn đô như bài báo đó viết theo tôi vẫn còn là ít. Có được hình ảnh đẹp, uy tín, người đẹp cũng phải học hành, trải nghiệm, vươn lên khẳng định trong nghề nghiệp… Đó là những giá trị vô giá và rất vất vả để đạt được. Người đẹp thì rất nhiều, dao kéo vào cũng đẹp nhưng có phải ai cũng được mời đâu.
Và dịu dàng chân phương khi để tóc dài. |
– Với chị, việc trở thành người của công chúng khó khăn như thế nào?
– Khó lắm. Khi đoạt vương miện, mọi người hỏi sao tôi khóc, chẳng hiểu sao lúc đó tôi đã thấy hai vai nặng trĩu, vui mừng mà cũng lo lắng. Cái áo choàng mình được khoác lên lớn quá trong khi mình lại chưa có nền tảng gì. Sinh viên thi trượt học lại là chuyện bình thường nhưng nếu Hoa hậu mà thi trượt người ta tha hồ bàn ra tán vào. Tôi ngồi trong lớp nhưng phóng viên đứng kín ở ngoài cửa sổ, không thể nào học được.
Khi sang Anh du học, tôi rất sung sướng, mấy năm trời chẳng ai biết mình là Hoa hậu. Chỉ buồn phải sống xa gia đình. Những lúc ấy, tôi hiểu người thân có ý nghĩa thế nào. Vì thế, khi đọc bài báo về nhà văn Lê Lựu trên VnExpress, trong phần ý kiến bạn đọc có chia sẻ xúc động của anh Ngô Thế Quân – người đóng vai Giang Minh Sài trong phim Thời xa vắng, tôi cũng viết một bài cảm nhận thật dài nhưng lại xóa đi. Có những nỗi đau và những sự chia sẻ không thành lời.
Lý do câu chuyện của bác cũng như thực hư thế nào tôi không bàn tới, nhưng nếu người thân từ bỏ mình vì bất cứ điều gì, con người ta cũng rất cô đơn và đau khổ. Cả thế giới này có ruồng bỏ mình cũng không đáng sợ bằng người thân ruồng bỏ.
– Đã khi nào chị trải qua hoàn cảnh tương tự?
– Cho tới giờ, tôi bị duy nhất một lần. Tôi bị chứng hay nôn từ lúc còn nhỏ cho tới tận bây giờ. 10 năm trước, tôi bắt đầu bị nôn thường xuyên, cứ thay đổi thời tiết hoặc bất ổn tâm lý là tôi cũng bị nôn.
Thấy tôi nôn ọe liên tục, mẹ không nghĩ tôi hư hỏng, nhưng lo lắng tôi gặp chuyện không may như bị lạm dụng tình dụng hay bị ép dùng ma túy nên bắt tôi đi xét nghiệm. Ban đầu tôi cười lớn và còn trêu vì nghĩ mẹ đùa, sau thấy mẹ cứ nằng nặc bắt đi thì tôi bắt đầu cáu vì cho rằng mẹ không tin tưởng và không tôn trọng mình. Hôm đó, hai mẹ con tôi nói chuyện rất nhiều và tôi chấp nhận đề nghị của mẹ với điều kiện: “Khi mọi chuyện sáng tỏ, từ nay mẹ phải tin con tuyệt đối”. Tôi cho rằng chính những chuyện hiểu lầm khiến con người ta xa nhau chứ không phải sự khác biệt về tính cách.
– Những trải nghiệm đã qua mang đến cho chị cách nhìn như thế nào trên cương vị giám khảo Hoa hậu Thế giới người Việt?
– Năm nay, với cương vị là giám khảo, tôi mong sẽ giúp được phần nào cho việc chọn ra người xứng đáng nhất. Những gì tôi đã trải nghiệm giúp tôi hiểu tâm lý thí sinh hơn, biết thông cảm hơn và có lẽ cũng biết được khi nào các bạn là chính mình, khi nào là "diễn". Tôi có lời khuyên cho các thí sinh tham gia thi người đẹp: hãy là chính các bạn, vì những người ngồi chấm điểm đã sống gấp đôi, gấp ba tuổi các bạn, bạn không thể che giấu bản thân mình dù có "diễn" thế nào đi nữa.
Ngọc Trần Theo VNE
Ảnh: Đoàn Anh Tuấn
Bình luận (0)